Đủ chiêu “chặt chém” du khách mùa du lịch

Thứ Tư, 06/07/2016 05:45  | Phan Vi

|

(CAO) Đến hẹn lại lên khi mùa du lịch đang đến, hàng nghìn du khách khắp nơi tìm đến các địa điểm nổi tiếng để tham quan, nghỉ ngơi cũng là lúc “ra tay” của các nhà hàng, quán ăn.

Dù rất cảnh giác nhưng không ít du khách phải “ngậm đắng, nuốt cay” vì những chiêu trò “chặt chém” của những hàng quán này.

Chiêu “ rơi giá”

Chia sẻ câu chuyện của mình, anh Trần Thanh Tuấn (ngụ Hà Nội) cho biết : “ Ngày 24-6 gia đình tôi đi du lịch ở Nha Trang có ghé một quán ăn có tên LB ở khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng. Do cũng được bạn bè dặn về việc nhiều quán ăn tính tiền cao cho khách nếu không biết giá, nên tôi rất cẩn thận chọn quán có niêm yết giá đàng hoàng.

Tuy nhiên khi ăn xong nhìn thấy hóa đơn thanh toán hoàn toàn khác so với giá niêm yết trong bảng giá, chúng tôi thắc mắc với chủ quán ăn thì nhận được câu trả lời : “Giá ở trong cuốn sổ mà anh coi là giá cũ quán chưa kịp thay”.

Bực mình vì cách trả lời ngang ngược như vậy nên tôi định không thanh toán thì lập tức có hai ba kẻ nhìn bặm trợ, xăm trổ đầy mình tới nhìn chằm chằm vào cả nhà khiến con tôi sợ khóc thét lên nên chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán rồi ra về”.

Cũng chịu cảnh ấm ức và bực mình như anh Tuấn, chị Phan Tường Vân (Ngụ đường Nguyễn Khuyến, thành phố Buôn Mê Thuột) còn bức xúc vì kiểu “tráo giá” trắng trợn tại một quán ăn khác khu vực bờ kè này.

Một khách du lịch phản ánh bị chặt chém trên Facebook 

Chị Vân nhớ rất rõ dĩa cơm chiên cá mặn mà mình gọi trong quán bảng giá ghi 60 nghìn đồng nhưng khi nhìn hóa đơn thanh toán ghi 150 nghìn.

Chị hết sức bức xúc vì số món chị gọi không nhiều, nên chị nhớ rất rõ giá vì vậy chị quyết định gọi cho chủ quán để hỏi tường tận thì chủ quán khẳng định chị nhìn nhầm và chìa bảng giá ra cho chị xem, nhưng chị Vân phát hiện giá của bảng giá có thể thay đổi, khi chị chọn món cơm cá mặn được ghi giá là 60 nghìn nhưng sau đó lớp giá 60 nghìn đó đã được gỡ ra và dán vào món cơm trứng phía dưới, không những vậy chủ quán còn khẳng định mắt chị Vân kém nên nhìn nhầm hàng dưới thành hàng trên.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng (xe ôm khu vực bờ kè ) cho biết : “Một số các quán ở đây chỉ cần nhìn khách là biết khách địa phương hay khách du lịch, họ để giá trong bảng để khách yên tâm chọn món nhưng  khi tính tiền bao giờ cũng tìm cách nâng giá một vài món gọi là “quên” chưa kịp thay giá. Tôi thường xuyên thấy nhiều khách hàng bức xúc vì vấn đề này nhưng vì không muốn mất vui trong chuyến nghỉ mát nên chẳng thấy ai báo công an hay chính quyền”.

Trộm long tráo phụng

Ngoài chiêu đổi giá hoăc chưa kịp thay giá thì nhiều quán còn sử dụng “độc chiêu” đưa bảng giá giả để “lừa” khách.

Câu chuyện của chị Minh Ngọc chia sẻ trên diễn đàn như sau: ngày 23-5 gia đình chị Ngọc đến một quán ăn tại Vũng Tàu để ăn tối, khi cầm quyển ghi các món ăn chị Ngọc nhìn thấy giá khá mềm nên yên tâm chọn hơn 6 món tổng trị gía khoảng 1 triệu, tuy nhiên khi kêu chủ quán tính tiền nhìn thấy hóa đơn hơn 2 triệu.

Qúa bất ngờ chị Ngọc kêu chủ quán cho xem lại quyển giá các món ăn thì lúc này chị phát hiện toàn bộ món mà chị kêu ở quyển giá này hoàn toàn khớp với bảng tính tiền trong hóa đơn kia. Biết gặp phải quán “chặt chém” khách nhưng vì không có chứng cứ cũng không biết phải kêu ai nên chị Ngọc đành móc túi trả tiền trong sự bực tức và khó chịu.

Nắm bắt được tâm lý khách du lịch sơ bị “chặt chém” khi không nhìn thấy giá các món ăn vì vậy nhiều quán ăn sẵn sàng để giá khá mềm, còn gọi là “giá ruột” giá này chỉ dành cho khách quen hoặc khách địa phương, còn khi gặp khách vãng lai hoặc khách du lịch thì họ sẽ “làm” giá khác.

Để xác định được khách vào thuộc loại “khách gì”, một nhân viên của quán tiết lộ:“ Nhìn thấy khách đi taxi vào quán bọn em sẽ đưa cho họ một bảng giá trong đó một số món ghi vừa đĩa, vừa ký nếu là khách địa phương, hoặc khách quen của quán nhìn là biết ngay sẽ không hỏi lại giá nhưng nếu là khách du lịch không quen sẽ hỏi lại và nếu xác định là khách vãng lai, du lịch thì khi tính tiền giá sẽ được nâng lên kèm với một quyển bảng giá khác hoàn toàn được chuẩn bị sẵn khi khách thắc mắc”.

Một hóa đơn mà nạn nhân đăng tải cho mọi người cùng xem

Nhiều bạn trẻ cho rằng :“ Cách hay nhất để tự báo vệ mình đó chính là khi vào quán ăn xem bảng giá nào xong thì lấy điện thoại chụp lại rồi khi tính tiền tự mình tính sẵn nếu họ mang hóa đơn cao hơn thì nhất quyết không trả mà gọi cho chính quyền địa phương”.

Nhiều du khách tuy phát hiện sự gian lận của chủ quán nhưng vì tâm lý ngại va chạm làm ảnh hưởng đến kỳ nghỉ của gia đình, một phần vì không có chứng cứ cụ thể nên chỉ có thể ngậm ngùi “ăn quả đắng” vì những chiêu trò tinh vi kìa.

Bình luận (0)

Lên đầu trang