TP.Đà Lạt:

Cần giải pháp hợp lý cho 5 hộ dân đi chung đường vào Dinh 3

Thứ Năm, 25/06/2020 17:45

|

(CAO) Được cấp cả ngàn m2 đất để sản xuất nông nghiệp (nhiều hộ làm nhà ở), có lối đi chung đường vào Dinh 3 (Dinh Bảo Đại) trên 30 năm nay, bất ngờ, tháng 5-2020, Văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng ra thông báo, không đồng ý cho 5 hộ dân đi chung đường vào Dinh 3 nữa.

Báo Công an TP. Hồ Chí Minh nhận được đơn của 7 hộ dân (thực tế chỉ 5 hộ trực tiếp liên quan) sinh sống gần Dinh 3 (thuộc P.4, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng), phản ánh về việc nhiều năm qua họ sinh sống tại đây, được chính quyền địa phương cấp đất ở, canh tác nông nghiệp, đi chung con đường vào KDL Dinh 3.

Cuối năm 2019, đường vào Dinh 3 được nâng cấp, xây cổng kiên cố và bờ taluy cao, "phong toả" lối vào nhà của 5 hộ dân tự trổ ra từ hàng chục năm trước đó; kèm thông báo, sắp tới, các hộ không được đi chung con đường này.

Tháng 12-2019, đường vào Dinh 3 được nâng cấp, xây taluy, ngăn các đường mòn trổ ra từ nhà 5 hộ dân (bên hướng trái)

Rắc rồi đường đi chung

Theo đơn các hộ dân trình bày cùng hồ sơ liên quan, biên bản làm việc tại UBND P.4 - Đà Lạt, cơ quan chức năng TP.Đà Lạt, đại diện Văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng, thể hiện: Vào năm 1989, các hộ, gồm: ông Võ Văn Đỗ (sau chuyển nhượng cho bà Mã Thị Xuân Giang, tách thêm hộ cho con trai Phan Nhất Nguyên), hộ ông Huỳnh Ba (sau chia cho con trai là Huỳnh Khánh Nguyên Khải một phần), ông Lô Xuân Thiện (sau bán cho ông Lý Ngọc Lân)... được lãnh đạo địa phương ban hành các quyết định cấp đất, từ trên 1.000m2 đến gần 3.000m2 đất ở đồi Ngọc Hoàng, thuộc khu vực Dinh 3.

Các quyết định giao đất nêu rõ: sản xuất nông nghiệp, trồng cây ăn trái. Theo một số cán bộ lão thành, các hộ có quyết định được giao, cấp đất hầu hết là giáo viên, cần nơi an cư. Thời điểm đó, khu vực này còn hoang vắng.

Năm 2005, toàn bộ đất khu vực Dinh 3 được giao cho Văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng quản lý, sử dụng. Theo hoạ hồ, toàn bộ đất của 5 hộ dân này và rộng hơn nữa, trong bán kính khoảng 20 héc-ta, đều thuộc đất Dinh 3.

Từ thời điểm được cấp đất, 5 hộ đi chung con đường từ đường Triệu Việt Vương vào đến cổng Dinh 3 (chiều dài khoảng 700m). Đến nay, con đường này được nâng cấp thành đường trải nhựa, rộng 2 làn xe tô tô. Các hộ dân ở đối diện, song song một phần con đường, họ tự làm các con đường rộng 2m đến 3m từ cổng nhà băng qua rừng thông, nối với đường vào Dinh 3 để đi ra đường Triệu Việt Vương.

Tháng 12-2019, Văn phòng Tỉnh uỷ làm một cái cổng kiên cố trên đường vào Dinh 3, đóng, mở cổng từ 6h đến 19h khiến 5 hộ dân bị hạn chế việc đi lại. Tháng 5-2020, chủ quản Dinh 3 cho xây một bờ taluy (đá, bê tông) dọc theo con đường, ngăn các lối vào đường dẫn đến nhà của các hộ dân.

Người dân thắc mắc thì được giải thích, toàn bộ con đường và phần đường mòn do 5 hộ tự trổ ra để đi lại lâu nay (trong rừng thông) đều thuộc đất của Dinh 3. Nay để bảo vệ di tích, Dinh 3 rào chắn lại, không đồng ý cho các hộ dân đi lại nữa.

Các hộ có đơn kiến nghị, cho rằng, đây là con đường duy nhất suốt hàng chục năm qua họ đi lại, mong muốn tiếp tục được đi chung con đường. Ngày 5-5-2020, Văn phòng Tỉnh uỷ ra thông báo, chỉ cho các hộ đi tạm đến tháng 11-2020.

Hiện Dinh 3 đóng cổng trong khung giờ 19h hôm trước đến 6h sáng hôm sau 

Đâu là giải pháp hợp lý?

5 hộ dân kiến nghị, mỗi hộ bỏ ra 5m đất (giáp hàng rào đất thuộc Dinh 3 quản lý), mở một con đường riêng biệt, song song với đường Dinh 3; tuy nhiên, bắt buộc ở một trong 2 đầu đường đều phải trổ ra đất thuộc Dinh 3, nhưng không được các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương chấp thuận.

Ngày 29-5-2020, sau khi cùng các ngành chức năng, UBND P.4 và đại diện các hộ dân tiến hành khảo sát thực địa, UBND TP.Đà Lạt có báo cáo số 2834/BC-UBND gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, đề xuất phương án xây dựng một con đường tại hẻm 92 Ngô Thì Sỹ, phía sau lô đất của các hộ dân (bề ngang 3 đến 3,5m; chiều dài 100m; dự kiến thiệt hại khoảng 10 cây thông lâu năm), trên cơ sở tại đây có một con đường mòn. Nhà nước bỏ kinh phí làm đường này, còn đường từ đất, nhà các hộ dân xuống đường mới này (khoảng cách từ 30m đến 80m), do dân tự làm.

Các hộ dân phản ứng, bởi so sánh việc đi con đường của Dinh 3 và đường đề xuất xây dựng của UBND TP. Đà Lạt đúng là "một trời một vực"; một bên quá thuận lợi, một bên hiểm trở.

Chúng tôi đã đi thực tế, nhận thấy: 5 hộ dân ở gần Dinh 3, trên 1 quả đồi, khá cao. Con đường nối với hẻm 92 Ngô Thì Sỹ mà UBND TP.Đà Lạt đề xuất xây dựng nằm lưng chừng đồi. Việc mở đường này thì dễ. Nhưng từ sau nhà các hộ dân xuống con đường có độ dốc cao, rừng thông khá dày đặc; việc để các hộ mở đường sẽ thiệt hại hàng chục cây thông; cùng đó phải giật bậc tam cấp, việc đi lại (nếu có) phải hết sức cẩn trọng, bởi phía dưới là vực sâu.

Từ ranh đất, nhà các hộ dân và con đường đề xuất xây dựng của UBND TP. Đà Lạt có độ dốc cao, mật độ thông khá dày

Đáng nói, dù mới có thông tin làm đường hẻm Ngô Thì Sỹ nối dài này, nhưng tại đây đã xuất hiện 1 ngôi nhà trên đất lâm nghiệp (thuộc đất Dinh 3 và rừng đặc dụng của Ban quản lý rừng Lâm Viên). Nếu có con đường mới này, nhà nước có thể sẽ dẫn đến nạn phá thông lấn chiếm đất rừng trái phép.

Ông Trần Đình Văn - Chánh văn phòng Tỉnh uỷ Lâm Đồng, cho biết: "Dinh 3 hiện là khu di tích lịch sử thuộc tỉnh. Tỉnh đang lập hồ sơ đề nghị Trung ương công nhận là khu di tích lịch sử cấp Quốc gia; nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá - lịch sử, thu hút du khách tham quan theo đúng chủ trương lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh nhà.

Là đơn vị được giao quản lý Dinh 3, chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ khu di tích, không để xảy ra tình trạng nhếch nhác, lộn xộn làm mất mỹ quan, mất an ninh trật tự khu vực. Việc Ban quản lý Dinh 3 không đồng ý cho các hộ dân đi chung đường vào Dinh 3 là có cơ sở pháp lý. Các hộ dân được cấp đất sản xuất nông nghiệp, cần sử dụng đất đúng mục đích, không được xây dựng bất kể công trình kiên cố trái phép...".

Mới có thông tin mở đường nối hẻm 92 Ngô Thì Sỹ, đã xuất hiện một hộ dân dựng nhà trên đất rừng
Căn nhà dựng đất rừng ngay cạnh con đường mòn được UBND TP.Đà Lạt đề xuất xây dựng
Ngày 23-6, ông Võ Ngọc Trình - Phó chủ tịch UBND TP.Đà Lạt, cho biết: Theo hoạ đồ năm 1996, từ nhà các hộ dân ra phía hộ bà Giang (hiện nay) có 1 con đường mòn đi ra đường Ngô Thì Sỹ (giữa đường vào Dinh 3 và đường hẻm 92 Ngô Thì Sỹ). Do các hộ dân đi con đường của Dinh 3 quá thuận tiện, nên không ý thức duy tu, giữ đường này để một số hộ dân lấn chiếm đất, bít mất con đường (phần đường và đất này hiện thuộc phần đất trong diện tích gần 3.000m2, trong đó, một phần do Nguyễn Minh Tiến đang quản lý, sử dụng. Tháng 8-2019, UBND TP.Đà Lạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc ông Tiến tháo dỡ công trình vi phạm tại các thửa đất này - PV). 
Ông Trình cũng cho biết, trong 5 hộ dân trên, 4 hộ mới chỉ có quyết định giao đất, 1 hộ được cấp giấy CNQSDĐ. Ngoài phần đất được giao, có 2 hộ lấn đất của Dinh 3 thêm cả ngàn m2 - theo kết quả đo đạc thực tế hiện nay.
Chúng tôi nêu thắc mắc về độ cao dốc, bên dưới là vực sẽ khiến các hộ gặp khó khăn khi trổ đường từ ranh đất ra đường nối với hẻm 92 Ngô Thì Sỹ, nguy hiểm khi chạy xe từ nhà xuống đường; ông Trình cho rằng, ở Đà Lạt có nhiều con dốc tương tự, được giật bậc tam cấp...
Một số hộ dân cho rằng, họ sẽ không dám trổ đường ra con hẻm này vì từ đầu hẻm đường Ngô Thì Sỹ vào tới đây hơn 1km, đường ngoằn nghèo, dốc, không thể đi bộ mà phải đi xe máy, ô tô. Nếu mở đường nối từ nhà xuống đây sợ xe lao xuống vực.
Trước các kiến nghị này, ngày 5-6-2020, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản, giao Sở Xây dựng xử lý, đề xuất mở lối đi cho các hộ dân tại khu vực Dinh 3. Đến nay, Sở Xây dựng đang nghiên cứu, trình phương án.

Bình luận (0)

Lên đầu trang