(CAO) Bệnh viện Bình Dân vừa cấp cứu cho một trường hợp thủng thành sau âm đạo thông vào trực tràng sau khi thực hiện phẫu thuật thu hẹp âm đạo tại một cơ sở không được cấp phép. Hậu quả là người bệnh cần phải theo dõi và điều trị lâu dài để khắc phục tai biến này.
Nạn nhân là chị V.H.T ( 38 tuổi, ngụ tại TP.HCM). Khoảng một năm gần đây chị T. cảm thấy âm đạo “lỏng lẻo”, điều này làm chị tự ti trong đời sống chăn gối. Dịp cuối năm 2021, qua những lời quảng cáo trên mạng, chị đến một spa trên địa bàn TP để tìm hiểu về dịch vụ se khít vùng kín, thu nhỏ âm đạo.
Nhân viên tại cơ sở này thuyết phục chị T. rằng đây chỉ là một thủ thuật đơn giản và có thể làm ngay tại spa trong 30 phút. Chị T. tin và đồng ý thực hiện dịch vụ tại cơ sở này. Sau khi được “thu nhỏ” âm đạo tại cơ sở này vào buổi sáng, đến trưa người bệnh phát hiện máu chảy kéo dài ở vùng hậu môn, âm đạo.
Chị T. lập tức quay trở lại cơ sở này để khám. Nhận thấy tổn thương phức tạp của chị, cơ sở này đã đưa chị đến Bệnh viện Bình Dân TPHCM cấp cứu ngay trong đêm.
Tại Bệnh viện Bình Dân, chị T. được phát hiện thủng thành sau âm đạo thông vào trực tràng, vết rách khoảng 3cm. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu cầm máu, vá thành âm đạo và trực tràng cho người bệnh. Vết thương sau đó lành tốt, người bệnh đã xuất viện về nhà.
Laser hỗ trợ điều trị rối loạn tình dục nữ tại Bệnh viện Bình Dân
Bác sĩ Trần Văn Minh Tuấn, Khoa Ngoại Tiêu hóa Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh cho biết: Rách âm đạo-trực tràng thường không gây nguy hiểm tính mạng nếu phát hiện và xử trí kịp thời. Tuy nhiên, tai biến có thể để lại di chứng lâu dài nếu không theo dõi sát sao sau mổ, vết thương cần được chăm sóc tốt vì vùng này khó lành và dễ nhiễm trùng.
Một trong những biến chứng có thể gặp là rò trực tràng thông vào âm đạo gây rất nhiều phiền toái và đau khổ cho người bệnh. Đôi khi, tình trạng rò có thể xuất hiện vài tháng sau khi vết thương tưởng như đã lành. Một khi có xuất hiện rò trực tràng-âm đạo, cần phải tiếp tục phẫu thuật vá rò.
Rò âm đạo- trực tràng làm đại tiện không tự chủ, phân từ trực tràng trào vào âm đạo, nhiễm trùng âm đạo, hình thành ổ mủ… Trong tình huống xấu, người bệnh cần mở hậu môn nhân tạo (đeo một túi ở thành bụng để chứa phân từ trực tràng ra) chờ cho đường rò lành hẳn. Do đó, chị T. cần được theo dõi chặt chẽ sau nhiều tháng để giảm thiểu nguy cơ rò âm đạo- trực tràng.