TPHCM: Chủ động ứng phó với dịch sởi, sốt xuất huyết đang gia tăng

Thứ Hai, 25/11/2024 14:35

|

(CATP) Thời gian qua, dịch sởi, sốt xuất huyết (SXH) đang có xu hướng gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố (TP) trên cả nước. Đặc biệt tại TPHCM, địa phương có số ca mắc SXH cao nhất khu vực phía Nam, dịch sởi hiện cũng tăng cao tại nhóm trẻ 6-9 tháng tuổi. Ngành Y tế TP đang tăng cường biện pháp phòng, chống (PC) bệnh sởi và SXH nhằm chủ động kiểm soát, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, bùng phát trên diện rộng.

Ghi nhận 1 trường hợp tử vong do SXH

Ngày 24/11/2024, Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn xảy ra ca tử vong đầu tiên từ đầu năm đến nay do SXH. Trước đó, nữ bệnh nhân L.T.T.D (20 tuổi, ở huyện Bình Chánh) sốt cao liên tục kèm đau đầu, mỏi người, đi khám và điều trị ở phòng mạch tư. Vì các triệu chứng không giảm, đến ngày thứ 3, bệnh nhân mới vào Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng sốt cao liên tục, đau âm ỉ vùng thượng vị, ăn uống kém, cơ địa béo phì... Sau đó, bệnh nhân rơi vào sốc SXH, được chẩn đoán mắc SXH nặng thể sốc kéo dài. Mặc dù được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng bệnh nhân không qua khỏi.

Ngoài SXH ở người lớn, tại các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng TP và BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, thời gian qua liên tục ghi nhận các ca SXH ở trẻ em. Nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng nặng, suy đa tạng, nguy kịch do chủ quan. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TPHCM, trong tháng 10/2024 đã tiếp nhận 397 ca SXH; nửa đầu tháng 11/2024, số ca điều trị nội trú lên tới 236. Các bác sĩ dự đoán khả năng các trường hợp nhập viện tiếp tục tăng trong vài tuần tới. Đặc biệt, các BV đã tiếp nhận nhiều trường hợp SXH nặng vài tháng gần đây.

TPHCM triển khai tiêm vắc-xin ngừa sởi cho nhóm trẻ từ 6 đến 9 tháng tuổi

Theo Sở Y tế TPHCM, từ đầu năm 2024 đến nay TP ghi nhận 12.013 ca mắc SXH, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy vậy, TPHCM lại là địa phương có số ca mắc SXH cao nhất khu vực phía Nam, chiếm 25% tổng số ca mắc của khu vực. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm: Q1, Q7 và TP.Thủ Đức. Mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 đến nay số ca mắc SXH của TPHCM có xu hướng tăng liên tục hàng tuần. Qua giám sát các điểm nguy cơ gây dịch SXH, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã ghi nhận nhiều điểm có lăng quăng, nguy cơ gây dịch SXH xuất hiện ở tất cả các quận huyện, phường xã.

Để tăng cường phòng, chống SXH trong những tháng cuối năm, Sở Y tế TPHCM khuyến cáo mỗi gia đình cần chủ động loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng. Khi trong gia đình có người nghi mắc SXH cần đưa đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị phù hợp, tránh nguy cơ diễn tiến nặng gây tử vong. Sở Y tế TPHCM đề nghị các trung tâm y tế, trạm y tế điều tra, xử lí ca bệnh, ổ dịch SXH triệt để trên địa bàn; theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh để có hướng xử lý kịp thời, hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng. Sở Y tế cũng đề nghị các địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động tuyên truyền PC dịch SXH và xử phạt vi phạm hành chính trong PC dịch bệnh.

Khẩn cấp tiêm vắc-xin cho nhóm trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi

Ngày 23/11, thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần qua số trẻ mắc bệnh sởi trên địa bàn có xu hướng tăng cao. Ngành Y tế bắt đầu chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh cho nhóm trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi. Theo đó, trong tuần 46 hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm trên địa bàn TP ghi nhận 211 trường hợp mắc sởi (tăng 43,5% so với trung bình 4 tuần trước đó), trong đó có 127 ca điều trị nội trú (tăng 26,1%) và 84 trường hợp điều trị ngoại trú (tăng 81,6%).

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại một bệnh viện ở TPHCM

Từ đầu năm đến nay, TPHCM ghi nhận 1.858 ca trên địa bàn, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, số ca bệnh từ các tỉnh khác đến điều trị tại 4 BV trên địa bàn TPHCM là 419, tăng 31,1% so với trung bình 4 tuần trước, trong đó có 256 trường hợp điều trị nội trú. Từ đầu năm đến nay, số ca sởi từ các tỉnh khác là 3.052, bao gồm 2.473 trường hợp điều trị nội trú và đã ghi nhận 1 ca tử vong.

Theo Sở Y tế, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đã góp phần làm giảm số ca mắc bệnh trong độ tuổi này. Tuy nhiên, số liệu từ hệ thống giám sát ghi nhận những trường hợp bệnh mới đang tăng ở nhóm trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi. Đây là nhóm trẻ chưa đủ tuổi tiêm sởi theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Từ đầu mùa dịch đến nay, số ca mắc ở nhóm tuổi này là 306 trẻ, chiếm 17% tổng số ca mắc.

Trước diễn biến gia tăng số ca sởi mới, ngành Y tế TPHCM đang khẩn trương triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa sởi cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 9 tháng tuổi, tổng số trẻ phải tiêm là 36.575 trường hợp. Sau 1 tuần triển khai đã có 3.043 trẻ được chủng ngừa. Bên cạnh đó, TP tiếp tục rà soát, triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin PC dịch sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi trên địa bàn cũng như triển khai tiêm các vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi. Ngành Y tế khuyến cáo phụ huynh và người thân trong gia đình cần chủ động đưa trẻ đến các điểm tiêm chủng để được tiêm vắc-xin phòng bệnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang