(CAO) Kết quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của Quảng Trị giai đoạn 2021-2025 cơ bản đạt lộ trình đề ra, diện mạo nông thôn khởi sắc, đời sống nhân dân được nâng cao...
Hoạt động thông tin, tuyên truyền hiệu quả, nâng cao nhận thức của cán bộ và người dân. Phong trào “Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới” đi vào cuộc sống, thu hút người dân và cộng đồng tham gia, cải thiện chất lượng sống và điều kiện sinh hoạt ở nông thôn. Chương trình NTM đi vào chiều sâu, bền vững ở nhiều vùng quê.
Đến tháng 11/2024, Quảng Trị có 75/101 (hơn 74,2%) xã đạt chuẩn NTM. Có 3 huyện đạt chuẩn NTM: Cam Lộ, Vĩnh Linh và Triệu Phong. Mục tiêu năm 2025 có 80% xã đạt chuẩn NTM. Hiện còn 26 xã miền núi chưa đạt chuẩn NTM và rất khó đạt chuẩn trong giai đoạn 2024-2025. Khoảng cách giữa thực tế với mục tiêu đang chênh lệch khá lớn, trong khi thời gian không còn nhiều. Bởi đây là các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi với điều kiện tự nhiên không thuận lợi, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, sức cạnh tranh thấp; dịch vụ thương mại phát triển chậm, trình độ hiểu biết của nhiều bà con còn hạn chế.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị tham quan, kiểm tra mô hình lúa cho hiệu quả, năng suất cao.
Ông Trần Trọng Tuấn – Phó Chánh Văn phòng chuyên trách NTM tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp trọng tâm, huy động, đa dạng hoá, lồng ghép các nguồn lực để tập trung xây dựng NTM... Các tiêu chí về cơ sở hạ tầng hầu hết đều được đầu tư từ nguồn lực Nhà nước. Riêng tiêu chí thu nhập bình quân đầu người, bên cạnh nguồn lực bên ngoài thì cần ý chí, nội lực, sự chủ động của người dân. Tùy vào điều kiện, lợi thế mà mỗi địa phương lựa chọn giải pháp, hướng đi để giải bài toán tăng thu nhập, giảm nghèo…
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Trị huy động nhiều nguồn lực: ngân sách Trung ương 403 tỷ đồng và tỉnh hơn 391 tỷ đồng; 217 tỷ đồng từ cộng đồng dân cư; 114 tỷ đồng từ các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác;
Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các tổ chức đoàn thể, địa phương, người dân tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa và nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn mới; phát huy vai trò chủ thể của người dân theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”.
Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM, lồng ghép các chương trình, dự án tại nông thôn… Đẩy mạnh bảo vệ, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, từng bước xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, hình thành nên các miền quê đáng sống.
Ông Hà Sỹ Đồng – quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phổ biến công tác chỉ đạo, lãnh đạo của UBND tỉnh về thực hiện xây dựng NTM.
Các sở, ban, ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương cần nâng cao vai trò, trách nhiệm trong việc theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ đỡ đầu các địa phương xây dựng NTM, chú trọng tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn về cơ chế, chính sách để tạo động lực, kích thích các đơn vị, địa phương thi đua.
Huy động nguồn lực, đặc biệt là lồng ghép giữa các chương trình MTQG, gắn với công tác đỡ đầu của các sở, ban ngành, doanh nghiệp để hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn xây dựng NTM, thu hẹp dần khoảng cách vùng miền.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành; phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm; phát huy vai trò của MTTQVN, các tổ chức đoàn thể, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng NTM ở cơ sở.