Hợp đồng làm... vợ

Thứ Ba, 30/06/2015 12:33  | Đào Văn

|

(CATP) Sau lễ phản bái, nàng dâu bỏ đi không rõ lý do. Nhà gái như ngồi trên đống lửa, còn đàng trai đòi chi phí tổ chức tiệc cưới. Đến nước này, nhà gái đành phải cho cô em thế chị kèm hợp đồng làm vợ.

“Ví dầu tình bậu muốn thôi. Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu đi”, nghe những câu hát này, anh Lâm Văn T. (35 tuổi, ngụ xã Vĩnh Phong, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang) vội đưa tay tắt radio, thở dài. Đã 5 năm trôi qua, anh không muốn nhớ lại 2 đám cưới đã thành nỗi ám ảnh của đời mình. Hàng ngày, nhìn thằng Tí hỏi mẹ, lòng anh lại đau như cắt, không biết giải thích thế nào. Thôi thì đành nói dối rằng mẹ đi làm ăn xa...

So với đám trai cùng xóm, anh hiền như cục đất, suốt ngày chỉ biết bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, tối đến lại thui thủi một mình. Gia đình có mình anh là trai nên trông đứa con nối dõi, nhưng do tính nhút nhát, 29 tuổi T. vẫn chưa có mối tình vắt vai. Mỗi lần nghe mẹ (bà Nguyễn Thị N.) giục chuyện cưới vợ, T. mắc cỡ lại bỏ đi, bà đành nói với theo: “Mày không tìm vợ, để tao kiếm cho”.

Vài tháng sau, bà N. mừng như nắng hạn gặp mưa khi ở ấp kế bên có cô Nguyễn Thị H. nhỏ hơn T. 6 tuổi, hoàn cảnh cũng chẳng khác gì. Cha qua đời sớm, H. cùng mẹ lo cho đàn em nhỏ. Nhiều đám dạm hỏi nhưng cô không đồng ý. Thấy T. siêng năng, mẹ H. gật đầu. Bà N. vội bán lúa non để làm quà cưới cho con dâu, còn T. cặm cụi sửa lại mái nhà. Đám cưới được tổ chức chóng vánh. T. say cùng hạnh phúc mới.

Đêm tân hôn, chàng rể háo hức bao nhiêu thì H. lấy lý do “kẹt” nên T. đành ậm ừ chờ. Sáng T. ra đồng, H. lo việc bếp núc. Lúc ăn cơm, nghe H. hỏi: “Tiền tổ chức đám cưới hết bao nhiêu vậy mẹ?”, tưởng con dâu đùa, bà N. thành thật: “Cũng cỡ 30 triệu. Chắc năm sau mới trả hết”. T. vội cất tiếng an ủi: “Cưới vợ nghèo 3 năm, còn mình 2 năm trả được nợ là hay rồi còn gì”.

Đến ngày phản bái, T. dậy sớm ra đồng bắt vịt giục H. qua nhà vợ làm thủ tục. Khi cả nhà vui vẻ bên mâm cơm thì H. vắng mặt. T. hỏi, được phía vợ trả lời: “Nó xin đi làm móng, cứ ăn cơm trước đi”. Vài phút sau, T. nghe tiếng vọng ra: “Mẹ ơi, người ta thấy chị thuê xe ôm đi đâu mất tiêu rồi”. Nhà trai, nhà gái đổ xô đi tìm. Bà N. bức xúc: “Giờ chị sui tính sao? Chi phí tổ chức tiệc cưới gần 30 triệu đồng. Con H. bỏ đi như vầy, thằng T. nhà tôi mất duyên sao lấy được vợ?”.

Vụ việc được đưa đến chính quyền địa phương. Đại diện Ban nhân dân ấp, Hội phụ nữ... đến hòa giải, bà N. cầm miếng giấy ghi trên vở học trò, chữ lem luốc cộng chi phí tổ chức lễ cưới cùng quà tặng cho nhà gái, tổng cộng bà L. phải trả cho bà N. 12 triệu đồng. Khách ra về, bà L. nài nỉ: “Mong chị thông cảm, tôi tính vầy, con H. bỏ đi nhưng em của nó là D. nhỏ hơn 2 tuổi, tôi gả cho T. coi như đền cho chị vậy, khỏi phải nợ nhau”. Để chắc ăn, bà N. dứt khoát: “Ở vài ngày nó lại bỏ đi như người chị thì biết tính sao? Tôi đồng ý nhưng phải viết cam kết đàng hoàng”.

Thế là hợp đồng làm vợ được soạn. T., D. và hai bên gia đình ký vào. Theo đó, D. có nghĩa vụ về làm vợ T., không được bỏ trốn. Tiệc cưới lần này được tổ chức lặng lẽ. Sau nghi thức lên đèn, chào hỏi người thân, D. ôm túi đồ lên xe theo T. về nhà. Thời gian đầu, D. tỏ ra nàng dâu ngoan, vợ thảo và một năm sau sinh cho T. đứa con trai kháu khỉnh. Thấy vậy, T. đem hợp đồng hai năm trước bật quẹt đốt trước mặt vợ, không phát hiện D. nhếch mép cười một cách bí hiểm.

Khi tờ hợp đồng thành tro, tính tình D. bắt đầu thay đổi, thường bỏ bê nhà cửa đi “tám chuyện” với hàng xóm. Trong một lần đưa con đi học, D. ôm đồ bỏ đi, để lại T. vò võ một mình. Đến bây giờ, anh vẫn không biết nguyên nhân vì sao 2 lần kết hôn đều tan vỡ không rõ nguyên nhân. Hàng ngày thấy con thơ thiếu sự chăm sóc của mẹ, anh không giấu được sự chua xót càng thương con lại thêm cám cảnh mình.

Bình luận (0)

Lên đầu trang