TPHCM hướng đến chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Thứ Bảy, 30/11/2024 10:07

|

(CAO) Đến tháng 9/2024, TPHCM có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV. TP đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới không còn người nhiễm HIV mới, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Sáng nay (30/11), tại Trung tâm Y tế Quận 8, Sở Y tế TP.HCM tổ chức buổi lễ mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12) với chủ đề: “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030”.

Sở Y tế TP.HCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2024 và hưởng ứng Ngày thế giới phòng, chống AIDS (1/12)

Đến dự buổi lễ có ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế, TP.HCM; ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC); ông Nguyễn Tuấn Anh – Chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM; ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Chủ tịch thường trực UBND Quận 8 cùng đại diện các sở ngành, quận huyện và các tổ chức quốc tế...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại TP.HCM vào ngày 1/12/1990, đến cuối tháng 9/2024, TP có 52.695 người nhiễm HIV được quản lý, trong đó có 48.741 người đang điều trị thuốc kháng vi rút HIV.

Trong hơn 30 năm qua, TP đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và về chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi; Truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với HIV/AIDS; Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV; Mở rộng, nâng cao, và đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS; Triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, hệ thống y tế tư nhân….

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại biểu tại buổi lễ

TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ hoàn thành “Mục tiêu 95” gồm có 95% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 95% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Đồng thời nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để tiến tới không còn người nhiễm HIV mới, chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn TP từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyến sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm. Tính đến cuối tháng 9/2024, với Mục tiêu thứ nhất (95% số người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm của họ), TP đạt 93,5%, Mục tiêu thứ hai (95% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được duy trì điều trị ARV liên tục), TP đạt 92,8%, và Mục tiêu thứ ba (95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định), TP đạt 98%.

Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế TP cũng cho biết tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng nhiễm nhiều nhất ở nhóm thanh thiếu niên trẻ, nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới), HIV/AIDS vẫn đang là vấn đề sức khỏe cộng đông đáng quan tâm. “Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng, chống HIV/AIDS trong những năm qua, cũng như hoàn thành “Mục tiêu 95 - 95 – 95” vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với TP.HCM”, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu chia sẻ.

Tuyên truyền nâng cao nhận thức về HIV/AIDS cho các em học sinh

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Sang – Phó Chủ tịch thường trực UBND Quận 8 cho biết đại dịch HIV/AIDS vẫn đang diễn biến phức tạp với nguy cơ tái bùng phát cao. Hiện nay Quận 8 đang quản lý 4403 bệnh nhân HIV/AIDS. Trong năm 2024, hơn 6.000 lượt người thuộc nhóm nguy cơ cao đã được tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa HIV. Với 2.931 lượt người thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV đã phát hiện 101 ca dương tính và được kết nối điều trị kịp thời. Có 947 người tham gia chương trình dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).

Ông Nguyễn Thanh Sang cho đánh giá nhận thức về HIV/AIDS trong cộng đồng vẫn còn hạn chế, dẫn đến việc thực hành các biện pháp phòng ngừa chưa được chú trọng. Bên cạnh đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV, cùng với những hạn chế về tài chính, khiến cho nhóm thanh thiếu niên, nhóm quan hệ tình dục đồng giới và những người dễ bị tổn thương khác gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV.

“Những yếu tố này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nếu không có những giải pháp quyết liệt và kịp thời, dịch HIV/AIDS có thể quay trở lại với quy mô lớn hơn, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, xã hội và kinh tế”, ông Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.

“Cuộc chiến” phòng, chống HIV/AIDS vẫn luôn là “cuộc chiến” khó khăn và đầy thử thách. Để đạt mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 và hướng đến kết thúc dịch AIDS vào năm 2030, TP.HCM xác định từ các cấp chính quyền đến mỗi người dân phải cùng hành động. Chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm tiếp tục thúc đẩy sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Góp phần đảm bảo mọi người dân, bao gồm cả các nhóm nguy cơ cao, đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng và bình đẳng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang