Đồng chí Lê Đình Sơn, tân Chủ tịch UBND tỉnh, thân mật kể với tôi: "Anh à, Hà Tĩnh không có bốn mùa như các tỉnh khác, mà chỉ có hai mùa - một mùa nóng như cái chảo lửa và một mùa thường xuyên lũ lụt Anh còn nhật xét thêm: Người Hà Tĩnh có hai đặc điểm khá nổi trội, một là thông minh, chịu khó, và hai là , học xong chỉ muốn thoát ly đi làm nơi khác hoặc có về lại quê hương thì không thích làm sản xuất mà chỉ muốn làm các việc khác".
GS Nguyễn Lân Dũng trao đổi cùng với lãnh đạo UBND Tỉnh
Một tỉnh có thời tiết khắc nghiệt như vậy, có đặc điểm nhân dân như vậy, nhưng những điều tôi mắt thấy tai nghe thì lại thật hoàn toàn bất ngờ. Chủ tịch Sơn hào hứng đồng tình với các bất ngờ của tôi.
Tác giả & bản đồ hành chính tỉnh Hà Tĩnh.
Nhìn tổng thể ta thấy Hà Tĩnh đang vươn lên thật mạnh mẽ: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm trên 14%. Đến năm 2015, có cơ cấu GDP: công nghiệp - xây dựng 41,6%; thương mại - dịch vụ 40,3%; nông - lâm - ngư nghiệp 18,1%; sản lượng lương thực đạt trên 51 vạn tấn, giá trị sản xuất đạt trên 65 triệu đồng/ha/năm; 20% số xã đạt tiêu chí nông thôn mới; GDP bình quân đầu người trên 35 triệu đồng/năm; thu ngân sách nội địa đạt trên 5.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu trên 280 triệu USD.
Tôi được biết đến khu kinh tế Vũng Áng với dịch vụ cảng biển, công nghiệp luyện kim gắn với lợi thế về mỏ sắt Thạch Khê, mỏ titan,...rồi các ngành công nghiệp gắn với việc khai thác cảng biển; các ngành công nghiệp khai thác nguồn nguyên liệu nhập khẩu, đặc biệt là từ Lào , Thái Lan, các ngành công nghiệp phục vụ xuất khẩu đầy triển vọng.
Nhưng là một nhà sinh học tôi đặc biệt quan tâm đến sự đổi đời của phần lớn các hộ nông dân Hà Tĩnh. Họ đang chuyển đổi từ mô hình VAC thời chiến sang mô hình chuỗi sản xuất có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp, nông dân và thị trường. Không ít mô hình nông dân thu bạc tỷ mỗi năm nhờ chuyển sang hướng kinh tế hàng hóa.
Tôi được nhắc đến rất nhiều mô hình mà bà con nông dân cả nước có thể tham khảo để học hỏi. Chẳng hạn như mô hình :
Nuôi cá lồng ở xã Cẩm Thịnh, xã Thạch Sơn với thu nhập 1,2-3 tỷ/năm; mô hình ương dưỡng, cung cấp cá nước ngọt ở xã Thạch Lâm thu 2,5-3 tỷ/năm; mô hình nuôi ngao Bến Tre tại 13,5 ha ở bãi cửa sông xã Mai Phụ với thu nhập 2,5-2,8 tỷ/năm, mô hình nuôi ngao + tôm thẻ chân trắng ở xã Thạch Châu thu 5,5 tỷ/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ở xã Thạch Hạ thu 3 tỷ/năm;
Hay như mô hình nuôi tôm trên cát, trên ao đất vỗ bờ xi măng lót bạt đáy, ao đất lót bạt ở các xã Kỳ Khang, Thạch Lạc, Thạch Hội, Xuân Phổ, Cẩm Dương thu 6-55 tỷ/nămmô hình nuôi 450 lợn nái ở xã Cẩm Quang, thu 16,2 tỷ/10 lao động/năm; mô hình nuôi 205 lợn thịt /lứa ở xã Khánh Lộc thu 2,2 tỷ/năm; mô hình tự chủ giống lợn nuôi 400 con ở xã Kỳ Xuân, thu 6 tỷ/năm; mô hình nuôi lợn thịt ở xã Cẩm Minh, thu 3,5 /tỷ 10 lao động/năm; mô hình nuôi 600 lợn thịt/lứa ở xã Phú Lộc thu 6,7 tỷ/năm; mô hình nuôi kết hợp ở xã Cẩm Quan, xã Hương Minh, với 200-500 lợn và 10 ha nuôi cá, thu 2,2- 2,7 tỷ/năm;
Ngoài ra còn có nhiều mô hình hiệu quả khác như mô hình nuôi 1800 lợn+ 70 bò + 500 gia cầm + 2 ha cá ở xã Xuân Mỹ, thu 3,8 tỷ/năm; mô hình nuôi 45 lợn nái, 1200 lợn thương phẩm/lứa và 180 lợn rừng, 30 bò, 15 hươu, 5 ha cá ở xã Ân Phú , thu 5,4 tỷ/năm; mô hình nuôi lợn + cá ở xã Cẩm Minh thu 15,5 tỷ/3 lao động/năm; mô hình nuôi 6000 lợn ở xã Cẩm Thăng thu 79 tỷ/năm; mô hình nuôi 1326 lợn nái ngoại liên kết với doanh nghiệp ở TX Hồng Lĩnh thu 5,3 tỷ/năm; mô hình nuôi 50 bò thịt ở xã Kỳ Tân thu 2,5 tỷ/năm; mô hình nuôi hỗn hợp lợn thịt, lọn rừng, bò, hươu, cá ở xã Ân Phú,thu 5,4 tỷ/16 lao động/năm; mô hình nuôi gà siêu trứng ở xã Thạch Hạ, thu 18 tỷ/22 lao động/năm; mô hình nuôi 40 000 gà thịt/lứa ở xã Cẩm Hoà thu 16,8 tỷ, năm;
Độc đáo còn có mô hình nuôi hươu ở xã Sơn Ninh, thu 220 triệu/3 lao động/năm, hay ở xã Sơn Lĩnh thu 371 triệu/ 1 lao động/năm, ở xã Sơn Lâm thu 552 triệu/năm; mô hình nuôi rau củ quả trên cát ở xã Thạch Văn, thu 154 triệu /25 lao động/năm hoặc thu 1,1 tỷ/9 lao động/năm ở xã Cẩm Hoà; mô hình thu mua và chế biến bột cá ở xã Thạch Kim, thu 10-12 tỷ/ 11 lao động/năm; mô hình sản xuất 33 tấn bột cá/ngày ở xã Hộ Độ thu 10-12 tỷ/năm; mô hình nuôi 300 lợn + 2000 gà thịt/lứa và 85 000 gà con/4 lao động ở xã Phúc Đồng thu 2 tỷ/năm…
GS Nguyễn Lân Dũng với củ cải trắng được trồng trên cát.
Thật bất ngờ và khâm phục biết bao giữa khoảng mênh mông cát trắng mà thấy bà con đang thu hoạch củ cải trắng, hành lá và không ít loại cây trồng khác. Thật là một sáng kiến đổi bằng vàng. Bà con tìm đúng nơi có nước ngọt để đào ao và dẫn nước theo ống đến các trụ tưới phun như ở các công viên, dùng phân hữu có để bón lót dưới nền cát và biến vùng cát nghèo nóng bỏng thành cách đồng xanh tốt, thu được biết bao sản phẩm quý giá.
Cạnh đấy là khu nuôi tôm công nghệ cao trên các hồ cát được bọc kín bằng bạt chất dẻo và được sục khí liên tục với nguồn thức ăn công nghiệp hay nguồn thức ăn tự chế.
Khu nuôi tôm trên cát.
Tôi đã tranh thủ có buôi nói chuyện với đông đảo bà con nông dân nhiều miền Trung với chủ đề Công nghệ Sinh học và nông nghiệp thời hiện đại, nói chuyện với thầy trò trường Dạy nghề Hà Tĩnh và nói chuyện với bà con nông dân một xã trồng cây và nuôi tôm trên cát. Bà con lưu luyến mong tôi trở lại nhiều lần hơn và đồng chí Chủ tịch Tỉnh vui vẻ mong tôi làm "công dân Hà Tĩnh".
GS Nguyễn Lân Dũng giữa đồng lúa xanh trên mảnh đất Hà Tĩnh.
Đặc biệt có một Công ty "Công nghệ xanh" với những thanh niên trí thức rất năng động mong muốn liên kết với Viện nghiên cứu của chúng tôi để ngày càng có nhiều sản phẩm phục vụ bà con nông dân Hà Tĩnh và nhiều tỉnh bạn.Tôi vui vẻ nhận lời và một đoàn cán bộ của Công ty này sẽ ra làm việc cụ thể với Viện chúng tôi.
Đúng là Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Quê hương chúng ta, nhân dân chúng ta nơi nào cũng đẹp !