Khi mạng ảo ‘mạnh mồm’ hơn thực chất

Thứ Năm, 28/07/2016 10:16  | Phan Vi

|

(CAO) Bỗng chốc trở thành đứa con bất hiếu hay cuộc sống bị đảo lộn sau khi những hình ảnh được chia sẻ tràn lan với những câu chuyện “thêu dệt” quá mức khiến không ít người khổ sở, bất an vì trở thành “trung tâm” của dư luận thậm chí phải chữa trị trầm cảm vì những tin đồn vô căn cứ của mạng xã hội.

Nạn nhân bất đắc dĩ

Tối ngày 13-07 trên mạng xã hội xuất hiện một câu chuyện về một cô gái trẻ đi cùng một người phụ nữ lam lũ vào cửa hàng xe. Tại đây, trong lúc người mẹ bảo con mua tạm chiếc xe nào đó tầm 20 triệu để đi thì cô gái nhất quyết lấy chiếc xe Vespa LX có giá khoảng vài chục triệu đồng.

Sau khi câu chuyện kèm theo một tấm ảnh được cho là liên quan đến hai nhân vật chính được phát tán đã có hàng trăm nghìn lượt bình luận chia sẻ và “ném đá”, chủ yếu là phê phán cách sống đua đòi, ham mê vật chất của cô gái trẻ.

Câu chuyện còn được đẩy đi xa thêm khi một số trang báo điện tử dùng chủ đề này để nói đến lối sống của giới trẻ, chính vì vậy nhiều người đã không ngần ngại “truy tìm” cho được nguồn gốc cửa hàng nơi cô gái mua xe để biết rõ địa chỉ của cô gái.

Kết quả tất cả đều chỉ là sự suy đoán của người đã đăng tải câu chuyện. Nhân vật chính là bạn Phạm Nga (SN 1992, Quê Thường Tín, Hà Nội) đã rất phẫn nộ trước việc bịa đặt xuyên tạc của người đăng tin.

Theo bạn Nga chia sẻ trên một trang mạng: “Tối ngày 12-7, mình và mẹ có đi xem xe ở một cửa hàng, mình và người bán có trao đổi giá cả sau đó mình truyền đạt lại giá với mẹ chứ không hề có chuyện đòi mua xe đắt hay rẻ. Không hiểu sao người chụp hình lại có thể thêu dệt một câu chuyện quá đáng, làm ảnh hưởng đến uy tín của mình như vậy”.

Chị Nga khốn khổ vì câu chuyện “thêu dệt” trên mạng xã hội

Đặc biệt, điều đáng chê trách là sau khi chị Nga lên tiếng tố cáo câu chuyện trên mạng chỉ là bịa đặt thì người đăng đã vội vã xóa bài.

Câu chuyện “đứa con bất hiếu” chưa kịp nguội thì mới đây ngày 24-7 trên nhiều diễn đàn lại tiếp tục chia sẻ một câu chuyện bất bình không kém. Tuy nhiên, sau khi biết rõ sự thật không ít người phải lắc đầu ngao ngán vì sự thêu dệt, tưởng tượng quá đà của người đăng tin.

Theo thông tin người đăng tải chia sẻ câu chuyện về bảo vệ một siêu thị tại TP.HCM vì bị công ty chậm lương, bắt làm tăng ca nên phải ăn mỳ tôm hết hạn, ngay sau khi phát tán trên mạng xã hội câu chuyện và hoàn cảnh của người bảo vệ nhanh chóng nhận được sự chú ý lớn của cư dân mạng.

Đa phần đều tỏ ra thương xót và “ném đá” công ty nơi người bảo vệ này công tác một cách không thương tiếc. Tuy nhiên kết quả điều tra lại hoàn toàn khác hẳn những gì câu chuyện đã chia sẻ.

Cuộc sống của ông V. bị đảo lộn vì câu chuyện trên mạng

Theo chú Nguyễn V. (bảo vệ công ty B.M.) cũng là nhân vật chính của câu chuyện cho biết: “Đúng là tôi có làm thêm giờ nhưng là vì tôi xin công ty làm thêm để tăng thu nhập, mong mua được chiếc xe máy đi làm cho đỡ cực. Còn chuyện mì tôm hết hạn do thấy siêu thị bỏ đi tôi thấy tiếc nên xin để ăn vì tôi hay trực đêm mà mì cũng chỉ mới hết hạn vài ngày có ăn cũng không có sao, chuyện này hoàn toàn không liên quan gì đến công ty của tôi. Tôi không biết sao người ta lại chụp ảnh mình, rồi thêu dệt câu chuyện làm gì cho phức tạp”.

Hậu quả chỉ người trong cuộc gánh

Rất nhiều nạn nhân của những câu chuyện bịa đặt trên các diễn đàn mạng đã khổ sở khi trở thành “bia” cho sự chỉ trích của hàng trăm ngàn người xa lạ, đối với những người bình tĩnh họ sẽ cố gắng để vượt qua giai đoạn khó khăn nhưng đối với những người có thần kinh yếu sẽ dễ dẫn đến bị kích động, thậm chí trầm cảm vì những tin đồn thất thiệt này.

Sau khi câu chuyện được phát tán rất nhiều người tò mò đã tìm đến nơi người bảo vệ làm việc, họ chỉ trỏ tỏ ra thương cảm, thậm chí thóa mạ công ty. Kết quả người bảo vệ đã phải làm đơn xin nghỉ việc vì không chịu nỗi áp lực của dư luận.

Cũng từng là nạn nhân của những “câu chuyện” qua mạng, bạn Nguyễn Thị T. ( học viên trường trung cấp ĐakLak) phải tìm đến bác sỹ điều trị tâm lý vì không chịu nỗi “cú sốc” khi bị bêu rếu mà không thể thanh minh được.

Kể lại hoàn cảnh của T., một người bạn của cô đã chia sẻ: “T. vốn là một nữ sinh hiền lành ngoài thời gian đi học bạn tranh thủ làm thêm tại một cửa hàng bán mỹ phẩm ở Buôn Mê thuột, để lấy tiền trang trải học phí, sinh hoạt. Bất ngờ một ngày T. thấy thông tin mình “giật chồng” của người khác xuất hiện tràn lan trên mạng, kèm theo đó là rất nhiều tin nhắn xuyên tạc.

Khi tìm hiểu kỹ thì T. biết được người tung ra những tin đồn ác ý này chính là người đã theo đuổi T. bấy lâu nhưng không được chấp nhận. Dù đã yêu cầu kẻ xấu gỡ bỏ những thông tin sai lệch nhưng tất cả bạn bè, người thân của T. đều đã đọc được trong đó có không ít người tỏ ý nghi ngờ và dè bỉu khiến T. hoảng sợ và rơi vào trạng thái trầm cảm buộc phải nhờ đến bác sỹ để chữa trị”.

Câu chuyện của những nạn nhân bị thêu dệt trên mạng xã hội không phải là mới nhưng hậu quả vẫn khôn lường, chưa kể những kẻ tung tin đồn đẩy câu chuyện đi xa đến thời điểm hiện tại vẫn vô tư như không hề có chuyện gì xảy ra.

Tuy nhiên, đáng trách nhất vẫn là những người xa lạ tuy chưa biết rõ ngọn nguồn câu chuyện nhưng vẫn sẵn sàng chia sẻ tích cực, gây nên những bi kịch không đáng có.

Luật sư Phan Ngọc Nhàn

Theo luật sư Phan Ngọc Nhàn (Trưởng Văn phòng Luật sư Thanh Nhàn - thuộc đoàn luật sư Đăk Lăk) cho biết: “Khi phát hiện và xác định đúng người bôi nhọ danh dự của mình người bị hại hoàn toàn có quyền nộp đơn kiện yêu cầu xử lý đối tượng. Những trường hợp bôi nhọ uy tín cá nhân sẽ được tòa xem xét về trách nhiệm dân sự và bắt buột đối tượng phải bồi thường thỏa đáng về mặt tổn thất tinh thần cho người bị hại”.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bình luận (0)

Lên đầu trang