Làm đẹp cho đời bằng những tà áo dài truyền thống

Thứ Hai, 07/03/2022 12:06  | Huệ Trinh

|

(CAO) Mang theo hoài bão làm đẹp cho đời, cho người, chị Nguyễn Thị Mỹ Dung - chủ nhà may Áo dài Dung Nguyễn - không ngừng sáng tạo trong thiết kế cắt may áo dài, cũng như đào tạo ra những người thợ kế cận có tâm đức.

Đam mê bay bổng với áo dài

Tại buổi họp báo thông tin về “Lễ hội Áo dài TPHCM” năm 2022, nhiều quan khách ấn tượng với hai quầy cắt may áo dài tại chỗ được đặt ngay tại cửa chính của Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (đường Võ Thị Sáu, TPHCM). Quan tâm đến điều mới lạ này, chúng tôi đã tìm hiểu.

Mở đầu câu chuyện, chủ nhà may Dung Nguyễn (số 482/18 Võ Văn Kiệt, P.Cầu Kho, Q.1) vui vẻ chia sẻ: “Tôi học thiết kế về áo đầm, áo vét với một người thầy ở Nhật Bản. Nhưng sau ít năm làm nghề, mình nhận ra rất có cảm hứng với áo dài - bộ quốc phục của nước ta - nên bỏ công nghiên cứu và chuyển hướng.

Để có một chiếc áo dài truyền thống đẹp trong mắt nhiều người, đòi hỏi người thợ bên cạnh sự sáng tạo, còn phải khéo léo, cẩn trọng từng đường kim mũi chỉ, đồng thời phải phát hiện ra được ưu, nhược điểm trên từng cơ thể khách hàng.

Với niềm đam mê mãnh liệt, tôi luôn bay bổng với các thiết kế sáng tạo rất riêng và đã khẳng định được bản thân qua 15 hoạt động, cùng với một số giải thưởng do các đơn vị tổ chức về cắt may áo dài trao tặng”.

Áo dài tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam

Từng tham dự buổi biểu diễn và trao giải cho “Thiết kế áo dài giành cho người Big Size” do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức vào năm 2019, chúng tôi rất ấn tượng và thích thú với phần thiết kế cắt may đoạt giải Nhất do nhà may Dung Nguyễn thực hiện.

Bàn về giải thưởng này, chị Dung bày tỏ quan điểm rất đáng yêu, đồng cảm với các bà, các chị: “Sau khi lập gia đình, sinh con và lớn dần theo tuổi tác. Những cô gái mảnh mai, ba vòng đúng chuẩn đã dần thay đổi ngoại hình thành các mẹ bỉm sữa vai to, bụng ngấn mỡ, đó là một thiệt thòi rất lớn.

Yêu tà áo dài Việt Nam, yêu những người phụ nữ chịu thương, chịu khó, chịu nhiều hy sinh để sinh con, vun vén cho hạnh phúc gia đình mà xuống cấp về ngoại dáng, tôi quyết định phải làm cho họ đẹp lên trong mọi hoàn cảnh, thế là mày mò nghiên cứu, sáng tạo.

Kết quả, những mẫu thiết kế áo dài giành cho người Big Size ra đời đã nhận được sự yêu thích của nhiều khách hàng. Đặc biệt hơn, áo dài Big Size còn được trao giải Nhất tại cuộc thi sáng tạo do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức nên càng làm nguồn động viên cho các sáng tác thiết kế tiếp theo của tôi”.

Chị Mỹ Dung (thứ 3 từ trái sang) tham gia cuộc thi

Áo dài - biểu tượng mềm mại, kín đáo, lại luôn toát lên nét đoan trang, dịu dàng, kiều diễm cho nét đẹp người phụ nữ Việt Nam - lâu nay đã là nguồn cảm hứng sáng tạo cho rất nhiều nhà thiết kế, với chị Dung cũng vậy.

Chị hào hứng: “Nếu đam mê với công việc, lĩnh vực mà mình theo đuổi thì đi đến đâu, ở bất kỳ địa danh, hoàn cảnh nào, bạn cũng tìm ra được các ý tưởng mang lại nguồn cảm hứng sáng tạo bay bổng”.

Khi TPHCM trải qua 4 đợt giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, mọi hoạt động đều ngưng trệ hoặc nằm im chờ dịch qua đi thì chị Dung vẫn miệt mài với việc nghiên cứu công thức áo dài, đặc biệt là dạng áo dài xưa, với mong muốn sẽ thiết kế ra một mẫu mới không phải dạng ráp lăng, mặc vừa vặn, không rộng, có tính khả dụng cao nhưng vẫn giữ được nét xưa.

Chị Mỹ Dung đoạt giải Nhất thiết kế áo dài Big Size

Do yêu nghề, lại sáng tác không ngừng nghỉ nên đi đâu, đến chỗ nào, chị Dung cũng có thể bắt gặp những mảnh vải ưng ý và nghĩ ngay đến việc sẽ lên một cái áo dài như thế nào cho phù hợp. Bằng kiến thức và các công thức đã được đào tạo bài bản về thiết kế áo đầm, áo vét, chị Dung tận dụng đưa vào sáng tạo áo dài. Từ đó, các mẫu áo dài do chị thiết kế rất mới lạ, hoa văn, hoạt tiết, kiểu dáng, chất liệu đều được đặt đếm, sử dụng theo đúng ý đồ của chủ thể sáng tác.

Hương thơm để lại…

Trước câu hỏi “Hiện nay may công nghiệp có thể cho ra cùng lúc hàng trăm, hàng ngàn sản phẩm áo dài, liệu áo dài cắt may theo kiểu truyền thống có cạnh tranh nổi?”. Bà chủ nhà may Dung Nguyễn nhấn mạnh: “Áo dài cắt may theo kiểu truyền thống sẽ không bao giờ mai một, bởi nó đặc biệt ở chỗ sẽ cắt may theo bờ vai, số đo của mỗi người cho nên thành phẩm vừa vặn vóc dáng, che được nhược điểm, khoe được ưu điểm sẽ tôn lên vẻ đẹp hình thể của người mặc.

Áo dài công nghiệp luôn hạn chế về số người mặc đẹp nên dù giá có rẻ cũng không nhiều người chuộng, hay họ có thể tự tin diện vào những ngày lễ lớn, những dịp trọng đại được”.

Bằng chứng để chứng minh nhận định của chị Dung là nhiều năm qua dù ngành công nghiệp may phát triển mạnh mẽ, nhưng các tiệm may áo dài truyền thống vẫn đua nhau ra đời, các nhà thiết kế mới về áo dài liên tục xuất hiện và tạo nên tên tuổi như Tuấn Hải, Minh Châu, Liên Hương, Đức Minh... Tại TPHCM, nhiều năm qua có hẳn những con phố, nhiều ngôi chợ chuyên may và bán vải áo dài đã thành thương hiệu như Pasteur, Bến Thành, Bình Tây…

Theo chúng tôi được biết, ngoài việc tham gia nhiệt tình các chương trình về cắt may áo dài do Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ tổ chức, chị Dung còn tích cực với hoạt động có ý nghĩa của Hội Phụ nữ quận 1 và đã gửi tặng nhiều sản phẩm áo dài của mình đến những người có khó khăn hoặc kém may mắn.

Chị chia sẻ: “Tôi tham gia rất nhiều chương trình ở Quận hội quận 1, như “Áo dài yêu thương” và nhà may Dung Nguyễn đã gửi tặng hơn 200 bộ cho chương trình, cho các lớp học, cho các bạn chuẩn bị bước vào hôn nhân mà gặp khó khăn về kinh tế, không may nổi bộ áo dài truyền thống cho ngày lễ trọng đại”.

Khi chúng tôi hỏi chị đã trao đi và nhận lại được gì? Chủ nhà may Dung Nguyễn reo vui từ giọng nói, đến ánh mắt: “Quan điểm sống của tôi là thích mang niềm vui lại cho mọi người. Cái niềm vui được chia sẻ đó tôi vui rất lâu. Nhất là khi nhìn ngắm người nhận sản phẩm của rất xúc động, ánh mắt đầy hàm ơn”.

Có lẽ lấy chia sẻ làm hạnh phúc nên chị Dung luôn luôn tham gia các hoạt động thiện nguyện khi có thể. Chẳng hạn đầu mùa dịch vừa qua, nhà may Dung Nguyễn đã làm một việc hết sức có ý nghĩa đó là giảm giá sâu 50% giá tiền một bộ áo dài cho các chị em làm công tác vệ sinh đường phố. Theo đó, mỗi bộ áo dài chỉ còn giá 200.000 đồng, nhưng là thiết kế riêng theo số đo của từng người.

Chị Mỹ Dung với quầy may áo dài tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Áo dài của chị Dung còn đặc biệt ở chỗ, thông thường tà áo luông tay đã được thay thế bằng một đường thêu rất đẹp mắt. Nhận được những bộ áo dài đặc biệt như vậy, những nữ công nhân chuyên làm đẹp cho đường phố cảm thấy thật xúc động.

Chị Phạm Thị Thu Hương- Hội Phụ nữ quận 1 nhận xét: “Chị Dung sinh hoạt trong Hội nữ Doanh nhân Phụ nữ quận 1. Đây là mẫu phụ nữ rất nhân ái, tình cảm, biết lắng nghe, chia sẻ với người xung quanh. Ngoài việc tặng, giảm giá bán áo dài, chị Dung còn có nhiều hoạt động giúp đỡ, tặng quà những hộ khó khăn vào các dịp lễ Tết. Trong giai đoạn TPHCM giãn cách phòng chống dịch bệnh Covid-19, chị đã ủng hộ tiền bạc, nhu yếu phẩm hỗ trợ đội ngũ chống dịch rất nhiệt tình. Địa phương rất hoan nghênh khi có những doanh nhân có nhiều nghĩa cử đẹp như thế”.

Khi trao đổi với chúng tôi, chị Mỹ Dung còn gửi gắm tâm nguyện từ nhiều năm qua là sẽ truyền nghề cho tất cả những bạn nào gia đình khó khăn về kinh tế mà muốn có cái nghề để mưu sinh. Chị bảo sẵn lòng dạy miễn phí, thậm chí còn dạy cuốn chiếu để học trò sớm ra nghề, dựa vào sức mình để kiếm sống tự tin.

Đặc biệt, khi học trò học ra nghề, chị rất vui mừng nếu các bạn chọn ở lại tiệm làm việc. Bởi, nguồn đặt may áo dài của chị rất vô tận nên không lo thiếu khách. Với học trò nữ chị càng ưu ái hơn, vì luôn luôn muốn chị em phụ nữ phải tự tin, sống độc lập, không phụ thuộc vào chồng con mà sứt mẻ hạnh phúc.

Chỉ về phía mấy em đang đứng tại quầy, chị Dung tự hào: “Mấy em ấy đều có tiệm may cá nhân của mình hết rồi nhưng vì hôm nay cô tham gia Lễ hội nên vì quý cô mà quay về phụ giúp. Có được tấm chân tình như vậy là do trong quá trình đào tạo các em, mình không giấu nghề, sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì mình có và còn gợi ý cho các em tham khảo thêm ở sách này, phương tiện kia để nâng cao tay nghề. Do đó, học trò của mình chưa có em nào phải đi làm thuê, đã ra nghề là mở tiệm được ngay”.

Được biết, ngoài truyền nghề tận tâm, chị Dung còn chỉ bảo thêm cho học trò về nhân cách sống nên được các em rất quý trọng. Bộc bạch về điểm này, chị nói: “Trước đây người thầy đã hướng đạo cho mình rất nhiều về nhân cách sống. Từ đó, mình cũng muốn học trò của mình ngoài thạo nghề, còn phải biết đạo lý làm người, biết chia sẻ để cuộc sống”.

Nói về người thầy của mình, em Kim Ngọc chia sẻ: “Cô rất nghiêm nhưng vô cùng ấm áp. Cô dạy tất cả, không giấu nghề và còn hướng đạo cho chúng em thêm nhân cách sống, đạo lý làm người, biết chia sẻ để cuộc sống xung quanh sẽ cùng tươi đẹp hơn”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang