Xã Trung Lập Thượng: Dựng cổng rào ngáng đường tội phạm
Trở lại Trung Lập Thượng, một xã nông thôn mới đang phát triển ở H.Củ Chi trong một ngày cuối năm 2024, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thú vị bởi cảnh sống yên bình, đầy phấn khởi, lạc quan của nhiều người dân nơi đây. Dọc tuyến đường Trần Thị Tua ở ấp Đồng Lớn, nông dân vui vẻ chở nông cụ vật tư nông nghiệp ra đồng làm việc; trên đường, từng tốp học sinh nối tiếp nhau đạp xe vui bước đến trường... tất cả như minh chứng cho khung cảnh sống rất lý tưởng của người dân về một vùng quê thanh bình, tình hình ANTT luôn được bảo đảm...
Ra mắt mô hình "Tổ phòng, chống ma túy và bạo lực học đường" tại Trường THCS Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi
Cùng chúng tôi rảo bước dọc tuyến đường, Thiếu tá Hồ Khắc Phi - Phó trưởng Công an (CA) xã Trung Lập Thượng phấn khởi cho biết: "Ở tuyến đường này, trước đây vài năm, tình hình phạm pháp hình sự (PPHS) như: trộm nhập nha, trộm chó, ma túy, cờ bạc vẫn thường diễn ra, khiến chính quyền địa phương phải quan ngại. Nhận thấy đây là địa bàn giáp ranh, dễ phát sinh các vấn đề mất ANTT, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo lực lượng CA xã tham mưu xây dựng mô hình tự quản về ANTT tại đây. Từ đó mô hình "Cổng rào an ninh" ra đời vào cuối tháng 9/2024. Mô hình được xây dựng trên tuyến đường Trần Thị Tua có chiều dài khoảng 2km, thuộc ấp Đồng Lớn. Đây là tuyến đường nối liền xã Trung Lập Thượng (H.Củ Chi) với P.Lộc Hưng (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), luôn tiềm ẩn nguy cơ và điều kiện để các đối tượng hoạt động phạm tội từ Tây Ninh trà trộn sang đây hoạt động và tẩu thoát, gây mất ANTT trên địa bàn xã. Trên tuyến đường có 113 hộ gia đình với khoảng 500 nhân khẩu đang sinh sống và sản xuất kinh doanh, chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt. Do đó, việc chấm chọn tuyến đường Trần Thị Tua để xây dựng mô hình tự quản "Cổng rào an ninh" là vô cùng phù hợp với tình hình thực tế.
Theo đó, tại 2 điểm đầu và cuối của tuyến đường đã được UBND xã cho xây dựng 2 cổng rào chắn kiên cố. Dọc tuyến đường nơi giao nhau với các đường nhánh nhỏ khác cũng được thiết kế các thanh gác chắn và lắp kẻng báo động. Khi phát hiện đối tượng phạm tội trên đường, người dân dọc tuyến đường (cũng là các thành viên trong Tổ xung kích bảo vệ ANTT của mô hình) sẽ thông báo cho nhau và cho CA xã biết bằng cách gõ kẻng báo động, gọi điện thoại trực tiếp hoặc thông báo qua các nhóm Zalo, Facebook. Đồng thời nhanh chóng đóng cổng ở 2 đầu đường và hạ các thanh gác chắn dọc tuyến đường nhằm bao vây, cô lập đối tượng. Sau đó, người dân có thể trực tiếp khống chế, bắt giữ đối tượng hoặc phối hợp lực lượng CA xã xử lý vụ việc nhanh chóng, kịp thời, an toàn.
Với phương thức hoạt động nêu trên, mô hình vừa có tác dụng răn đe hành vi phạm tội, vừa mang lại hiệu quả cao trong việc hỗ trợ bắt giữ các đối tượng khi chúng vừa thực hiện hành vi vi phạm pháp luật tại đây.
Việc xây dựng mô hình "Cổng rào an ninh" tại xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi thể hiện sự quan tâm của của chính quyền địa phương, sự nỗ lực của lực lượng CA trong thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ), góp phần quan trọng giữ vững ANTT tại địa bàn.
Ông Biện Văn Ngoan - Trưởng ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng đánh giá: "Mô hình Cổng rào an ninh được triển khai kịp thời đã tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, nhằm giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, góp phần phục vụ công cuộc xây dựng, bảo vệ ANTT trên địa bàn xã. Bên cạnh đó, mô hình cũng đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh ở địa phương".
Ban chỉ huy Công an xã Trung Lập Thượng kiểm tra, đánh giá hiệu quả thực tế của mô hình "Cổng rào an ninh" tại ấp Đồng Lớn
Theo đồng chí Phó trưởng CA xã Trung Lập Thượng, với mô hình được triển khai hiệu quả đã góp phần kéo giảm rõ rệt tình hình PPHS và TNXH trên địa bàn xã, ấp, nhờ vậy tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội luôn được bảo đảm. Các thành viên tham gia mô hình đều rất xông xáo, luôn kịp thời phối hợp với lực lượng CA làm tốt công phòng ngừa, ngăn chặn đẩy lùi không để tội phạm hoạt động lưu động đi vào ấp, xã thực hiện hành vi phạm tội". Thông qua mô hình, tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân trước hoạt động của các loại tội phạm và TNXH đã được nâng cao. Tinh thần dân chủ của cán bộ, Đảng viên và Nhân dân được phát huy rõ nét trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân trong công tác bảo vệ ANTT.
Xã Tân Thạnh Đông: Xây dựng phong trào phòng, chống tội phạm trong học đường
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cũng như chủ động phòng ngừa, hạn chế, tiến tới làm giảm số người nghiện và người sử dụng ma túy, không để ma túy lây lan trong cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, trường học và phòng, chống bạo lực trong học đường (BLHĐ), từ ngày 12/8/2024, CA xã Tân Thạnh Đông, H.Củ Chi đã tham mưu cho Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo xây dựng, triển khai mô hình Tổ phòng, chống ma túy và BLHĐ tại trường THCS Tân Thạnh Đông.
Nội dung tuyên truyền xoay quanh các vấn đề về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm, đặc biệt là tác hại của ma túy; những nguy cơ dẫn đến nghiện ngập, buôn bán trái phép chất ma túy; phòng, chống BLHĐ và những quy định xử phạt hành vi tàng trữ, sử dụng, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; những quy định cơ bản, sát thực của pháp luật, tập trung vào Bộ luật hình sự ở các nhóm tội danh: trộm, cướp, cướp giật, cố ý gây thương tích, hiếp dâm, BLHĐ...; Luật phòng, chống ma túy năm 2021; Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ANTT, an toàn xã hội, phòng, chống TNXH...
Đại úy Lâm Văn Mạnh - Phó CA xã Tân Thạnh Đông cho biết: "Mô hình này ra đời trên tinh thần "tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự phát hiện và tố giác tội phạm". Tổ phòng chống ma túy và BLHĐ gồm 1 tổ trưởng là hiệu phó nhà trường với 3 tổ viên là các thầy giám thị. Mỗi người luôn là tấm gương nêu cao tinh thần trách nhiệm trọng công việc được giao, không được bao che chứa chấp tội phạm, tích cực giữ gìn ANTT trong nhà trường, đồng thời vận động mọi người thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi cư trú, nơi làm việc. Ngoài ra, các thành viên tổ này cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về phòng, chống và tác hại của ma túy trong trường học; quy định về xử phạt hành vi vi phạm TNXH, BLHĐ... Mặt khác, thường xuyên nắm tình hình về ANTT, trong trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật hoặc có hiện tượng nghi vấn, hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật phải báo cáo ngay cho cơ quan CA các vụ việc xảy ra để có hướng giải quyết dứt điểm, hiệu quả, kịp thời.
Tổ tự quản và các thành viên thường xuyên trao đổi thông tin với CA xã và Cảnh sát khu vực để cập nhật, phổ biến, tuyên truyền các phương thức thủ đoạn hoạt động mới của các loại tội phạm nhằm giúp công nhân viên, giáo viên, học sinh nâng cao ý thức cảnh giác và tích cực trong đấu tranh PCTP. Hàng tháng Tổ phòng, chống ma túy và BLHĐ tham gia hợp với Cảnh sát khu vực để kiểm tra đánh giá những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém về tình hình ANTT. Qua 4 tháng thực hiện, mô hình đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân tham gia công tác PCTP và tệ nạn ma túy, BLHĐ và các TNXH khác, nhằm góp phần giữ vững kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, bảo đảm ANTT, an toàn tại trường học. Qua đó, công tác PCTP, phòng, chống ma túy và BLHĐ đã được lồng ghép với các nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của nhà trường và thực hiện có hiệu quả xuyên suốt.
Thầy Hồ Văn Nghĩa - Hiệu trưởng Trường THCS Tân Thạnh Đông cho biết: Do số lượng học sinh của trường đông (khoảng trên 2.500 em) nên các vụ việc mâu thuẫn cá nhân giữa các học sinh dẫn đến nhiều vấn đề liên quan đến ANTT lâu nay vẫn thường xuyên xảy ra. Để hạn chế, kéo giảm tình trạng này, Tổ phòng, chống ma túy và BLHĐ phối hợp CA xã tiến hành kiểm tra thực tế tại các lớp học nhằm đánh động tâm lý những học sinh có biểu hiện vi phạm. Đối với những vụ việc xảy ra bên ngoài trường, tổ sẽ phối hợp lực lượng CA xã giải quyết. Từ khi triển khai mô hình này đến nay, tổ đã ngăn chặn được 3 vụ học sinh chuẩn bị đánh nhau, gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra trước đây, tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử bên trong trường học thỉnh thoảng vẫn xảy ra, nhưng từ khi triển khai mô hình, ý thức của các em học sinh đã có nhiều sự chuyển biến tích cực. Nhờ vậy, phụ huynh thấy an tâm, không còn lo sợ tình trạng con em mình bị lôi kéo, hư hỏng...
(CATP) Với vị trí nằm trên đường giáp ranh 3 xã Xuân Thới Đông, Bà Điểm, Xuân Thới Thượng, Chợ đầu mối nông sản thực phẩm (CĐM) Hóc Môn là một trong 3 CĐM lớn của TP gắn với mật độ lưu thông lớn, kéo theo đó là tình hình an ninh, trật tự xung quanh chợ còn nhiều diễn biến phức tạp. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, dọc theo các tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, Quốc lộ 22, đường số 3, đường số 4 và đường số 12 đã hình thành khu vực chợ tự phát bao vây CĐM với khoảng 190 điểm kinh doanh tự phát, hàng hóa trưng bày lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, tình trạng mua bán bát nháo, không bảo đảm an ninh, trật tự. Bên cạnh đó, các xe xuống hàng, mua hàng, lưu đậu vào giờ cao điểm gây ách tắc giao thông, cản trở các phương tiện chuyên chở hàng hóa ra vào chợ, cản trở các phương tiện lưu thông của người dân... Giải pháp nào thiết lập được an ninh, trật tự tại CĐM Hóc Môn?