Báo động nạn xâm hại trẻ em ở vùng cao

Thứ Ba, 24/09/2019 10:26

|

(CAO) Có tới 90% các vụ xâm hại trẻ em là xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với những tình tiết hết sức đau lòng.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Lào Cai, thời gian gần đây, tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng với tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp.

Chỉ tính trong giai đoạn 5 năm từ 2014 đến tháng 7/2019, toàn tỉnh xảy ra 85 vụ xâm hại trẻ em, với 85 bị hại, 92 đối tượng, trong đó có 41 vụ hiếp dâm, dâm ô trẻ em.

Đáng chú ý, có tới 90 % các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc với những tình tiết hết sức đau lòng.

NHỮNG VỤ VIỆC ĐAU LÒNG

Chuyện xảy ra đã hơn 1 năm song người dân thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai vẫn rất căm phẫn khi nhắc đến kẻ gây ra cái chết cho em Châu Thị T, 12 tuổi trú cùng thôn. Đó là 6h sáng ngày 12-5-2018, khi Châu Thị T đi bộ đến trường như mọi hôm thì bị đối tượng Giàng A Giả (SN 1990), là người cùng thôn khống chế đòi quan hệ tình dục.

Hoảng sợ, T giật mình bỏ chạy nhưng Giàng A Giả không tha, hắn đuổi theo em xuống khu vực đồi rừng của gia đình ông Giàng A Dình ở thôn Sa Pả thì bắt được T và đẩy em ngã xuống đất để thực hiện hành vi đồi bại. Tàn nhẫn hơn, trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Giả dùng tay bóp cổ và lấy khăn quàng đỏ buộc 2 tay T về phía trước khiến em tử vong tại chỗ.

Công an tỉnh Lào Cai thực nghiệm điều tra vụ Giàng A Giả hiếp dâm, sát hại cháu Châu Thị T.

Thỏa mãn thú tính, Giả lấy chiếc váy của T phủ lên người em rồi bỏ trốn lên thị trấn Sa Pa. Đến gần trưa 12-5, Giả về nhà mẹ vợ tại thôn Chu Lìn I, xã Trung Chải để trốn thì bị cơ quan CSĐT Công an huyện Sa Pa bắt giữ.

Vẫn trên con đường liên thôn tại thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, chỉ mấy tháng sau, vào khoảng 6 giờ sáng ngày 7-12-2018, em Châu Thị B, 14 tuổi, đang trên đường đi học một mình thì bị đối tượng Giàng A Tếnh (SN 2001, trú tại thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai) từ trong bụi cây lao ra kéo xuống phía taluy âm.

Kẻ sát nhân đồi bại Giàng A Tếnh tại cơ quan Công an

Hắn dùng dao uy hiếp em nhằm xâm hại tình dục. Sau khi thực hiện hành vi đồi bại, đối tượng đã trói B vào gốc cây, nhét giẻ vào mồm và đi tìm đồng bọn hòng đưa nạn nhân bán sang Trung Quốc. Rất may, em đã tìm cách tháo dây trói và may mắn thoát được.

Gần đây nhất, tháng 4/2019, gia đình em Hoàng Thị H, học sinh lớp 8, ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên đã gửi đơn tố cáo thầy giáo Nguyễn Việt Anh, dạy môn Tin học xâm hại tình dục, khiến em H. mang thai 12 tuần tuổi.

Theo phản ánh, thầy giáo này đã mua cho em H. một điện thoại hiệu OPPO làm phương tiện liên lạc. Sau đó, nhiều lần dụ dỗ, quan hệ tình dục, làm em H. có thai. Tất cả những lần quan hệ tình cảm đều diễn ra tại phòng trực bán trú hoặc tại phòng tin học của trường sau khi hai bên có những hẹn hò, trao đổi qua tin nhắn điện thoại.

Trước vụ em Hoàng Thị H bị thầy giáo dạy tin học xâm hại tình dục đến mang thai ở xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tại trường tiểu học La Pán Tẩn, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai cũng đã từng xảy ra một vụ dâm ô học sinh gây rúng động dư luận xã hội.

Trong thời gian từ năm 2014 đến tháng 3-2016, bảo vệ của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học La Pán Tẩn- đối tượng Đỗ Văn Nam (SN 1981) đã có hành vi sàm sỡ, dâm ô 14 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5, có độ tuổi từ 6 đến 11 tuổi.

Trong 14 bị hại, đối tượng thừa nhận có 6 bị hại bị đối tượng thực hiện hành vi dâm ô đến cùng, có em bị đối tượng thực hiện hành vi dâm ô nhiều lần. Lợi dụng độ tuổi các em còn nhỏ, là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ hiểu biết còn hạn chế, Đỗ Văn Nam đã dùng bim bim, kẹo để dụ dỗ các em vào phòng bảo vệ của mình để thực hiện hành vi dâm ô...

CHUYỆN KHÔNG THỂ THỜ Ơ

Có thể thấy, đa số nạn nhân của những vụ xâm hại tình dục trẻ em đều là những bé gái ở vùng cao có hoàn cảnh khó khăn. Do đời sống kinh tế bấp bênh, nên nhiều phụ huynh lo làm ăn ít quan tâm đến con trẻ, để trẻ ở nhà một mình, hoặc đi một mình ở những đoạn đường hẻo lánh, ít người qua lại, từ đó tạo điều kiện để bọn xấu lợi dụng phạm tội.

Ông Thào A Chơ, trưởng thôn Sâu Chua, xã Sa Pả, huyện Sa Pa cho biết: Bà con nhân dân trong xã phần lớn làm nghề nông, công việc quanh năm bận rộn, chưa có điều kiện trông nom chu đáo cho con cái. Các con từ mẫu giáo đến trung học đều tự đi bộ đến trường. Mặt khác, bà con trong thôn, xóm đều có lối sống hồn hậu, thân tình, do đó có chút chủ quan, thiếu phòng ngừa những nguy cơ có thể xảy ra do chính người quen.

Hoạt động bán trú tại các trường học ra đời đã góp phần giải quyết nhu cầu gửi con của hầu hết các bậc phụ huynh. Đồng thời, tạo điều kiện cho học sinh được tham gia học tập 2 buổi/ngày, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Thuận lợi thì thấy rõ, nhưng bên cạnh đó vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý học sinh và một số vấn đề liên quan khác.

Khi gửi con bán trú tại trường cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh gần như giao phó hoàn toàn cho nhà trường trong việc quản lý trẻ, từ học tập, ăn uống, vui chơi đến các hoạt động liên quan khác.

Đây là vấn đề thuộc về trách nhiệm của giáo viên đối với học sinh, nhưng đồng thời cũng là trăn trở của họ khi mà ở môi trường có những tình huống không thể lường hết được. Điển hình của sự phức tạp ở trường học bán trú thể hiện ngay trong vụ án hiếp dâm học sinh gây có thai tại trường THCS xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên.

Thầy Trần Nhật Hải, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định khó kiểm soát được những vụ việc ngoài luồng do thầy và trò thường nhắn tin qua điện thoại cá nhân, gặp gỡ sau khi giờ học kết thúc, học sinh cũng như giáo viên đã về nhà hoặc đã đi ngủ.

Mặc dù, các vụ việc bị phát hiện đều được cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, với gia đình nạn nhân và chính bản thân các em nhỏ, nỗi đau và sự ám ảnh sẽ theo họ đến suốt cuộc đời. Điều nguy hiểm là nhiều trường hợp thường rơi vào trạng thái hoảng loạn, sợ hãi, xấu hổ, không muốn giao tiếp với mọi người.

Công an huyện Văn Bà (Lào Cai) tổ chức tuyên truyền cho người dân cách bảo vệ con em mình khỏi nạn xâm hại

Làm thế nào để khi các em nhận biết mình đang bị đối tượng có ý đồ xâm hại dụ dỗ, lôi kéo biết cách thoát thân cũng là cả một kỹ năng mà cần có các chuyên gia mở các lớp tuyên truyền, hướng dẫn để phụ huynh và học sinh được trang bị kiến thức. Đối với người dân vùng cao Lào Cai thì để làm được điều này quả là khó, phải dựa vào sự tích cực của chính quyền xã, thôn bản trong công tác tuyên truyền, vận động.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó giám đốc Sở lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai cho biết: Ngoài những nguyên nhân khách quan do yếu tố xã hội, trình độ dân trí ở một bộ phận đồng bào còn hạn chế thì cũng có một số nguyên nhân chủ quan khiến gia tăng các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Đó là ý thức của một số cán bộ làm công tác quản lý về chăm sóc bảo vệ trẻ em đôi lúc, đôi chỗ còn chưa được quan tâm đúng mức. Đây cũng là một trong những hạn chế trong công tác phối hợp trước yêu cầu ngày một cao hơn nữa trách nhiệm của chính quyền, gia đình về vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em

Để đấu tranh, phòng ngừa có hiệu quả với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, các cấp, các ngành cần phải tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục giới tính, trang bị kiến thức phòng, chống xâm hại trong trường học và nâng cao trách nhiệm của trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm hại trẻ em là điều hết sức cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng: Trong quá trình triển khai các hương ước, quy ước ở địa phương cũng nên đưa hoạt động chăm sóc bảo vệ, giáo dục trẻ em vào làm tiêu chí trong việc xây dựng văn hóa gia đình để phối hợp chung tay cùng cộng đồng nâng cao ý thức chăm sóc bảo vệ trẻ em.

Hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã triển khai tổng đài 111 - tổng đài quốc gia về bảo vệ trẻ em của Bộ Lao động, thương binh và xã hội; và đường dây nóng 18001136 của trung tâm công tác xã hội tỉnh Lào Cai. Đây là những dịch vụ công rất hữu ích để tiếp nhận những thông tin phản ánh liên quan đến hành vi xâm hại trẻ em, kịp thời chuyển đến các cơ quan chức năng để phối hợp giải quyết.

Bên cạnh việc tích cực phối hợp với ngành chức năng, tăng cường tuyên truyền, nêu cao trách nhiệm cộng đồng đối với công tác trẻ em, cũng cần đẩy mạnh công tác phòng ngừa, đấu tranh lên án với những trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em ngay tại các trường học. Hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ cần thiết. Với phương châm “phòng hơn chống”, vấn đề quan trọng hiện nay là phải đấu tranh, phòng ngừa, tạo thêm nhiều “lá chắn” vững chắc để bảo vệ an toàn cho trẻ trước vấn nạn xâm hại tình dục.

Bình luận (0)

Lên đầu trang