(CATP) Gần cuối năm 2022 đến nay, hàng chục hộ dân sống dọc theo rạch Cái Sắn (thuộc phường Mỹ Thạnh, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang) liên tục gửi đơn đến cơ quan chức năng để xin được cứu xét, hỗ trợ kinh phí sửa chữa nhà cửa vì bị ảnh hưởng do quá trình thi công dự án kè chống sạt lở. Không nhận được phản hồi, mới đây các hộ dân đã gửi đơn cầu cứu cơ quan báo chí.
Nhà nứt vì dự án kè chống sạt lở
Theo nội dung phản ánh, kè khắc phục sạt lở rạch Cái Sắn (đoạn từ mương Sáu Bá đến nhà máy Việt Hưng và đoạn từ mương Thơm đến nhà ông Ba Kiệt) có chiều dài 450m, do Công ty cổ phần tư vấn và dịch vụ xây dựng TSC thiết kế. Hai đơn vị thi công, gồm: Công ty Cổ phần xây dựng Bách Khoa và Công ty Cổ phần xây dựng Falcon Việt Nam. Trước khi dự án khởi công, các đơn vị liên quan có đến chụp hình, khảo sát hiện trạng và thông báo: "Nếu nhà nào bị ảnh hưởng sẽ được đền bù thỏa đáng".
Thế nhưng sau đó, hàng chục nhà dân bị ảnh hưởng, như: nứt tường, sụp lún sân, nền... Sau đó, họ có phản ánh đến cơ quan chức năng và có cán bộ xuống ghi nhận hiện trạng để có căn cứ giải quyết về sau. Thế nhưng, theo người dân đến nay đã 12 tháng, công trình thi công đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nhưng họ vẫn chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
Bà Nguyễn Thị Ấm chỉ vào các vết nứt của căn nhà
Bà Đặng Thị Bé (ngụ khóm Thới Thạnh, phường Mỹ Thạnh) cho biết: "Nhà tôi tuy cũ nhưng rất chắc. Trong quá trình thi công kè đã gây nứt tường, nứt nền và gia đình không có điều kiện để sửa chữa. Do đó, tôi chỉ yêu cầu hỗ trợ một phần để có kinh phí sửa chữa chứ không đòi hỏi gì lớn. Sau khi chúng tôi gửi đơn thì chủ đầu tư có xuống khảo sát hiện trạng, ghi vào biên bản và cho ký tên. Đợi lâu không thấy phản hồi, nóng lòng, chúng tôi gọi điện hỏi thăm thì họ kêu chờ sẽ được giải quyết, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì”.
Theo bà Bé, mặc dù nhà dân cất san sát, nhưng không phải hộ nào cũng bị ảnh hưởng mà xen kẽ nhau. Cùng là dự án kè chống sạt lở nhưng một đoạn khác đã được hỗ trợ, còn đoạn 30 hộ dân thuộc khóm Thới Thạnh vẫn chờ đợi trong mỏi mòn. Sau khi người dân gửi đơn lên UBND phường thì được "chỉ” lên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực (QLDA ĐTXDKV) thành phố.
Chỉ về phía căn nhà bị nứt tường nhiều chỗ, gạch ốp tường, la phông bung từng mảng lớn và các phòng ngủ phải dùng băng keo dán lại, bà Nguyễn Thị Ấm (ngụ địa phương) cho biết: Năm 2019, gia đình đầu tư số tiền hơn 600 triệu đồng để cất căn nhà chính để ở. Phía trước còn có căn nhà tiền chế và hàng rào kiên cố để làm chỗ sửa xe. Trong quá trình làm bờ kè đã gây lún nền sửa xe, rồi ảnh hưởng đến căn nhà chính mới hoàn thành chỉ hơn 6 tháng. "Trước khi khởi công, họ có tiến hành họp dân và thông báo nếu nhà cửa bị ảnh hưởng sẽ có bảo hiểm đền bù thỏa đáng. Trong quá trình thi công đã gây ảnh hưởng, họ có xuống ghi nhận hiện trạng nên chúng tôi để cho thi công đến khi dự án hoàn thành. Do thấy lâu chưa được bồi thường nên gia đình đã đi vay mượn mấy chục triệu đồng để làm lại nhà sửa xe để có cái mưu sinh", bà Ấm cho hay.
Khu vực kè sông Cái Sắn - nơi có 30 nhà dân bị ảnh hưởng
Sẽ mời các đơn vị để có hướng hỗ trợ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Duy (Giám đốc Ban QLDA ĐTXDKV TP.Long Xuyên) khi trao đổi với phóng viên. Ông Duy cho biết: Tháng 02/2021, UBND tỉnh An Giang có quyết định khắc phục khu vực sạt lở sông Cái Sắn với chiều dài 450m. Đoạn 1 từ mương Sáu Bá đến nhà máy Việt Hưng (dài 135m), đoạn 2 từ mương Thơm đến nhà ông Ba Kiệt (dài 315m), với tổng kinh phí đầu tư là 59 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ và một phần ngân sách của TP.Long Xuyên. Toàn tuyến có 12 hộ dân bị sạt lở nghiêm trọng, trong đó có nhà bị sụp đổ xuống sông. Dự án khởi công từ tháng 3/2021 và hoàn thành vào tháng 12/2021.
Theo ông Duy, do nhà dân cất san sát và cạnh bờ kênh nên quá trình đóng cọc có ảnh hưởng. Trong quá trình thi công, nhà thầu có ghi nhận hiện trạng, phối hợp với đơn vị bảo hiểm tổ chức khắc phục. Sau 9 tháng công trình thi công và hoàn thành thì có đơn xin cứu xét của 30 hộ dân. Theo phản ánh của họ thì dự án thi công từ tháng 2 đến tháng 8/2020. Thế nhưng, thời điểm này chỉ có dự án kè sông Cái Sắn (phía bên trong) do Ban QLDA ĐTXD công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh triển khai, chứ không phải của Ban QLDA ĐTXDKV TP.Long Xuyên.
"Thời điểm họ gửi đơn là sau 9 tháng thi công, dự án đã đưa vào sử dụng. Trong quá trình thi công thì họ không có báo việc nhà cửa bị ảnh hưởng. Riêng đoạn 135m có 9 hộ dân bị hưởng nhà cửa và đã đền bù, khắc phục hậu quả. Sau khi khiếu nại, tháng 11/2022, Ban có kết hợp với đơn vị thi công, đơn vị thiết kế và chính quyền địa phương xuống ghi nhận hiện trạng. Qua đó, có nhà bị nứt tường, sân bị lún sụp. Trên tinh thần đó, đơn vị tư vấn có khái toán chi phí khắc phục sửa chữa. Trong số 30 hộ thì có 4 hộ đã tự sửa chữa, còn lại 26 hộ cần được sửa chữa với số tiền khoảng 95 triệu đồng. Hộ thấp nhấp là 1,2 triệu đồng, còn hộ cao nhất là 10 triệu đồng", ông Duy thông tin.
Giám đốc Ban QLDA ĐTXDKV TP.Long Xuyên nhấn mạnh: "Cái khó hiện nay là công trình đã hết hạn bảo hành. Họ cho rằng, trong quá trình thi công có ảnh hưởng, đã hỗ trợ khắc phục xong, trường hợp phát sinh sau này sẽ không giải quyết. Tuy nhiên, đơn vị sẽ cố gắng trao đổi, thuyết phục các đơn vị thi công, thiết kế để có hướng hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa".
Trước đó, ngày 23/02/2023, ông Đặng Hoàng Triều - Phó Giám đốc Ban QLDA ĐTXDKV TP.Long Xuyên đã có giấy mời lãnh đạo Công ty Cổ phần xây dựng Bách Khoa, Công ty Cổ phần xây dựng Falcon Việt Nam và Công ty cổ phần tư vấn và dịch vụ xây dựng TSC đến về việc xử lý chi phí hỗ trợ sửa chữa hoàn trả nhà, mặt bằng sân, rào... thuộc công trình kè khắc phục khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn. Thế nhưng các đơn vị này không đến theo thư mời.