(CATP) Trên cơ sở tổng hợp ý kiến góp ý của các Sở, ngành, UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện, Sở Văn hóa và Thể thao TP đã báo cáo UBND TPHCM về tổ chức, hoạt động của lực lượng kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội. Trong đó, Sở nhấn mạnh đến cơ sở pháp lý về tổ chức và hoạt động của lực lượng này.
Cụ thể, lực lượng kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội được thành lập ở các cấp thành phố, quận, huyện và phường, xã, thị trấn. Theo đó, Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực về hoạt động của Đoàn 1, Đội 1 - Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội, chịu trách nhiệm về kiểm tra hoạt động văn hóa - thông tin; Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực về hoạt động của Đoàn 2, Đội 2 - Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội chịu trách nhiệm về kiểm tra hoạt động phòng, chống tệ nạn xã hội.
Các quận, huyện ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội trên địa bàn quận, huyện trên cơ sở Quy chế của Thành phố. Lực lượng Kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội thực hiện kiểm tra và chuyển hồ sơ để cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật, trong đó xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản pháp luật có liên quan.
Hàng năm, lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội các cấp xây dựng Kế hoạch kiểm tra liên ngành có trọng tâm, trọng điểm đối với các cơ sở kinh doanh dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn. Hoạt động của lực lượng này luôn có sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Thành ủy, UBND TP và sự đồng hành, tham gia tích cực, hỗ trợ, phối hợp tốt của các sở, ngành, chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, giáo dục; tăng cường kiểm tra, xử lý liên ngành văn hóa - xã hội; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, kéo giảm tệ nạn xã hội, phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao và các dịch vụ khác; đưa các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong lĩnh vực này đi vào nề nếp, tuân thủ đúng pháp luật, môi trường văn hóa và an ninh trật tự trên địa bàn TP được đảm bảo.

Lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội các cấp kiểm tra cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm" (ảnh minh họa)
Theo thống kê, từ năm 2016 đến 2024, lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội các cấp TP, quận, huyện, phường, xã, thị trấn đã thực hiện kiểm tra 142.864 lượt các cơ sở kinh doanh ngành nghề dễ phát sinh tệ nạn xã hội về ma túy, cờ bạc, mại dâm, kích dục, khiêu dâm như: karaoke, nhà hàng, quán bar, vũ trường, beer club, massage, hớt tóc thanh nữ, khách sạn, phòng chiếu phim, trò chơi điện tử, trò chơi điện tử không kết nối mạng (máy bắn cá), câu lạc bộ Poker, sản xuất đĩa CD, Internet... Qua đó, kịp thời xử lý các cơ sở kinh doanh vi phạm với tổng số tiền phạt gần 296 tỷ đồng, buộc tiêu hủy 73.465 đĩa CD, VCD, 231 máy đánh bạc, 130 đầu máy các loại; tịch thu, tiêu hủy 424 kiện rượu, bia, 547 kiện thuốc lá, shisha...; nộp ngân sách Nhà nước hơn 138 tỷ đồng.
Có thể nói, dù công tác kiểm tra, xử lý vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, nhưng thông qua công tác kiểm tra, lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội đã kịp thời phát hiện vi phạm, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; đồng thời tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, sự bất cập, chồng chéo, thiếu các quy định của pháp luật điều chỉnh hành vi phát sinh gây nguy hại cho xã hội; quản lý nhà nước chưa chặt chẽ ở một số địa bàn, việc đối phó của đối tượng kiểm tra với các lực lượng chức năng, để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế, chính sách, chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước chặt chẽ hơn.
Hiện cấp có thẩm quyền đang thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy trong đó kết thúc hoạt động của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, định hướng sắp xếp cấp huyện, cấp xã theo Chỉ thị Thủ tướng Chính phủ và Thông tư của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có thay đổi về đối tượng được giao thực hiện nhiệm vụ. Do đó, lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội tại TPHCM có thể không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Trước tình hình này, nhằm bảo đảm căn cứ pháp lý đối với tổ chức và hoạt động của lực lượng Kiểm tra Liên ngành văn hóa - xã hội trên địa bàn TP sau khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND TP có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chỉ đạo điều chỉnh, sửa đổi Chỉ thị số 814-TTg, Thông tư số 05/2006/TT-BLĐTBXH, để có cơ sở pháp lý tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao TP, trong thời gian chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định vấn đề trên, Sở cũng đã đề xuất tạm dừng công tác kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa, thông tin và phòng, chống tệ nạn xã hội; thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương, giao về các sở, ngành tập trung thực hiện nhiệm vụ kiểm tra chuyên ngành theo chức năng.