Bình Dương: Hàng chục ngàn công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thứ Năm, 27/08/2020 10:41

|

(CATP) Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, sản xuất (SX) - kinh doanh trì trệ, thiếu đơn hàng..., khiến không ít doanh nghiệp (DN) phải cắt giảm lao động (LĐ), dẫn đến công nhân (CN) mất việc hàng loạt. Trong khi đó, bài toán hỗ trợ vẫn đang vướng về thủ tục.

DOANH NGHIỆP GỒNG MÌNH

Hàng loạt DN đang phải "thở oxy" trong dịch đã cầu cứu cơ quan chức năng. Công ty TNHH Doanh Đức (TP.Dĩ An, chuyên SX đồ gỗ) phải ngưng hoạt động trong tháng 4-2020, gần 700 CN cũng tạm dừng công việc. Công ty đã lập danh sách CN và làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng TP.Dĩ An xin hưởng hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Theo thống kê, 6 tháng đầu năm 2020, có 295 DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp khó khăn phải tạm ngưng hoạt động, với 224.304 CN bị ảnh hưởng. Trong đó, số LĐ bị chấm dứt HĐLĐ là 13.045, số LĐ ngừng việc, tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương là 54.791, số LĐ phải giảm giờ làm việc là 94.219.

Tương tự là trường hợp Công ty TNHH Vision International (KCN Việt Nam - Singapore 1). Chịu tác động nặng bởi dịch Covid-19, từ tháng 4 đến tháng 6-2020 công ty phải tạm ngưng SX và cho gần 1.000 CN nghỉ việc tạm thời. "Hiện công ty đã lập danh sách số CN này để làm hồ sơ hưởng chính sách từ gói hỗ trợ của Chính phủ”, ông Nguyễn Hồng Văn - Giám đốc Phòng Quản lý công ty - cho biết.

Đại diện Công ty TNHH Phước Ý (chuyên SX đế giày, ở TX Bến Cát) cũng đã lập danh sách 218 trường hợp CN tạm hoãn hợp đồng lao động (HĐLĐ) do ảnh hưởng dịch Covid-19 từ tháng 5 đến tháng 9-2020 gửi cơ quan chức năng TX Bến Cát xem xét.

Không chỉ DN xuất khẩu điêu đứng mà DN nhập khẩu hàng cũng đang "đứng hình". Công ty TNHH thương mại - dịch vụ xuất nhập khẩu BK (P. Bình Hòa, TP.Thuận An, chuyên nhập khẩu khẩu trang, màng lọc chống bụi mịn) gần như phải ngừng hoạt động vì nguồn nhập không có.

CẦN LINH ĐỘNG TRONG THỦ TỤC HỖ TRỢ

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Bình Dương cho biết, hiện bảo hiểm xã hội tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết xong hồ sơ của 81 DN với 14.803 LĐ thuộc nhóm tạm hoãn thực hiện HĐLĐ và nghỉ việc không lương đề nghị được hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Bà Đặng Thị Kim Chi, Chủ tịch Công đoàn KCN Việt Nam - Singapore, cho biết gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ đã sớm được các cấp triển khai nhưng đến nay vẫn chưa CN nào nhận được, do điều kiện DN phải chứng minh được không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính trả lương cho CN. Tuy nhiên, sau đó hồ sơ bị trả lại do báo cáo tài chính không thể hiện được vấn đề này. Đây thực sự là bài toán khó đối với DN. "Tỉnh Bình Dương cần kiến nghị Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp trong thời điểm hiện nay để gói hỗ trợ sớm đến được với người lao động (NLĐ)" - bà Chi đề xuất.

Công nhân Bình Dương làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp trong mùa dịch

Bà Nguyễn Thị Kim Liên - Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Doanh Đức - kiến nghị: "DN chỉ ngưng hoạt động trong tháng 4-2020, nhưng để chứng minh không có doanh thu, không có tiền trả lương cho NLĐ là cực khó. Thực tế, chỉ khi DN phá sản hoặc chấm dứt hoạt động mới có doanh thu không đồng. Chúng tôi kiến nghị cơ quan chức năng cần đơn giản thủ tục để NLĐ được hưởng chính sách từ gói hỗ trợ này. Chỉ cần DN chứng minh tháng đó không hoạt động SX - kinh doanh và CN phải nghỉ việc là đủ”.

Theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, số đơn hàng ngày càng ít nên các DN phải thu hẹp SX, sắp xếp lại LĐ dẫn đến giảm doanh thu chứ không hoàn toàn mất. Do vậy, rất khó để chứng minh DN không có doanh thu hoặc không có nguồn tài chính trả lương cho NLĐ, dẫn đến việc NLĐ mặc dù bị ngưng việc hoặc chấm dứt HĐLĐ nhưng không đủ điều kiện được hỗ trợ theo quy định.

Về vấn đề này, ông Lê Minh Quốc Cường, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương, cho biết thêm: "Sức gồng của DN có hạn nên phải thu hẹp quy mô SX, cắt giảm LĐ. Điều này sẽ tạo sức ép lớn cho thị trường LĐ khi tình trạng mất việc gia tăng, chưa kể các vấn đề xã hội phát sinh. Vì vậy, ngoài đơn giản thủ tục và điều kiện hưởng hỗ trợ, cần kiến nghị Chính phủ cho kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 đến hết năm 2020".

Hàng ngàn doanh nghiệp bán lẻ xin giải thể

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu các mặt hàng không cần thiết, khiến hàng loạt DN bán lẻ rơi vào khó khăn, phải đóng cửa, xin giải thể...

Thực trạng các cửa hàng bán lẻ phải đóng cửa trên nhiều tuyến đường vốn buôn bán sầm uất ở TPHCM đã nói lên điều đó. Số liệu thống kê từ Cục Thuế thành phố mới công bố cho thấy, 6 tháng đầu năm nay có đến gần 18.743 DN ngừng hoạt động, gồm 3.491 DN giải thể, 7.193 DN tạm ngưng và 3.397 trường hợp bỏ điểm kinh doanh (KD) không rõ lý do. Chiếm phần lớn trong số bị "khai tử" này là thành phần kinh tế tư nhân hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ, tiếp đến là các DN hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo, xây dựng và KD bất động sản.

Hàng loạt cửa hàng bán lẻ trên tuyến đường vốn kinh doanh sầm uất ở Q1 phải đóng cửa

Thống kê của Cục Quản lý đăng ký KD - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong 7 tháng vừa qua, số DN hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ chờ giải thể chiếm đa số. Cụ thể, cả nước có đến gần 9.000 DN bán lẻ chờ giải thể (37,2%); kế đến là DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (2.512 DN, chiếm 11,5%), xây dựng (2.356 DN, chiếm 11,8%)... Tính chung, 7 tháng qua, số DN tạm ngừng hoạt động chờ giải thể gần 22.000.

Đáng chú ý, DN đăng ký tạm ngừng KD có thời hạn cũng đang tăng cao. Theo dữ liệu của cơ quan quản lý, tỷ lệ gia tăng đăng ký tạm ngừng KD có thời hạn của 7 tháng đầu năm trong giai đoạn 2015 - 2019 có mức trung bình là 28,1%; trong khi số lượng này trong 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 DN, tăng 41,5% so với những thời điểm cùng kỳ trên.

Con số này được đánh giá là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng KD trong các kỳ 7 tháng tính từ năm 2015 đến nay. Qua đó cho thấy ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19 đến tình hình DN nói chung. Theo các chuyên gia kinh tế, với diễn biến dịch bệnh phức tạp hiện nay, nhu cầu mua sắm những mặt hàng không thiết yếu sẽ tiếp tục được tiết giảm, kéo theo đó sẽ là sự đi xuống rất khó lường của thị trường bán lẻ hàng hóa trong nước.

HỒNG CHÂU

Bình luận (0)

Lên đầu trang