(CAO) Sau khi thông tin phát hiện 39 thi thể nghi là người nhập cư trái phép trong container ở Anh gây chấn động, nhiều người từng đi theo con đường này, may mắn thoát nạn trở về đã kể lại chuyến đi kinh hoàng.
Sau nhiều năm bị trục xuất về nước, anh N.Đ.T. (trú thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) vẫn chưa hết kinh hoàng khi nhắc lại chuyến vượt biên từ Đức sang Anh.
Anh T. kể, năm 2003, do muốn vợ con có một cuộc sống sung sướng, anh đã bỏ ra 5.500 USD để sang Đức kiếm việc làm. Trải qua nhiều gian nan, nguy hiểm và bị bắt nhốt tù vì từ Việt Nam anh T. đi theo diện du lịch sang Nga. Sau đó, từ Nga tiếp tục đi đường bộ qua các nước để sang Đức.
Theo các cơ quan chức năng, tính đến chiều 27-10, ở Nghệ An và Hà Tĩnh đã có ít nhất 24 gia đình trình báo việc không liên lạc được với con em mình ở Anh trong mấy ngày qua.
Cứ như thế, ban ngày anh cùng nhóm người bị nhét vào một nhà kho trú ẩn và đêm đến lại được các đối tượng trong đường dây đưa người sang Đức lao động chui dẫn đi. Tuy nhiên, khi đến biên giới Ukraina thì nhóm người anh T. bị cảnh sát nước này bắt giữ.
Nhà chức trách Ukraina bắt giam trong nhà tù hơn 3 tháng rồi thông báo cho Đại sứ quán Việt Nam đến nhận. Nhóm người anh T. sau đó được các đối tượng trong đường dây bảo lãnh rồi tìm cách đưa sang Cộng hòa Séc và đến tháng 9-2004 mới vượt biên được sang Đức.
Anh N.Đ.T. kể lại hành trình vượt biên sang Anh suýt bị mất mạng
Sang đến Đức, anh T. nhập trại tị nạn và được trợ cấp 200 Euro mỗi tháng. Anh cho biết, ở trại tị nạn, nếu anh đồng ý sự sắp xếp của họ làm việc cho các nhà hàng thì sẽ được trả lương khoảng 800 Euro mỗi tháng. Tuy nhiên, do muốn có tiền nhiều, anh T. cũng như tất cả những người Việt Nam khác ở đây đã chọn cách trốn ra ngoài buôn thuốc lá lậu.
“Với công việc buôn bán thuốc lá lậu, nếu xui lắm mỗi tháng chúng tôi cũng kiếm được hơn 1.000 Euro, còn may mắn kiếm được khoảng 5.000 Euro. Ngoài ra, số tiền trợ cấp hàng tháng chúng tôi vẫn về lãnh bình thường” – anh T. kể.
Anh T. nói tiếp: “Sau một thời gian sinh sống và buôn thuốc lá lậu ở Đức, tôi và một người hàng xóm đã bàn nhau tiếp tục tìm cách vượt biên sang Anh vì ở đó kiếm được nhiều tiền hơn. Chúng tôi bỏ ra mỗi người 8.000 Euro thuê người đưa đến cảng Calais (Pháp) để tìm cách sang Anh.
Từ đây, chúng tôi đã tìm cách lên một chiếc xe chở hàng điện tử, bên trên được phủ bạt. Quá trình đó, lái xe không hề biết sự có mặt của chúng tôi đang len lỏi trong những thùng hàng. Sau khi xuống phà, vượt 36 cây số eo biển, chiếc xe chở hàng điện tử và chúng tôi trên đó đã sang đến nước Anh.
Khi vào đến nước Anh, tôi cố tình dùng tay đập vào bạt cho tài xế phát hiện nhưng anh ta tăng tốc độ, chở chúng tôi đến trụ sở cảnh sát giao nộp cho họ. Chúng tôi lại bị cảnh sát Anh bàn giao cho Đức và bị trục xuất về nước.
Quá trình tìm cách vượt biên sang Anh, tôi đã bị một nhóm người Thổ Nhĩ Kỳ chặn đường dùng báng súng đánh bầm dập, sau đó họ gí nòng súng vào đầu đòi bắn nhưng thấy tôi giả ngất xỉu nên mới bỏ đi. Bây giờ sống sót yên lành bên gia đình, tôi nghĩ rằng nếu ai đó cho tôi cả trăm tỷ đồng để thực hiện lại chuyến vượt biên sang Anh tôi cũng không dám".
(CAO) Mặc dù chưa có phát ngôn nào chính thức xác định về danh tính, quốc tịch của các nạn nhân trong vụ 39 người tử vong trong container ở Anh, nhưng hiện nay ở Hà Tĩnh và Nghệ An đã có nhiều gia đình trình báo với chính quyền địa phương về việc con mình bị mất liên lạc. Trong đó, một số gia đình đã lập bàn thờ cúng vọng con.