(CAO) Nghe tin người bạn của mình qua đời, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie và cũng là người đồng sáng lập trường THPT dân lập Lương Thế Vinh không khỏi xúc động. Và trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, thầy Khang vẫn luôn gọi PGS.TS.Văn Như Cương là anh.
(CAO) Sau hơn 3 năm chống chọi với căn bệnh ung thư gan, vào rạng sáng ngày 9-10, Phó Giáo sư Văn Như Cương (Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh, Hà Nội) đã qua đời ở tuổi 80.
Thầy Khang chia sẻ, từ khi nghe tin anh Cương qua đời, trong thầy hiện về rất nhiều những kí ức ngày cả hai cùng nhau thảo luận để đi đến quyết định thành lập một trường phổ thông của riêng mình; là những ngày cùng nhau tìm địa điểm trường, chọn tên trường và chọn cả đội ngũ giáo viên.
“Sự gắn bó giữa tôi với anh Cương chủ yếu trong công việc. Rạng sáng hôm nay anh qua đời, đành rằng “sinh tử lão bệnh” nhưng đó thực sự là một tin sốc không chỉ với gia đình mà cả với đồng nghiệp, các lớp học trò… dù nhiều người hiểu, sự ra đi đó không phải là đột ngột.
Bởi lẽ, cách đây gần 3 năm, anh Cương đã mang trong mình trọng bệnh nhưng với sự nỗ lực của bản thân, sự lạc quan yêu đời và khát vọng sống, anh đã sớm ổn định tinh thần để điều trị. Có thể nói, anh là người rất dũng cảm khi chống chọi bệnh tật trong nhiều năm nay”, thầy Khang tâm sự.
Nói rồi, thầy Khang chia sẻ, hai người cách nhau đúng 1 giáp. Thầy Cương sinh năm 1939, thầy Khang sinh năm 1949. Và thầy nhớ lại giai đoạn thành lập trường với biết bao kỉ niệm.
“Năm 1988 tôi và anh Cương có thư ngỏ gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục về việc thành lập một trường tư thục trên địa bàn thành phố Hà Nội. Khi đó, Bộ trưởng rất ủng hộ ý tưởng của chúng tôi và Bộ có chủ trương tổ chức một hội thảo để chúng tôi báo cáo dự án thành lập trường”, thầy Khang kể.
Ngày 11-8-1988, tại số 14 Lê Thánh Tông, Hà Nội, hai thầy đã trình bày dự án của mình trước đại diện của Bộ Giáo dục. Buổi hội thảo kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ (từ 8h – 11h) và đề án thành lập trường ngoài công lập nhận được sự nhất trí cao của hội nghị và đề nghị dùng khái niệm trường dân lập chứ không phải khái niệm trường tư thục như hai thầy đưa ra.
“Chúng tôi nhất trí, miễn là thành lập 1 trường riêng. Bộ có yêu cầu trong 1 tuần chúng tôi phải xác định 3 điểm: thứ nhất tên trường, thứ 2 dịa điểm thành lập trường, thứ 3 là đội ngũ giáo viên. Lúc ấy, hai anh em chúng tôi phấn khởi lắm”, thầy Khang chia sẻ.
Cũng theo thầy Khang, ngay trưa hôm đó, hai thầy hội ý với nhau, sáng hôm sau mỗi người phải đưa được ra một tên trường.
“Sáng hôm sau chúng tôi gặp nhau theo quy ước, tôi đưa ra 1 tên, anh Cương đưa ra 1 tên của trường.
Anh Cương hỏi tôi: “Cậu định đặt tên là gì?”, và tôi nói: "Em định đặt tên là Lương Thế Vinh”. Lúc này, anh Cương có hỏi vì sao tôi chọn tên trường là như thế, tôi cũng bảo rằng, trong lịch sử Việt Nam, về khoa học tự nhiên, Lương Thế Vinh là nhà toán học đầu tiên của Việt Nam mà tuổi thơ có rất nhiều giai thoại ấn tượng. Chính vì thế, việc đặt tên trường là Lương Thế Vinh rất thú vị. Và anh Cương cũng rất phấn khởi trước tên trường như thế”, thầy Khang nhớ lại.
PGS Văn Như Cương và vợ. Ảnh: Facebook Văn Thùy Dương
Tuy nhiên, theo quy ước, thầy Cương vẫn phải đưa ra một tên khác để chọn làm tên trường. Và tên thầy đưa ra là Nguyễn Trường Tộ - một nhà cách tân nổi tiến và rất ấn tượng trong không khí đổi mới của xã hội Việt Nam sau năm 1986.
Tuy nhiên, thầy Cương quyết định lấy tên Lương Thế Vinh như tên gợi ý của thầy Khang đưa ra.
Sau đó, thầy Khang liên lạc và làm việc với cố hiệu trưởng trường ĐH Tổng hợp khi đó và cũng nhận được sự ủng hộ của vị cố hiệu trưởng này về việc thành lập 1 trường tư thục. Và thầy sẵn sàng cho thuê cơ sở vật chất, thuê địa điểm. Có địa điểm rồi, có tên trường rồi, đội ngũ giáo viên lúc ấy tuyển rất dễ dàng.
Ngày 20-8-1988, Bộ Giáo dục có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội đề nghị cho phép thành lập trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh - là trường dân lập đầu tiên của Hà Nội.
Ngày 1-6-1989, trường Phổ thông dân lập Lương Thế Vinh được thành lập và tháng 9 năm đó khai giảng năm học đầu tiên.
“Tới giờ trường thành lập cũng gần 30 năm rồi, nhưng lúc này đây, khi nghe tin anh Cương qua đời, những kỉ niệm của gần 30 năm ấy lại đang sống lại trong tôi”, thầy Khang nghẹn ngào.