Nhân ngày Quốc tế trẻ em gái 11-10:

Hãy bảo vệ trẻ bằng ngòi bút thông minh!

Thứ Sáu, 11/10/2019 12:48

|

(CATP) Nhiều vụ xâm hại, bóc lột, hành hạ… trẻ đã được công khai trên các phương tiện truyền thông, không chỉ góp phần bảo vệ nạn nhân khỏi kẻ ác, mà còn giúp thay đổi nhiều chính sách về quyền lợi của trẻ.

Tuy nhiên, việc tùy tiện sử dụng hình ảnh, giọng nói, danh tính… các em trên truyền thông đã vô tình đẩy nạn nhân xuống vực sâu thêm lần nữa. Điều này không chỉ vi phạm đạo đức, mà còn là hành vi vi phạm pháp luật, có thể vướng vòng lao lý.

TRÁNH GỢI NỖI ĐAU

Trẻ em là tương lai đất nước, những vụ việc liên quan đến lứa tuổi này đều nhanh chóng trở thành thông tin “nóng”, thu hút sự chú ý của dư luận. Thời gian qua, không ít vụ xâm hại, bóc lột, hành hạ dã man… trẻ được phanh phui thông qua các phương tiện truyền thông đã mang lại hiệu ứng tích cực, góp phần giải cứu các em khỏi “động quỷ”.

Trong số này, thông tin bảo mẫu Kim Hoa bạo hành trẻ ở TP.Biên Hòa (Đồng Nai) năm 2008 không chỉ gây rúng động xã hội mà còn làm thay đổi chính sách, góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả bảo vệ trẻ trong Luật trẻ em 2016 (có hiệu lực từ tháng 6-2017).

Bên cạnh đó, việc tăng thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ sau sinh lên 6 tháng (thay vì 4 tháng) cũng là một trong những chính sách thiết thực trong hoạt động tuyên truyền về bảo vệ quyền lợi bà mẹ và trẻ em.

Cần cẩn trọng thông tin khi viết về "mầm xanh" của đất nước (Ảnh: Internet)

Khi mạng internet phát triển, nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ cũng được nhiều người biết đến. Từ đó tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, để cùng chung tay góp sức bảo vệ các em khỏi những kẻ tàn độc và các yêu râu xanh.

Vụ một bé gái 8 tuổi bị nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP.Đà Nẵng - Nguyễn Hữu Linh có hành vi “nựng má và ôm hôn” vào tối 1-4-2019 trong thang máy chung cư ở Q4, TPHCM khiến dư luận phẫn nộ là một ví dụ.

Sau khi camera được trích xuất để truy tìm đối tượng, đoạn clip từ “mắt thần” cũng rò rỉ lên mạng thu hút sự chú ý của dư luận, yêu cầu đưa sự việc ra xét xử nghiêm minh. Lãnh 18 tháng tù về tội "dâm ô đối với người 16 tuổi" ở cấp sơ thẩm, ngày 10-10 ông Nguyễn Hữu Linh đã kháng cáo lên Tòa Gia đình và Người thành niên (thuộc TAND TPHCM).

Thúc đẩy bình đẳng giới góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

Đó là chủ đề của Ngày Quốc tế trẻ em gái năm nay. Theo đó, từ năm 2011, Liên Hợp Quốc đã chọn 11-10 làm ngày Quốc tế trẻ em gái nhằm tạo cơ hội, quyền lợi cho các bé đồng thời góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực như: giáo dục, dinh dưỡng, y tế…

Mỗi năm, Liên Hợp Quốc sẽ chọn một chủ đề riêng để nâng cao hiệu ứng tuyên truyền bảo vệ trẻ em gái. Chủ đề của ngày 11-10 theo từng năm gồm: Chấm dứt nạn tảo hôn (2012), Đổi mới giáo dục (2013), Trao quyền cho các bé gái (2014), Sức mạnh của cô gái vị thành niên (2015), Girl Takeorver - bình đẳng để trẻ gái được học tập, dẫn dắt, quyết định và phát triển, để trẻ em gái tạo dựng và phát huy vị thế xứng đáng trong xã hội (2017), Không phân biệt giới, không lựa chọn giới tính thai nhi (2018).

Trường hợp ông Nguyễn Khắc Thủy (SN 1940, ngụ tại 1 chung cư ở TP. Vũng Tàu) có hành vi dâm ô các bé gái cũng được phát hiện sau những dòng trạng thái lo lắng của người mẹ đăng trên mạng xã hội, vì con gái 6 tuổi của chị đang sống trong những ngày hoang mang, sợ sệt khi bị đối tượng giở hành vi trên.

Càng bàng hoàng hơn khi ngay sau đó, những phụ huynh khác sống cùng chung cư cũng thông báo việc con họ từng bị đối tượng này xâm hại nhưng không muốn làm lớn chuyện. Trước việc chậm trễ xử lý của cơ quan chức năng, chị Th. đã liên tục kêu gọi cộng đồng mạng lên tiếng đưa đối tượng ra xét xử nghiêm minh.

Tháng 8-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Vũng Tàu đã liên hệ với 7 gia đình có con nghi bị ông Thủy xâm hại, trong đó 6 em đối chất đều chỉ đích danh bị đối tượng này dâm ô. Sau nhiều cấp xét xử, ngày 1-6-2018 Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM đã tiến hành giám đốc thẩm, hủy bản án phúc thẩm, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND TP. Vũng Tàu, tuyên phạt bị cáo Nguyễn Khắc Thủy 3 năm tù về tội "dâm ô trẻ em".

Điều đáng nói là, chính những vụ việc ấy cũng thu hút dư luận khiến không ít báo mạng khai thác quá sâu vào nỗi đau của nạn nhân cho thêm phần kịch tính nhằm “câu” view (số lượng người xem). Ngoài ra, thời gian qua còn có những cây bút viết về xâm hại trẻ em dù đã ghi tắt tên nạn nhân nhưng lại miêu tả chi tiết về nhân thân, họ hàng, trường học, quê quán… làm ảnh hưởng không ít đến người trong cuộc.

Thậm chí, có tác giả làm nhòe mặt nạn nhân chưa kỹ khiến người đọc dễ dàng nhận ra, càng đẩy nạn nhân vào đường cùng khi bị bạn bè, hàng xóm dè bĩu, bàn tán đến mức phải bỏ xứ tha phương trong nỗi nghẹn ngào. Nghiêm trọng hơn, có trường hợp nạn nhân không chịu được áp lực dư luận đã phải tự kết liễu cuộc đời, khiến bi kịch chồng bi kịch.

CẦN THẬN TRỌNG KHI VIẾT VỀ TRẺ

Trên thực tế, để viết về trẻ em, người làm báo không chỉ cần có lòng nhiệt huyết, tình yêu thương, mà còn phải biết nhìn nhận vấn đề, hậu quả sau mỗi bài viết để có thể cân nhấc câu chữ, hình ảnh trước khi đưa lên phương tiện truyền thông.

Bởi lẽ, nếu bài viết nhằm mục đích bảo vệ các em nhưng lại có những cách thức, phương pháp không đúng thì rất dễ làm tổn thương cuộc sống của trẻ và người thân các em. Đặc biệt, nhà báo cần nắm vững Công ước quốc tế về quyền trẻ em và Luật Trẻ em 2016, để có những hiểu biết cụ thể khi tác nghiệp, nhằm tránh những sai sót không đáng có.

Là cây bút chuyên viết về trẻ em, nhà báo Hồng Minh - Báo Pháp luật TPHCM chia sẻ: “Khi khai thác về đề tài trẻ em, tôi không mô tả sâu vào tình tiết trẻ bị xâm hại, bạo hành như thế nào nhằm hạn chế khơi lên nỗi đau cho nhân vật. Thay vào đó, tôi phỏng vấn các chuyên gia tâm lý, những nhà làm luật, từ đó tìm ra giải pháp giúp đỡ nạn nhân, để các em có thể nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, xây dựng cuộc sống mới”.

Nhà báo Hồng Minh

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho biết khoảng 10 năm trước có phóng viên viết về 1 vụ xâm hại trẻ em gái, dù đã giấu tên nạn nhân nhưng lại không làm nhòe kỹ mặt, trong khi vẫn nêu rõ tên người thân và miêu tả chi tiết đường vào nhà thế nào, nên những người quen vẫn dễ dàng nhận diện được nạn nhân, khiến các em nảy sinh tâm lý tự ti, lánh xa xã hội.

Thêm vào đó, những dữ liệu công khai trên internet thì khó thể xóa đi, mà cứ lưu trữ theo thời gian, dù sự việc đã qua, nỗi đau cũng vơi dần nhưng thông tin vẫn hiện hữu, nên có thể ảnh hưởng lớn đến nạn nhân sau này.

Theo thống kê của Bộ Công an, năm 2018 cơ quan chức năng đã xử lý hơn 1.500 vụ/1.700 đối tượng phạm tội liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em; trong đó có hơn 1.200 vụ xâm hại tình dục trẻ (chiếm 82%) với 1.230 đối tượng phạm tội.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Oanh, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ kỹ năng viết về trẻ em trong buổi hội thảo về truyền thông bảo vệ trẻ em
Theo Luật Trẻ em 2016, trừ trường hợp có mục đích bảo vệ trẻ em, thông tin khi đăng trên các phương tiện truyền thông đại chúng không được nêu chi tiết bí mật đời sống riêng (tên tuổi, đặc điểm nhận dạng, tình trạng sức khỏe, hình ảnh, nơi ở, quê quán, trường lớp, số điện thoại... và các mối quan hệ bạn bè) của trẻ.
Các phương tiện truyền thông chỉ được chia sẻ hình ảnh, thông tin về trẻ khi có sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ; nếu từ 17 tuổi trở lên thì phải có sự đồng ý của bản thân người đó. 
Báo chí tác nghiệp phải công khai, thẳng thắn khi ghi âm, ghi hình và trao đổi với các em lẫn người giám hộ có liên quan; không được lừa dối trẻ dưới bất cứ hình thức nào để phỏng vấn, chụp hình mà các em và người giám hộ không biết; đồng thời không được trả tiền cho trẻ, cha mẹ, người giám hộ để nói theo kịch bản chương trình…
Hãy sử dụng ngòi bút thông minh để thể hiện những bài viết chất lượng, đúng lý hợp tình, góp phần bảo vệ trẻ một cách tốt nhất.

Bình luận (0)

Lên đầu trang