Vụ nhiều tiểu thương phản đối dời “chợ công” về “chợ doanh nghiệp”:

Sau phản ánh của Báo Công an TPHCM, dừng cưỡng chế, mời dân đối thoại

Thứ Năm, 27/08/2020 08:20  | Nguyễn Nhân

|

(CAO) Ngày 12-8, Báo Công an TPHCM điện tử đăng bài viết: “Nhiều tiểu thương phản đối dời “chợ công” về “chợ doanh nghiệp”. Sau phản ánh của báo, cơ quan chức năng tạm dừng việc cưỡng chế, có thư mời các tiểu thương lên đối thoại.

Tiểu thương chợ Bà Đầm được UBND huyện Thới Lai mời lên để nghe tâm tư, nguyện vọng.

Cụ thể ngày 24-8, ông Nguyễn Văn Lắm – Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ có ký giấy mời gửi cho các tiểu thương về việc trao đổi một số việc có liên quan đến di dời chợ Bà Đầm. Thời gian là vào chiều ngày 28-8 tại hội trường Trung tâm Văn hóa - thể thao xã Trường Xuân.

Vụ việc này, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ cũng có văn bản gửi Chủ tịch UBND huyện Thới Lai để chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xem xét, giải quyết vụ việc và thông báo kết quả giải quyết.

Nhiều tiểu thương bỏ tiền dựng ki-ốt và mua lại chỗ buôn bán, giờ di dời sang chợ mới khiến cuộc sống họ gặp khó.

Liên quan đến việc di dời chợ Bà Đầm (xã Trường Xuân), nhiều tiểu thương tiếp tục có ý kiến gửi Báo Công an TPHCM. Họ trình bày: Việc từ chối dời về “chợ doanh nghiệp” với những lý do như: “Chợ công” có ưu điểm ổn định mấy chục năm, điều này “chợ doanh nghiệp” không thể đảm bảo được. Về hạ tầng, các lô sạp, ki-ốt còn chất lượng từ 60-70%, nếu tất cả phải bỏ đi thì quá phí phạm, dời đi tất cả phải mua lại hoàn toàn, số tiền bỏ ra không nhỏ.

“Bà con sẽ rất buồn, vì công sức xây dựng mấy chục năm mới được chỗ buôn bán khang trang như chợ Bà Đầm ngày nay. Ý kiến của các hộ tiểu thương là đề nghị cho chỉnh trang lại chợ này, bởi chi phí bỏ ra sẽ rất nhỏ” - tiểu thương mong mỏi.

Tiểu thương đến "chợ doanh nghiệp" xem xét và cho rằng không đáp ứng được nhu cầu mua bán so với chợ cũ.

Như CAO thông tin, buôn bán từ 10 – 25 năm tại chợ Bà Đầm, nay hơn 200 tiểu thương nhận được thông báo của UBND xã cưỡng chế, di dời sang chợ mới của doanh nghiệp đầu tư vào ngày 12 đến 15-8.

Các tiểu thương cho rằng, việc di dời chợ Bà Đầm chỉ thực hiện với một số tiểu thương, dẫn đến không công bằng, ảnh hưởng rất lớn đến việc buôn bán, chỉ cách nhau cây cầu đã có 2 chợ. Ngoài ra, các tiểu thương cho rằng, đã buôn bán, kinh doanh tại chợ lâu đời, trong quá trình này họ có công tôn tạo, xây dựng ki-ốt…

Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên còn ghi nhận nhiều tiểu thương còn bỏ ra số tiền từ 30 – 150 triệu đồng để sang nhượng lại chỗ mua bán ở chợ Bà Đầm. Do vậy, khi buộc phải di dời họ yêu cầu phải được hỗ trợ, bồi thường. Đối với chợ mới còn nhiều hạng mục chưa hoàn chỉnh, diện tích không đủ lớn, bởi có hộ được bố trí chưa đến 4m2…

Bình luận (0)

Lên đầu trang