(CAO) Muôn mặt mưu sinh, những người dân tứ xứ, di cư về TPHCM chấp nhận bươn trải đủ nghề để kiếm sống. Cùng với những nỗi lo cơm áo là nguy cơ về những rủi ro khi làm nghề tự do. Câu chuyện về những nỗi lo quanh hai chữ "an toàn" trên những chuyến xe mưu sinh dường như là đề tài "đáng nhớ nhất" trong ký ức của những bác tài GrabBike từng có thời chạy xe ôm tự do chở khách...
Ông Võ Linh Đơn, 55 tuổi (quê Sóc Trăng) đã gắn bó với GrabBike vào những ngày đầu khi loại hình xe “công nghệ” này hoạt động tại TPHCM. Với nước da đen nhẻm, mái tóc bạc phơ, với khuôn mặt nhiều nếp nhăn in hằn sự vất vả mưu sinh, ông Đơn kể, trước kia, gia đình thuê đất đào hồ nuôi tôm ở Sóc Trăng với hi vọng cuộc sống sẽ khá giả hơn. Tuy nhiên, sau đó tôm xuống giá, chi phí tăng khiến gia đình không kham nổi nên đã bỏ ruộng tôm lên Sài Gòn thuê nhà tại quận Tân Phú lập nghiệp.
Vợ ông ở nhà mở quán bán cà phê cóc, còn ông chạy xe ôm “truyền thống”, bươn chải suốt ngày đêm mới lo cái ăn cái mặc hàng ngày gọi là tạm đủ. Thế nhưng, khi 2 người con bước vào đại học, với những khoản tiền học phí, học thêm, ngoại khóa, thực tập… cứ ngày một lớn dần lên và càng ngày càng đè nặng lên đôi vai của đôi vợ chồng già. “Mỗi lần đóng học phí cho con là phải chạy vạy khắp nơi, có lúc túng quẫn phải cắm cả đồ đạc”, ông Đơn kể trong nước mắt.
Cũng theo chia sẻ của ông Đơn, hơn 5 năm chạy xe ôm “truyền thống” thì cũng đồng nghĩa bán sức lao động một cách ghê gớm. Hàng ngày cứ 4 giờ sáng dậy đi ra Bến xe Chợ Lớn rồi có lúc phải đến 10 giờ, 11 giờ khuya mới về. “Những ngày may mắn thì có dăm ba trăm nghìn, còn không thì cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời cũng chỉ có một cuốc xe vài chục nghìn đồng. Chạy xe không cẩn thận, rủi mà gặp tai nạn, cũng chả biết gọi ai ngoài vợ con, rồi lo tiền bạc chạy chữa.... Những ngày nằm nhà, không chỉ đau vế thương mà còn lo...chết đói...”, ông Đơn thủ thỉ.
Nhớ lại những ngày chạy xe ôm “truyền thống”, ông nói, mỗi ngày xách xe đi làm là phải đối mặt với bao nhiêu mối hiểm họa. Nếu chạy lấn sang địa bàn khác thì ngay lập tức ăn “xử”, chưa kể, mỗi lần chạy vào ban đêm hay rạng sáng, khi trời đã tối, gặp bao nhiều mối bất trắc, nếu gặp phải kẻ xấu hay nghiện hút thì coi như đi không công. Và như thế còn may mắn, có nhiều đồng nghiệp còn bị lấy hết tiền, lấy luôn xe, thậm chí bị đánh đập, nghiệm trọng hơn là bỏ mạng. “Bạc bẽo là thế nhưng cũng phải cố bươn để có đồng ra đồng vào, chứ cũng không biết làm nghề gì. Đời xe ôm, chỉ canh cánh một nỗi lo quanh hai chữ... an toàn”, ông Đơn giải bày.
Ông Nguyễn Đình Long, một tài xế GrabBike từng một thời chạy xe ôm tự do
Năm nay đã 56 tuổi, ông Nguyễn Đình Long (ngụ quận 3), cũng là một tài xế GrabBike trầm ngâm kể chuyện... thời chưa có xe công nghệ. Ông cho biết, trước kia ông là lái xe ôtô cho trường học, sau đó lăn lộn nhiều nghề, đến lúc sức khỏe đã yếu, ông nghỉ việc rồi xách xe chạy xe ôm “truyền thống” được gần 2 năm tại khu vực ga Sài Gòn. Dù lăn lộn chạy hàng ngày nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu.
“Lúc tham gia chạy xe ôm “truyền thống” mặc dù có người quen giới thiệu vào đội xe ôm ga Sài Gòn nhưng do là lính mới nên cũng không tránh khỏi những lời hăm dọa của cánh xe ôm lâu năm. Chạy chừng ấy năm tôi hiểu, nghề xe ôm “truyền thống” vất vả lắm, lại còn nguy hiểm chầu chực thường xuyền, việc phân chia ranh giới, địa bàn gay gắt, phức tạp lắm. Nhiều lần chứng kiến những vụ xô xát, ẩu đả giữa các “bang phái” với nhau, khiến tôi càng suy nghĩ về cuộc mưu sinh với số phận con người bạc bẽo quá, như thể phó thác số trời vậy”, ông Long buồn tủi nhớ về những ngày khó khăn.