Go-Việt có thực sự dẫn đầu lĩnh vực giao nhận đồ ăn?

Thứ Năm, 12/09/2019 12:52

|

(CAO) Dù Go-Việt tuyên bố “dẫn đầu trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn” nhưng kết quả khảo sát của các công ty nghiên cứu thị trường lại chỉ ra doanh nghiệp này vẫn “lép vế” so với GrabFood, Foody/Now.vn…

Theo đó trong dịp kỷ niệm 1 năm đặt chân vào thị trường Việt Nam mới đây, Go-Việt tuyên bố đã "nhanh chóng trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực giao nhận đồ ăn” với dịch vụ GoFood.

Được triển khai tại TP.HCM từ tháng 11-2018 và ở Hà Nội vào tháng 3-2019, Go-Việt cho biết dù trong một thời gian ngắn nhưng dịch vụ GoFood đã kết nối khách hàng với 70 nghìn nhà hàng và 6 triệu ly trà sữa được giao, đạt tăng trưởng 25-35% mỗi tháng.

Cuộc chiến giành thị phần giao thức ăn nhanh ngày càng khốc liệt

Tuy nhiên, trái với những lời tuyên bố của Go-Việt, kết quả khảo sát của những công ty nghiên cứu thị trường lại chỉ ra GoFood vẫn “lép vế” so với nhiều ứng dụng có bề dày truyền thống hơn trên thị trường như GrabFood, Now.vn…

Trong một kết quả nghiên cứu mới được GCOMM công bố, 6 ứng dụng đặt thức ăn trực tuyến được biết đến nhiều nhất ở thị trường Việt Nam gồm GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi, theo thứ tự từ cao xuống thấp.

Một nghiên cứu khác được Kantar TNS Vietnam công bố cũng cho kết quả tương tự. Theo đó, 6 ứng dụng được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam theo thứ tự từ cao xuống thấp là GrabFood, Foody/Now.vn, GoFood, Lala, Vietnammm và Lixi.

Qua khảo sát, các công ty nghiên cứu thị trường cũng chỉ ra 5 tiêu chí quan trọng nhất được khách hàng xem xét khi quyết định lựa chọn dịch vụ đặt món, bao gồm: Tốc độ giao hàng nhanh chóng (65%); Món ăn được đóng gói gọn gàng, sạch sẽ (58%); Món ăn được giao đến với chất lượng bảo đảm (56%); Món ăn được giao chính xác theo đơn hàng đã đặt (50%); Có nhiều món ăn với giá cả phải chăng (45%).

Kết quả khảo sát mới công bố gần đây của Công ty GCOMM

Ông Lê Minh Phương - Giám đốc bộ phận nghiên cứu thị trường của Công ty GCOMM cho rằng rõ ràng tốc độ giao món là yếu tố hàng đầu để chinh phục người tiêu dùng. “Dịch vụ nào có đội ngũ tài xế giao hàng đông đảo nhất sẽ phần nào chiếm lợi thế”, ông Phương nói.

Như vậy, nếu xét về tốc độ giao hàng thì Grab Food đang có nhiều lợi thế nhờ mạng lưới khổng lồ lên đến 175.000 đối tác tài xế. Bên cạnh đó, hãng này còn sử dụng phần mềm đối tác GrabFood Merchart để tăng tốc độ giao hàng nhanh chóng hơn.

Cụ thể, khi có khách đặt món đơn hàng sẽ chuyển đến quán ăn rồi mới được chuyển đến tài xế. Sau đó, tài xế chỉ cần đến quán ăn lấy đồ ăn đem giao cho khách mà không cần phải mất thêm thời gian vào gọi món và chờ đợi.

Ứng dụng Now.vn cũng chọn giải pháp giảm thời gian bằng cách đặt thiết bị nhận yêu cầu món ngay tại các nhà hàng. Khi khách gọi đồ ăn trên điện thoại thì thiết bị đặt trong nhà hàng sẽ báo, món ăn sẽ được làm ngay. Khi nhân viên giao hàng đến quán cũng là lúc thức ăn đã chuẩn bị sẵn sàng giao đi.

Dự báo giá trị thị trường giao nhận đồ ăn ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 38 triệu USD vào năm 2020

Ứng dụng giao hàng tức thời Ahamove với đội ngũ tài xế khoảng hơn 60.000 người cũng luôn sẵn sàng kết nối với các ứng dụng chưa có nhiều người giao hàng. Ahamove sẽ giúp các ứng dụng giao hàng giải quyết khó khăn về tốc độ vận chuyển đồ ăn, việc còn lại là các nhà hàng phải làm hài lòng khách hàng ở chất lượng đồ ăn.

Trong khi đó, độ phủ của các đối tác tài xế áo đỏ của Go-Việt thì đang có sự “lép vế” so với những đối thủ đã có lịch sử lâu hơn như Grab hay Now.vn. Chất lượng dịch vụ của GoFood cũng có khi khách hàng đánh giá thấp hơn so với đối thủ vì thường bị lỗi định vị vị trí giao hàng.

Ngoài ra Go-Viet cùng lúc một phần mềm kết nối 3 ứng dụng (chở khách, giao hàng và đồ ăn) cũng gây bất tiện cho tài xế.

Theo dự báo của Euromonitor, đến năm 2020 giá trị thị trường giao nhận đồ ăn ở Việt Nam sẽ đạt khoảng 38 triệu USD. Chính vì vậy, các ứng dụng công nghệ đang không ngừng đổ thêm tiền đầu tư vào thị trường nhằm gia tăng lợi thế về độ phủ để thoả mãn các “thượng đế”. Điều này khiến cuộc chiến giao nhận đồ ăn đang ngày càng khốc liệt và ai có chiến lược chinh phục được sự hài lòng của người dùng Việt sẽ giành chiến thắng trong cuộc chơi.

Trong một diễn biến khác, vào chiều ngày 9-9, cộng đồng mạng dậy sóng với vụ việc nữ diễn viên Kim Nhã bị một tài xế Go-Viet hành hung ngất xỉu. Đại diện Go-Viet xác nhận có vụ việc trên và hiện tại công ty đã khóa tài khoản tài xế.

Bình luận (0)

Lên đầu trang