Thị trường bất định
Hoa là mặt hàng không thiết yếu. Nhưng ngày Tết, theo truyền thống ăn Tết của người Việt, hoa lại trở thành mặt hàng thiết yếu. Đặc biệt hoa, trái cây cúng ông bà ngày Tết, gia đình nào cũng phải có. Hoa chưng Tết cũng cần thiết, nhưng không phải mua cho được bằng mọi giá. Vì vậy hoa kiểng Tết là mặt hàng được nông dân đầu tư rất lớn với nhiều hy vọng, nhưng lại là thị trường bất định nhất, rất khó dự báo như thịt heo, thịt gà, trứng... Do vậy nông dân được mùa hoa Tết phải được hiểu là trồng được hoa đẹp, thời tiết thuận lợi, có giá bán cao, được giá...
Thị trường hoa Tết năm nay ảm đạm, không chỉ ở TPHCM mà một số địa phương khác cũng tương tự. Nhưng không phải loại hoa nào cũng rớt giá. Cuối năm, tôi đi mua bình hoa huệ trắng về cúng ông bà. Trước Tết 5 - 7 ngày, mỗi bình hoa huệ có giá lên đến 500 ngàn đồng nhưng cũng không có mà mua. Ghé siêu thị càng không thấy hoa huệ, chỉ có hoa Dalat Hasfarm là đủ loại. Có thể nói hoa huệ trắng là loại hoa được giá nhất, tiếp theo là các loại hoa lan chậu, hoa nhập khẩu thuộc loại "độc lạ”, còn các loại hoa khác chỉ 5 - 10 ngày trước Tết cao giá nhưng càng gần Tết càng rớt giá thê thảm.
Để biết thị trường hoa Tết năm nay ra sao, chỉ cần quan sát chợ hoa lớn nhất TPHCM - chợ Hồ Thị Kỷ. Tối 29 Tết, khách mua hoa đông nghẹt, đơn giản vì hàng loạt chủ vựa bắt đầu xả hàng, giảm nửa giá, có loại hoa giảm 4 lần so với buổi sáng. Khi đó giá 1 bó hoa ly Đà Lạt buổi sáng 400.000 - 420.000 đồng, giờ còn 200.000 đồng/bó, thậm chí có chỗ bán chỉ với giá 100.000 đồng/bó.
Hai nông dân ở Chợ Lách, Bến Tre tại chợ hoa dưới chân cầu Ba Son vào chiều 30 Tết
Hoa lay ơn cũng tương tự, trước Tết vài ba ngày mỗi bó hoa có giá trên 150.000 đồng, nhưng đến 29, 30 Tết giá ngoài chợ chỉ còn 50.000 - 70.000 đồng. Hoa ở các chợ hoa khác cũng tương tự, đều giảm giá hơn một nửa so với những ngày đầu.
Đó là quy luật của hoa Tết mà nhiều năm qua đều lặp lại tình trạng tương tự. Thường những người bán hoa chỉ trông chờ vào những ngày mới bày hàng, khoảng 20 đến 25 Tết. Nếu bán được một phần ba số hoa thì đã đủ vốn, thậm chí có lời. Nhưng khách hàng mua hoa sớm là ai? Thường đó là những người có tiền, muốn không khí Tết có sớm trong gia đình mình; các cơ quan, doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng... mua hoa về trưng bày. Số khách hàng này có hạn, còn đa số người dân gần Tết mới mua, để hoa được tươi lâu, mua được giá rẻ hơn.
Căn bệnh trầm kha
Quyền lựa chọn là của khách hàng, người bán cũng vậy, thuận mua vừa bán là nguyên tắc. Nhưng phải thấy rằng thị trường hoa Tết ngày càng thu hẹp, đặc biệt ở TPHCM. Vì vậy việc chặt, phá bỏ hoa vào giờ chót vẫn thường xảy ra vào sáng, chiều 30 Tết, gây "ồn ào" trên mạng xã hội.
Ở TPHCM, thực tế những người có tiền mua hoa sớm cũng chỉ là số ít, không phải là đối tượng khách hàng đại chúng. Hơn nữa, ngay cả những người có tiền cũng không phải ai cũng mua nhiều hoa. Người dân bình thường ở TPHCM cũng vậy, đa số họ về quê ăn Tết, chỉ mua ít hoa để trước nhà cho "ấm cúng" chứ không phải để ăn Tết. Cứ nhìn đường phố vắng ngắt, yên tĩnh, thông thoáng sáng mùng 1 Tết; cứ nhìn hơn 700 chuyến bay mỗi ngày ở sân bay Tân Sơn Nhất; hàng trăm chuyến tàu hỏa Bắc - Nam; hàng ngàn chuyến xe đò ngược xuôi trong Tết, dù giá vé rất cao, mới thấy cuộc "xuân vận" ở nước ta rất lớn. Hàng triệu người về quê ăn Tết thì thị trường hoa Tết cũng mất đi số lượng khách hàng tương tự.
Nỗi niềm hoa Tết
Những địa phương khác cũng vậy, thị trường hoa đang bị thu hẹp. Tại Bình Định, để tăng sức mua hoa giúp nông dân, chính quyền động viên người dân mỗi gia đình mua 1 chậu hoa cúc đặt trước nhà để làm đẹp đường phố, nhưng số lượng đó chỉ có hạn, chiều 30 Tết các vựa hoa vẫn phải xả hàng.
Một xu hướng khác là tính thực tế, thực dụng của người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, người dân chỉ mua sắm những cái gì có ích, hoa chỉ mua đủ, không cần nhiều. Xu thế đó ảnh hưởng lớn đến thị trường hoa kiểng ngày Tết hiện đại. Cảnh chặt bỏ hoa, cây kiểng hôm 30 Tết ở TPHCM vẫn diễn ra, chủ yếu là những tiểu thương buôn bán hoa. 12 giờ ngày 30 Tết, sau thông báo đóng cửa chợ hoa ở Công viên 23/9 để trả mặt bằng, dọn dẹp, nhiều tiểu thương mang hoa ra vỉa hè hoặc cố nán lại để bán lấy vốn. Một số tiểu thương không chịu bán hoa giá rẻ hoặc không chịu để người dân lấy không, đã tự tay bẻ gãy, phá bỏ từng chậu hoa, trách khách hàng có tâm lý "chờ mua hoa 30 Tết".
Một tiểu thương bán hoa đào đối diện khách sạn New World, Q1, TPHCM dùng gậy tre đập bỏ hàng chục cây đào, thà chịu lỗ chứ không bán rẻ. Thậm chí tiểu thương này còn tự tay bẻ gãy nát một cành đào trước mặt khách hàng trả giá quá rẻ, như lời cảnh báo thiếu tế nhị. Trong khi đó, hàng chục gốc đào ế được bọc túi nylon nằm la liệt trên bãi cỏ công viên chờ công nhân vệ sinh thu dọn.
Mạng xã hội phản ứng những hành động như vậy. Có người trách các tiểu thương cố tình xả rác, đòi đánh thuế hoặc phải trả chi phí cho công nhân vệ sinh, cũng có người cảm thông. Nhưng quyền mua thuộc về khách hàng, cũng như quyền bán thuộc về người bán, thuận mua vừa bán là quy luật của thị trường. Chuyện "giải cứu hoa" cũng chỉ là cái nghĩa tình cố hữu của những người giàu lòng trắc ẩn.
Một nông dân Chợ Lách tại chợ hoa đang tháo chậu bỏ đất để lấy cây vào chiều 30 Tết. Ảnh: DUY LUÂN
Ai dự báo thị trường cho người trồng hoa?
Thực tế với nông dân trồng hoa, chẳng có ai dự báo thị trường cho họ cả. Họ dự đoán thị trường theo cảm tính và trồng, đầu tư cho loại hoa mà mình chuyên trồng. Do vậy, hoa Tết dội thị trường vào giờ chót là chuyện bình thường. Nó khác hẳn với những công ty trồng hoa chuyên nghiệp như Dalat Hasfarm.
Tết năm nay Dalat Hasfarm có khoảng 15 triệu hoa tươi cắt cành và 2 triệu chậu hoa được Dalat Hasfarm cung ứng cho thị trường của cả nước, chưa kể hoa nhập khẩu. Dalat Hasfarm tăng giá hoa cắt cành và hoa chậu 5 - 15% so với ngày thường; hoa nhập khẩu sẽ vẫn giữ nguyên giá bán. Đại diện của Dalat Hasfarm tuyên bố: "Sau thời gian tăng giá trên, dù thị trường có hút hàng hơn thì công ty cũng sẽ bán giá như đã niêm yết và không tăng giá". Và thực tế Dalat Hasfarm vẫn bán được hoa, không có chuyện đổ bỏ, không có chuyện xổ hàng vào giờ chót, không có chuyện "giải cứu" hoa.
Dự báo cho thị trường hoa Tết là rất khó nhưng Dalat Hasfarm vẫn làm được, còn người nông dân thì gần như không thể. Lướt xem các dự báo thị trường hoa Tết Quý mão trên báo, thấy gần như tất cả đều nhận định "tăng giá mạnh", "sôi động"... Những dự báo như vậy không có cơ sở khoa học, chỉ thấy năm nay nước ta đã khống chế được đại dịch Covid-19, chắc người dân sẽ ăn Tết lớn, nhưng chưa thấy hết bản chất của thị trường sẽ ít sôi động vì kinh tế đang khó khăn.
Hoa kiểng Tết không phải là mặt hàng "được mùa mất giá” như nhiều loại trái cây khác, lại càng rất khó dự báo, đặc biệt với nông dân trồng hoa. Cách tốt nhất những địa phương có nghề truyền thống trồng hoa kiểng nên có những hiệp hội, hợp tác xã để tương trợ trong sản xuất, đặc biệt là cung cấp các loại giống hoa, kỹ thuật trồng nhiều loại hoa độc lạ, đẹp cho người trồng. Thị trường mai, đào lại khác, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, thậm chí tâm lý khách hàng.
Nghề hoa kiểng đã và đang nuôi sống tốt nhiều hộ nông dân trên cả nước. Nhưng để có một tương lai sáng sủa thì người nông dân phải cần công nghệ, cả kỹ thuật trồng cũng như tìm kiếm, sản xuất các loại hoa chất lượng cao, bên cạnh những loại hoa truyền thống. Xu thế tiêu dùng của khách hàng luôn thay đổi, người trồng hoa kiểng cũng phải chạy theo tâm lý tiêu dùng của khách hàng. Nếu chậm thay đổi, thị trường hoa kiểng Tết vẫn còn làm cho người nông dân phải chịu nhiều nỗi đắng cay trong những mùa hoa Tết sắp tới...
Chị Phan Thị Ngọc Hiền (ngụ TP.Thủ Đức): Các chợ hoa Tết cần được tổ chức sớm hơn
Mùa hoa Tết lẽ ra là một mùa đầy ắp niềm vui, nhưng gần như năm nào tình cảnh cũng ngược lại. Không thể đổ trách nhiệm cho người nông dân, rằng họ không biết quy luật của thị trường. Bởi họ chỉ biết chăm bón cho cây hoa đẹp, nở đúng thời điểm.
Tôi nghĩ chính quyền, các tổ chức đoàn thể nên có những định hướng, dự báo để giúp đỡ, hỗ trợ người trồng hoa, thậm chí lên phương án bao tiêu, hoặc chí ít cũng phải có những tham vấn để người dân biết và mạnh dạn đầu tư đúng trọng tâm và quy mô trồng.
Thử tính, vào dịp Tết ở thành phố này, những người khá giả tính đến việc đi du lịch nước trong, nước ngoài, những người dân nhập cư thì về quê, các công ty thì nghỉ Tết... Vậy, một phần người dân ở lại thành phố thì nhu cầu chưng hoa theo đó cũng sẽ giảm đi đáng kể là điều hiển nhiên. Có một sự thật bẽ bàng vào mỗi dịp Tết ở các xí nghiệp, trường học, quán bar, các cơ sở kinh doanh: một chậu mai thật hoành tráng đặt giữa đại sảnh, bên dưới biết bao nhiêu chậu hoa trang trí, nhưng chỉ có một bác bảo vệ ngắm nhìn.
Tôi thấy từ những năm sau, chính quyền nên tạo điều kiện để các hội chợ hoa được nhóm họp sớm, tổ chức truyền thông thật tốt. Như vậy, người nông dân trồng hoa và thương nhân sẽ có điều kiện đem hoa kiểng đến thị trường, có điều kiện tiếp xúc với lượng khách hàng cần có hoa Tết trưng bày sớm như các nhà hàng, công ty, xí nghiệp... Làm như vậy, không khí xuân sẽ càng thêm lan tỏa.