Đã thành thông lệ, như một lời chúc mừng năm mới tới người dân, cũng như nhằm góp phần đem không khí xuân đến với mọi người sau năm 2021 đầy biến động với nhiều đau thương, mất mát, các địa phương trên cả nước đã tổ chức trang trí cảnh quan các khu vực công cộng với diện mạo mới. Năm 2022 là năm Nhâm Dần nên cùng với các loài hoa đua nhau khoe sắc, linh vật hổ được lựa chọn để làm các tiểu cảnh thêm phần sinh động, mới mẻ cho người dân thưởng ngoạn.
Một số tạo hình hổ gây "bão" trên mạng
Tuy nhiên, linh vật của năm xuất hiện liên tục trên mạng xã hội, với những chú hổ từ đáng yêu, oai nghiêm đến dữ tợn, “lai căng”. Về chủ đề này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với Kiến trúc sư Trần Minh Hiếu - chuyên gia đã có nhiều năm thực hiện trang trí cảnh quan cho Đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM) và các đường hoa khắp cả nước. KTS Hiếu cho biết không phải tự nhiên mà đề tài này lại trở nên “hot” như vậy.
Là kiến trúc sư đã có thâm niên nhiều năm trong lĩnh vực thiết kế, trang trí cảnh quan, ông đánh giá thế nào về các linh vật năm nay?
Kiến trúc sư Trần Minh Hiếu: Có thể nói các thiết kế linh vật năm nay rất đa dạng. Tôi cảm thấy ấn tượng với nhiều công trình. Tuy nhiên đánh giá sơ bộ cho thấy nhiều linh vật không có độ thẩm mỹ cao, chưa lột tả được, thậm chí hoàn toàn không giống với hổ, nhìn rất hài hước, đáng cười.
Kiến trúc sư Trần Minh Hiếu, Giám đốc Công ty CP Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS)
Đề tài này không phải là mới, thực chất những năm qua việc tạo hình linh vật cũng có nhiều điểm khiếm khuyết. Tuy nhiên đến năm con hổ, do tính chất của loài hổ rất khó đặc tả, cũng như việc người dân đồng bằng ta ít khi được quan sát loài thú này nên đã xuất hiện nhiều thiết kế chưa phù hợp.
Hổ trong tín ngưỡng Việt Nam biểu tượng cho sức mạnh, quyền uy và sự thống lĩnh. Con vật này đồng thời cũng được biết đến như một loài động vật hung hãn, đáng sợ. Chính vì thế, để dung hòa được sự hung tợn, thể hiện được nét oai hùng nhưng đồng thời không khiến tiểu cảnh bị phản cảm mà gần gũi, sinh động với người xem là một điều mà không phải đơn vị thiết kế, thi công nào cũng làm được.
Theo ông, những lỗi lớn thường gặp ở việc thực hiện thiết kế, thi công linh vật là gì?
Đầu tiên, mặc dù việc trang trí Tết là công việc làm thường niên của nhiều địa phương trên cả nước, nhiều đơn vị thiết kế, thi công còn chưa có sự chuyên nghiệp với thị trường này. Việc tạo hình các linh vật qua các năm hoàn toàn không đơn giản, nó không giống trang trí tiểu cảnh, mà còn là linh vật mang đến sự may mắn cho một năm sắp tới và cần được đầu tư nhiều thời gian, công sức.
Thứ hai, theo tôi chính việc còn thiếu nghiên cứu về hồn cốt và thần thái của loài linh vật đó, làm sao để truyền vào cái hồn, cái nét Việt Nam và bản sắc của dân tộc mà không nơi nào có, đây là một việc quan trọng chưa được thật sự quan tâm.
Thứ ba, việc thiếu kiến thức về giải phẫu học của loài vật đó cũng là yếu tố dẫn đến việc các linh vật ra ngoài đời không lột tả được hết hình thái, thậm chí là không giống một chút nào với con vật ngoài đời thật. Tìm hiểu các chuẩn mực về mặt cấu tạo giải phẫu, ví dụ như tỷ lệ khuôn mặt, độ nhún của vai, độ dài cơ, xương, chuyển động của loài động vật là cách tối ưu để đem đến những linh vật sống động nhất.
Cuối cùng, các đội tư vấn thiết kế còn chưa có sự giám sát chặt chẽ để tham gia điều chỉnh khi cần thiết bởi khi lên tiểu cảnh còn cần đo lường chính xác tỷ lệ tượng thú với tổng thể thiết kế, cũng như cần có sự sát sao giám sát cùng các nghệ nhân điêu khắc để mang tới sản phẩm đẹp nhất.
Thiết kế linh vật hổ tại Hội xuân Huế Nhâm Dần 2022
Được biết năm nay, ông không gắn bó với Đường hoa Nguyễn Huệ TPHCM mà tham gia công trình Hội xuân Huế 2022 và cũng đã nhận được nhiều lời khen, ông có thể chia sẻ một chút về quy trình thiết kế và thi công tác phẩm ở đây?
Năm nay, đơn vị của tôi – Công ty CP Sao Tháng Tám Việt Nam (AGS) – đã có cơ hội đồng hành và làm việc ở đất Cố đô Huế, nơi đã đem đến cho chúng tôi rất nhiều nguồn cảm hứng về mặt mỹ thuật với các chất liệu dân gian đậm đà, huyền bí.
Quy trình làm việc tại Hội xuân Huế Nhâm Dần 2022 của chúng tôi cũng cần thời gian và nhiều công đoạn tỉ mỉ để đem đến sản phẩm tốt nhất, phù hợp nhất về quy chuẩn tạo hình cũng như lột tả được cái “hồn Huế”.
Đầu tiên, thường chúng tôi đi từ việc dựng hình 3D những linh vật này và kỳ công tìm rất nhiều chất liệu dân gian nhằm hun đúc, chắt lọc hình tượng, để linh vật có thể mang đậm bản sắc Huế nói riêng và Việt Nam nói chung, mang tính độc bản hoàn toàn. Sau đó, chúng tôi thực hiện làm tiêu bản nhiều lần bằng phương pháp in 3D từ những file dựng để kiểm tra, cũng như thử nghiệm rất nhiều chất liệu, vật liệu khác nhau để tạo nên được tác phẩm.
Những tiêu bản linh vật bằng phương pháp in 3D
Sau đó, trong suốt quá trình thi công, chúng tôi thực hiện giám sát chặt chẽ, thực hiện điều chỉnh để phù hợp với thực trạng và cảnh quan xung quanh. Hơn nữa, với những dự án lớn như trang trí Đường hoa Nguyễn Huệ thì mỗi năm chúng tôi phải làm tới hàng chục mẫu và hình ảnh linh vật khác nhau, bởi vậy mới có thể ra được những linh vật chuẩn mực về mặt cấu tạo, giải phẫu, lột tả được chuyển động đặc thù của từng loài linh vật.
Và cuối cùng, để thổi được cái hồn, cái bản sắc, hay chúng tôi hay gọi là cái “may mắn” của linh vật vào bức tượng, ngoài việc nghiên cứu về mặt chất liệu dân gian, văn hoá, những câu chuyện huyền thoại, ca dao, tục ngữ, thì còn cần phải hoà quyện vào đó cái cảm xúc của cả người thiết kế và nghệ nhân thực hiện. Tương tự như việc "hô thần nhập tượng" hay "điểm nhãn" bức tranh, những bức tượng khi ấy mới có cái thần thái, cái tính cách, đem đến những cảm xúc cho người xem, truyền tải được những điều mong cầu cho một năm mới an khang, may mắn và tài lộc.
Xin cảm ơn Kiến trúc sư!