Tới dự Lễ khánh thành có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thu Hằng, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung, lãnh đạo các Bộ, ban ngành Trung ương và địa phương, Đại sứ Hàn Quốc, Đại sứ Vương quốc Oman, Đại sứ Nam Phi, Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cùng cán bộ và nhân dân địa phương.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại buổi lễ
Được quy hoạch trên diện tích gần 61,5 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội, tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng, Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu nước sạch cho khoảng 3 triệu dân thuộc 8 quận, huyện khu vực Đông Bắc; phía Nam TP.Hà Nội và một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên.
Đây là công trình dân sinh trọng điểm của thủ đô, được Chính phủ, các Bộ ban ngành và TP Hà Nội đặc biệt quan tâm, được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa hiệu quả, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Được thiết kế vận hành tự động hóa hoàn toàn; áp dụng công nghệ xử lý nước tiên tiến nhất trên thế giới, chất lượng nước sau xử lý của Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ đảm bảo theo các quy chuẩn Việt Nam và thế giới, đặc biệt nước sau khi xử lý có thể uống ngay được tại vòi.
Công suất giai đoạn 1 của Nhà máy đạt 150.000 m3 nước/ngày đêm. Theo kế hoạch đến tháng 10/2019, nhà máy sẽ nâng công suất 300.000 m3/ngày đêm.
Ngay sau Lễ khánh thành và phát nước giai đoạn 1 của Nhà máy, Dự án tiếp tục khởi công các hạng mục của giai đoạn 2 nhằm đảm bảo tiến độ theo đúng cam kết của doanh nghiệp với UBND TP.Hà Nội.
Các đại biểu bấm nút khởi công giai đoạn 2 của nhà máy
Dự án đã tập hợp những nhà thầu hàng đầu trong lĩnh vực thi công đường ống, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và quản lý dự án hàng đầu thế giới cùng các chuyên gia nước ngoài giàu kinh nghiệm, hệ thống thiết bị công nghệ, máy móc và vật liệu tiên tiến nhất cũng được đáp ứng tối đa để phục vụ cho dự án.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, lễ khánh thành giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2 Nhà máy nước mặt sông Đuống khẳng định chủ trương đúng đắn trong việc huy động các nguồn lực xã hội để phát triển hệ thống nước sạch.
Ông Chung ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các sở, ban ngành của TP, UBND huyện Gia Lâm, Công ty CP nước mặt sông Đuống, các đơn vị thi công trong việc triển khai bảo đảm đúng tiến độ, an toàn, chất lượng, cũng như thay mặt lãnh đạo TP bày tỏ cảm ơn đối với nhân huyện Gia Lâm nói chung cũng như nhân dân trong vùng ảnh hưởng của việc thi công dự án, đã hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai dự án.
Các đại biểu dự lễ khánh thành uống nước ngay tại vòi
Để phát huy hiệu quả dự án, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các đơn vị cấp nước bán lẻ thực hiện đấu nối chuyển nguồn từ sử dụng nước ngầm sang sử dụng nước nguồn mặt sông Đuống trong phạm vi cấp nước của dự án, bảo đảm cho nhân dân được sử dụng nguồn nước sạch; xây dựng phương án giá bán nước sạch bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp; kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm sớm hoàn thành giai đoạn 2 của dự án.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng đề nghị Công ty CP nước mặt Sông Đuống tập trung tối đa nguồn lực để thực hiện giai đoạn 2 của dự án, nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm, để bổ sung nguồn nước cấp cho khu vực nội đô, khu vực phía Bắc, Đông Bắc và phía Nam của TP, bảo đảm chất lượng, tiến độ, hoàn thành trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019); thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm; đề nghị nhà đầu tư tiếp tục nâng công suất của dự án lên 900.000m3/ngày đêm vào năm 2022.
Thành công của dự án còn có sự góp phần không nhỏ của đối tác Đức. Đánh giá về hợp tác giữa Việt Nam và Đức trong lĩnh vực cung cấp nước sạch, ngài Dr. Wolfgang Manig - Phó đại sứ CHLB Đức tại Việt Nam cho biết: Chúng tôi rất tự hào vì nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam sử dụng công nghệ của Đức. Trong lĩnh vực nước, có một số công ty như: Công ty TPR, TIZ hay Starbucks,… Với cơ sở vật chất tại đây, chúng tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án của Đức hơn nữa như Giai đoạn 1 của dự án NMNM Sông Đuống mà chúng tôi đã rất tự hào.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống nhìn từ trên cao
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đỗ Thị Kim Liên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nước mặt Sông Đuống nhấn mạnh đến sự ủng hộ của bà con địa phương và các cấp chính quyền, đặc biệt là UBND TP.Hà Nội đã tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện dự án.
"Giai đoạn 1 chúng tôi thực hiện trong 18 tháng, có rất nhiều khó khăn thách thức mà chúng tôi đã vượt qua, ở giai đoạn 2 này, đến tháng 10 năm 2019 sẽ hoàn thành và chúng tôi cam kết đưa những dòng nước sạch đến với bà con thủ đô, chúng tôi muốn tất cả bà con thủ đô chứ không phải chỉ một số quận, huyện của giai đoạn 1", bà Liên nói.
Bà Đỗ Thị Kim Liên cùng các vị lãnh đạo, quan khách tham quan nhà máy sau lễ khánh thành
Trong quá trình vận hành sắp tới; NMNM sông Đuống sẽ tiếp tục được tối ưu hóa đạt hiệu suất cao nhất; tiến tới nghiên cứu sử dụng năng lượng mặt trời để giảm tiêu thụ điện năng; nghiên cứu sử dụng và tái chế bùn thải trong quá trình xử lý (làm thành gạch không nung; nguyên liệu sản xuất xi măng…), góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững.
Chất lượng nước sau xử lý của Nhà máy nước mặt Sông Đuống đảm bảo theo các quy chuẩn Việt Nam và thế giới, đặc biệt nước sau khi xử lý có thể uống ngay được tại vòi.
Chia sẻ niềm vui này, ông Trần Văn Dũng (ở Dương Hà, Gia Lâm, Hà Nội) cho biết: Là một trong những hộ dân đầu tiên tiếp nhận nguồn nước sạch của NMNM Sông Đuống, chúng tôi rất vui mừng và phấn khởi khi được sử dụng nguồn nước sạch từ mặt Sông Đuống. Trước kia người dân sử dụng giếng nước khoan, xây bể tự lọc nhưng khi nấu vẫn còn vẫn đục nên người dân không an tâm. Từ khi có nguồn nước sạch, người dân rất yên tâm.
Cùng tâm trạng với ông Dũng, chị Nguyễn Thị Kim Hoa (ở thôn Thượng Thương Hà, huyện Gia Lâm) chia sẻ: Gia đình tôi có con nhỏ, da trẻ rất nhạy cảm trong việc ăn uống, tắm rửa hàng ngày, nên rất lo lắng khi nguồn nước bị ô nhiễm. Từ lúc có nước sạch, gia đình thấy thuận tiện hơn và rất vui.
Thi công tuyến ống dẫn nước vượt sông Hồng
Ngay sau lễ khánh thành và phát nước giai đoạn 1, NMNM sông Đuống triển khai giai đoạn 2 của dự án, dự kiến tháng 10/2019 sẽ nâng công suất lên 300.000m2/ngày đêm. Và trong chiều 16/10, các đơn vị thi công đã tiến hành thành công đánh chìm tuyến ống thép dẫn nước vượt qua sông Hồng có chiều dài 500m, dẫn nước sạch sang khu vực Hoàng Mai, Thanh Trì thay thế cho nguồn nước bị nhiễm phèn của người dân ở phía Nam TP.Hà Nội.
Tuyến ống qua sông Hồng được thiết kế đi dưới sông, sử dụng 2 ống thép DN1400 (theo tiêu chuẩn BS EN 10224: 2002, chiều sâu đặt ống trung bình ≥4.0m, với chiều dày lớp phủ tự nhiên lên trên khoảng 2.6m kết hợp với bê tông gia tải và bê tông bảo vệ ống tạo độ ổn định của tuyến ống băng sông trong quá trình vận hành. Sử dụng mối nối mềm DN1400 để kết nối với ống trước và sau điểm qua sông.
Tuyến ống được trắc dọc trên nguyên tắc theo độ dốc địa hình của dòng sông. Đoạn ống kéo qua sông đánh chìm được thiết kế với độ dốc nhỏ nhất nằm trên địa hình bằng phẳng sau khi đã ổn định phui đào. Đoạn ống hai đầu bờ được thiết kế kết nối với ống nằm dưới sông theo độ dốc thực tế của dòng sông.
Sau khi hoàn thành tuyến ống qua sông Hồng sẽ đảm bảo cung cấp nước liên tục với lưu lượng 200,000 – 300,000 m3/ngày đêm cho các khu vực quận Hoàng Mai; Thành Trì và các quận thuộc các khu vực nội đô; thay thế các nguồn nước ngầm hiện đang bị suy thoái và ô nhiễm trầm trọng góp phần cải thiện điều kiện sống; cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo tiêu chuẩn cho người dân.
Một số hình ảnh đánh chìm tuyến ống dẫn nước vượt sông Hồng: