Phóng viên Báo Công an TPHCM đã tiếp cận với một trong số các nạn nhân của đường dây đưa người sang châu Âu trái phép để tìm "miền đất hứa", may mắn toàn mạng trở về. Giờ nghĩ về chuyến đi của mình, anh vẫn không khỏi rùng mình, dù đã nhiều năm trôi qua.
“Với tôi đây là một chuyến đi, một bài học và sự trả giá của cuộc đời. Sự ưu ái của đấng từ bi, của tổ tiên chín đời mới giữ được mạng sống nơi xứ sở hoàn toàn xa lạ.
Đó là cuộc hành trình xuyên khu rừng rậm lạnh cóng của mùa đông nước Nga - vùng giáp với biên giới Ba Lan suốt hơn hai tháng trời với cảnh đói khát, rét mướt, bẩn thỉu và nhất là nhiều mối nguy hiểm của bọn cướp, thú dữ luôn rình rập.
Đêm đi ngày ngủ, đoàn người giống như mất phương hướng, không có khái niệm về thời gian, không có ý niệm về không gian mà thứ duy nhất trước mắt là một bến bờ vô định, kèm với đó là sự ân hận. Trong ý thức của những con người này là làm sao phải bảo toàn được mạng sống.
Hành trình hơn hai tháng sống trong "địa ngục trần gian" cuối cùng cũng kết thúc. Tôi trở về Việt Nam mang theo tất cả sự uất hận, ê chề và căm phẫn tột cùng đối với những kẻ lừa đảo”, người đàn ông tên H.T.T. (45 tuổi, quê Hà Tĩnh) với dáng vẻ lương thiện, đôi mắt buồn, chậm rãi kể lại với chúng tôi hành trình “từ cõi chết trở về” một cách xót xa…
Anh H.T.T. kể:
Tôi sinh ra ở vùng quê nghèo Hà Tĩnh, cái xứ cát trắng gió Lào, mùa hè nóng hầm hập, mùa động lạnh đến thấu xương, đã làm cho tôi nói riêng và các thế hệ con người nơi đây thêm rắn rỏi.
Quyết tâm học hành để thoát ly khỏi quê hương hoặc chấp nhận tha phương cầu thực với những đồng lương đủ nuôi thân ở các khu chế xuất, công nghiệp tận miền Nam là một trong những phương án khả dĩ mà nhiều người trẻ như chúng tôi lựa chọn. Do vậy nên làng quê nghèo thuần nông chất phác ngày nào có đủ tiếng cười của trẻ thơ, thanh thiếu niên, thì bây giờ ngôi làng chỉ còn lại các cụ già lớn tuổi và các cháu nhỏ.
Lớp lớp thanh niên, những người có sức lao động tứ tán muôn phương. Tôi cũng thế, sau một thời gian vào Bình Thuận làm rẫy rồi khi cha mẹ già cũng phải về quê cưới vợ. Hành trang mang về là sự tích góp được chút vốn ít ỏi của gần 15 năm lặn lội nơi đất khách quê người.
Mơ về xứ "thiên đường"
Tôi và một người em vợ có người thân sinh sống tại Cộng hòa Pháp nên muốn qua thăm họ. Mục đích chính của tôi là vừa tham quan nhưng đồng thời cũng tìm hiểu để sau này có điều kiện cho con cái qua nhờ người thân giúp đỡ học hành. Vì một số điều kiện bắt buộc như phải có hợp đồng lao động của công ty, tài sản thế chấp..., đó là những thứ mà bản thân tôi không có.
Vào khoảng tháng 11-2014, qua môi giới của ông H. (ngụ xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), tôi đã gặp được bà Nguyễn Thị Hồng O. – giám đốc một công ty ở Q.Phú Nhuận (TP.HCM). Qua sự giới thiệu, tất cả những điều kiện bắt buộc để tôi xin được visa đi Pháp đều được bà O. giải tỏa một cách chóng vánh. Bà khẳng định, hồ sơ của các anh như vậy là đủ, không thiếu gì cả, cái các anh cần bổ sung duy nhất đó là … tiền, phần việc còn lại là của bà ấy. Tôi trộm nghĩ, thế là mình đã gặp được ân nhân…
Sau nhiều ngày chạy đôn chạy đáo để thỏa mãn điều kiện “cần”, chúng tôi và bà O. đặt bút hợp đồng tư vấn dịch vụ du lịch tại Pháp với giá trọn gói gần 400 triệu đồng bao gồm phí xin visa và vé máy bay khứ hồi. Theo hợp đồng, chúng tôi phải đặt cọc trước 8.000 USD/2 người, số tiền còn lại sẽ đóng khi nhận visa. Nếu ba tháng sau không có kết quả thì bà O. hoàn trả lại toàn bộ số tiền cọc.
Niềm hy vọng được dồn hết vào những đồng tiền đi mượn và chúng tôi sống trong tâm thế… chuẩn bị lên đường. Tuy nhiên, khi quá thời hạn, bà O. không xin được visa, nên tôi đã yêu cầu phải trả lại số tiền như thỏa thuận nhưng bà xin gia hạn thêm thời gian nữa.
Đến tháng 6-2015, bà ta thông báo một tháng nữa sẽ có visa và yêu cầu đóng thêm tiền để làm thủ tục. Vì tin tưởng nên ngày 4-6-2015, tôi lại tiếp tục chuyển 80 triệu đồng cho bà O. qua tài khoản ngân hàng. Tháng 9-2015, bà O. thông báo mọi thủ tục đã chuẩn bị xong, ra Hà Nội để nhận visa bay sang Pháp. Vậy là cuộc hành trình bắt đầu…
Chiều ngày hôm đó, hai anh em chúng tôi đón xe ra đến Hà Nội thì được người tên Sơn đưa đến một căn nhà gần bến xe Mỹ Đình. Ở đây khoảng 3 tiếng đồng hồ thì có một người đàn ông khác tôi không biết tên dẫn ra sân bay Nội Bài nhận hộ chiếu kèm visa. Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến giờ có biết mặt mũi như thế nào đâu. Họ nói sao thì chúng tôi tin vậy và làm theo răm rắp như robot.
Suy nghĩ của chúng tôi lúc đó rất đơn giản, qua cửa an ninh, có vé máy bay rồi và đã lên được tàu bay thì tất nhiên phải có giấy tờ hợp lệ. Người dẫn đường bảo tôi rằng chuyến bay sẽ sang Maxcova – Nga quá cảnh ở đó và sẽ có người hướng dẫn để tiếp tục hành trình đến Pháp.
Tàu bay cất ánh và hình ảnh sân bay Nội Bài dần khuất sau màn sương dày đặc. Viễn cảnh về thủ đô Paris hoa lệ cùng với người thân đang vẫy tay chào đón dường như đã đến rất gần khiến tôi rất hồi hộp.
Rơi vào tay bọn tổ chức vượt biên trái phép
Sau gần 10 tiếng đồng hồ hành trình, chúng tôi đến Maxcova. Chờ khoảng 30 phút ở cửa sân bay thì xuất hiện một người đàn ông, anh ta giời thiệu tên Á đến đón. Á gọi điện và một lát sau thì xuất hiện một người nữa tên Thìn. Cả hai chở chúng tôi trên một chiếc xe bán tải cũ kỹ về khu chợ Lưu – nơi có rất đông người Việt sinh sống, buôn bán.
Hai chúng tôi được bố trí ở trong nhà trọ của Thìn ở Maxcova và câu trả lời duy nhất của họ mỗi khi chúng tôi thắc mắc “khi nào đi” là hai tiếng… “cứ chờ”. Lúc này chúng tôi linh cảm có chuyện chẳng lành nhưng vì không biết phải làm sao nên buộc phải chờ đợi.
Lúc đầu họ còn cho chúng tôi mượn điện thoại gọi về nhà hỏi thăm gia đình, nhưng rồi sau đó cấm tiệt. Suốt một tuần sống khép kín trong một căn phòng có cái lò sưởi nhỏ, toàn bộ thức ăn nước uống đều được mang đến, chúng tôi được Thìn thông báo chuẩn bị lên đường.
Lúc chuẩn bị lên đường, họ bắt chúng tôi phải vứt hết quần áo mang theo, chỉ được mặc đúng một bộ trên người. Khi chúng tôi thắc mắc tại sao không bay sang Pháp thì họ không trả lời mà chỉ nói là đã thống nhất với đối tác ở Việt Nam…
Chúng tôi được bố trí ở chung phòng với 6 người khác (3 người ở Hải Phòng, 3 người Nghệ An). Tiếp xúc với họ, được biết chuyến đi này do hoàn cảnh đặc thù nên phải đi theo đường tiểu ngạch. Họ trấn an mọi người cứ yên tâm, có người bản địa giúp đỡ và tỷ lệ thành công từ trước đến nay là 100%.
Đến lúc này chúng tôi mới tá hỏa biết mình đi theo kiểu vượt biên trái phép nhưng bất lực vì không biết kêu cứu ai giữa đất khách quê người, hơn nữa số tiền mấy trăm triệu đã đưa trước và nếu bỏ cuộc lúc này không biết có toàn mạng để về quê hay không? Và cũng kể từ thời điểm này, những người canh gác đã không cho chúng tôi ra khỏi phòng trọ nữa…
Một cánh rừng mùa đông nước Nga
Đánh cược mạng sống vào "canh bạc"
Thìn không muốn giữa các nhóm chúng tôi có sự liên hệ quá mật thiết dẫn đến sự phản kháng có thể gây bất lợi cho công việc của anh ta. Vả lại, sống vì trong hoàn cảnh này nên giữa chúng tôi luôn có sự đề phòng và ít giao tiếp. nếu ai có hỏi quê quán thì cũng nói qua loa cho xong hoặc không bao giờ nói thật nơi mình sinh sống.
Vì hai chúng tôi là người lạ mới đến nên 4 ngày ở chung thì 6 người cũ được đi trước. Lúc này, chúng tôi trở thành người cũ và Thìn tiếp tục đón một nhóm mới 6 người mới từ Việt Nam qua ở chung phòng. Tiếp thêm hai ngày nữa, cả nhóm 8 người chúng tôi được thông báo bắt đầu lên đường.
Chuyến đi không biết điểm đến giống như một canh bạc mà tài sản cược chính là mạng sống của mình. Tôi nói với Q. - người em đi cùng: Tết vừa rồi anh bắt số tử vi, thầy phán anh sống thọ được 81 tuổi nếu vượt qua cái hạn 49 tuổi và 53 tuổi. Chắc năm nay chưa chết đâu. Q. còn trẻ hơn tôi và cũng lần đầu tiên xa nhà nên đượm buồn: “Em cũng không biết nữa…”.
Đoàn chúng tôi khởi hành khi trời vừa chợp tối. Khí hậu lạnh cóng, da thịt tê tái, tâm trạng lo âu. Cả đám nhìn nhau nhưng không ai nói với ai câu nào. Lúc này Thìn và Á không đi theo, ngoài 8 người chúng tôi là “khách hàng” có thêm hai tài xế người Việt và một người dẫn đường là người nước ngoài được di chuyển trên 2 xe ô tô loại 7 chỗ.
Đi được khoảng 20km, ra khỏi khu vực nội thị, họ dồn tất cả lên 1 xe, chiếc còn lại được một tài xế đưa về…. Chiếc xe 7 chổ nhưng nhét đến 10 người lao vun vút trong màn đêm. Dân cư thưa dần, phía trước xa xa là trập trùng núi đồi. Được một quãng đường tốt rồi sau đó rẽ vào một con đường nhỏ gồ ghề. Chiếc xe lắc lư chao đảo với sức nặng quá tải.
Xe chạy đến nửa đêm thì gặp một khu rừng, họ bảo chúng tôi xuống xe đi bộ với người nước ngoài dẫn đường, còn tài xế người Việt quay xe đi hướng khác. Cuộc hành trình xuyên rừng bắt đầu…
60 ngày làm "người rừng"
Chúng tôi đi bộ trong rừng đến sáng hôm sau thì được người dẫn đường ra tín hiệu cho dừng lại nằm nghỉ ngay trên những tảng đá lạnh cóng giữa rừng và được dùng bữa với nửa cái bánh mì và nước lọc mang theo. Cả ngày hết nằm lại ngồi, rồi lang thang quanh quẩn trong tầm mắt của người dẫn đường với bán kính 20m của gã râu ria ngoại quốc.
Anh ta không cho đốt lửa để sưởi ấm mà chỉ hướng dẫn cho phương pháp ngồi yên trong hốc đá và không cử động thì sẽ đỡ lạnh. Khi mặt trời bắt đầu lặn, cả nhóm được lệnh tiếp tục lên đường. Cứ thế, ngày nghỉ đêm đi từ cánh rừng này đến khu rừng khác mỗi lúc một sâu thẳm đến rạc cả hai bàn chân.
Sang đêm thứ 4 thì chúng tôi đến một con đường nhỏ xuyên rừng, ở đó có một chiếc xe tải cọc cạch, xì khói đen đã chờ sẵn. Gã tài xế mũi lõ khoảng hơn 50 tuổi, mặt bẳm trợn, nhem nhuốc, miệng rít thuốc lá liên hồi tiến đến nói gì đó với người dẫn đường và tất cả chúng tôi được tống lên thùng xe.
Chiếc xe bành bạch lắc lư khoảng hai giờ sau thì đến một ngôi nhà hoang tàn cũ nát, ẩm dột rộng khoảng 10m2 nằm hun hút giữa bạt ngàn cây cối. Họ cho biết tất cả chúng tôi phải ở đây và chờ còn gã tài xế và người hướng dẫn thì mất hút đâu không rõ.
Nệm không, lửa không, thức ăn cạn kiệt khiến tất cả rất lo lắng. Sau hai ngày lưu lại đây, chúng tôi được người hướng dẫn lệnh cho phải di chuyển sang một ngôi nhà hoang khác cách đó khoảng chừng 2 giờ đi bộ đường rừng và không được dùng điện thoại. Trong 6 ngày tiếp theo tá túc ở đây, khẩu phần ăn của mỗi người là một cái bánh mì một ngày.
Sống trong cảnh đói khát, nước cũng chỉ được uống cầm chừng, chỗ ngủ là nền nhà ẩm mốc, kiến rừng, muỗi đốt nên chỉ đến khi mệt lả mới chợp mắt được. Ở trong rừng hơn 20 ngày mà gần như không được tắm rửa lần nào. Sau đó, không hiểu vì lý do gì chúng tôi bị đưa quay trở lại ngôi nhà hoang cũ (đã ở lần trước) và tiếp tục chịu cảnh đói rét, bẩn thỉu thêm … 20 ngày nữa.
Đến lúc này, hầu như trong đoàn người chúng tôi chỉ biết mình đã sống bao nhiêu ngày mà không nhớ ra hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu, của tháng mấy….!
Vào một buổi sáng khoảng ngày thứ 50 sống trong rừng, Người hướng dẫn cho biết 4 người được đi trước và 4 người còn lại phải chờ. Gần trưa thì một người nước ngoài lái xe 7 chỗ chạy đến, đưa 4 người đi trước, tôi và Q. được bố trí đi chuyến sau. Lúc này, nhóm còn lại chúng tôi đón thêm một người mới cũng từ Việt Nam sang và tiếp tục ở lại ngôi nhà hoang này thêm 10 ngày. Sang đêm thứ 11 thì chúng tôi được đưa đến một khu rừng khác không xác định được ở hướng nào, chỉ khoảng gần 2 giờ đi bộ.
Chúng tôi chỉ được phép tạm nghỉ và luôn trong tư thế sẵn sàng khởi hành. Khoảng 3 giờ sáng hôm sau, có một chiếc xe đến đón, họ bắt 3 người chui vào trong cốp xe và 2 người ngồi trên thùng xe được ngụy trang bằng cách bắt trùm mền kín mít. Tôi nhỏ con nên "vinh dự" được xếp nằm trong cốp. Chiếc xe lắc lư trong đường rừng khiến một người nôn ói, rồi tiếp đến cả ba cùng ói thốc ói tháo trong cái cốp chưa đầy 1,5m2. Mùi khai hôi nồng nặc, tưởng như ngột ngạt đến tắt thở, nhưng không ai dám kêu. Lúc này chúng tôi chỉ mong rằng, xe bị hỏng hoặc gặp một sự cố gì đó để dừng lại cho chúng tôi ra ngoài hít thở không khí...
"Ơn trời còn sống!"
Xe chạy một mạch đến 5h sáng hôm sau thì đột ngột dừng lại. Tôi không hiểu chuyện gì nhưng qua cách giải thích của người nước ngoài và có sắc phục của cảnh sát chúng tôi mới biết rằng đoàn chúng tôi đã bị bắt tại biên giới Ba Lan.
Tôi thầm cảm ơn trời, biết đâu đây là sự may mắn và quẻ bói tử vi hồi đầu năm đã đúng. Nếu gặp được chính quyền địa phương cho dù có bị xử lý thế nào đi chăng nữa nhưng mạng sống chúng tôi vẫn còn.
Chúng tôi được chuyển đến giam tại một đồn cảnh sát, bị tịch thu hết tư trang. Họ giải thích rằng chúng tôi phạm luật vì đã nhập cảnh trái phép. Một ngày sau, cả nhóm chúng tôi được chuyển đến một trại giam khác gần đó cùng với nhiều người thuộc nhiều quốc gia. Chúng tôi được cung cấp thức ăn, quần áo và các nhu yếu phẩm.
Điều bất ngờ là tại đây, nhóm chúng tôi đã gặp lại 4 người cùng nhóm được đi trước trong ngôi nhà hoang giữa rừng sâu trước đó khi họ đang bị một nhóm người Trung Quốc hành hung.
Sau khi Tòa án Ba Lan có bản án, chúng tôi được trả lại Việt Nam một tháng sau đó trong niềm hạnh phúc vô bờ. Chúng tôi về lại quê hương mà cách đây không bao lâu tất cả đều cho rằng đã hết cơ hội.
Sau khi ổn định cuộc sống, chúng tôi đã tìm đến gặp ông H. – giới thiệu đầu tiên và được biết sau nhiều vụ việc bị “bể” ông này đã bị nhiều người đến đòi nợ. Chúng tôi tìm đến bà Nguyễn Thị Hồng O. để hỏi là tại sao ký hợp đồng đi du lịch, có visa hợp pháp nhưng thực tế lại đưa chúng tôi vượt biên suýt bỏ mạng nơi đất khách quê người?
Bà ta không những không đưa ra được câu trả lời thỏa đáng mà cho đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ trả cho chúng tôi được 50 triệu đồng vào ngày 21-1-2016 và còn nợ chỉ riêng hai anh em chúng tôi 150 triệu đồng. Bà ấy còn viện lý do bản thân cũng là kẻ bị lừa.
Theo anh H.T.T, hiện công ty của bà O. chuyển đi đâu không rõ. Anh cho biết thêm sở dĩ làm đơn gửi các cơ quan chức năng để tố cáo Nguyễn Thị Hồng O. lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không chỉ để đòi lại tiền mình mà còn cảnh tỉnh nhiều người ôm mộng thiên đường ở xứ trời Tây.
(CAO) "Hồ sơ 4 trường hợp trong số 39 nạn nhân tử vong trong container tại Anh được chuyển cho phía Việt Nam để phối hợp xác minh cụ thể" - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn cho biết bên hành lang QH.