Làm gì khi bị “khủng bố” đòi nợ dù không vay tiền?

Chủ Nhật, 13/08/2023 16:18

|

(CAO) Thậm chí, có người khi bị khủng bố đòi nợ còn không biết là mình quen người vay tiền.

Thời gian gần đây, tình trạng các đối tượng tự xưng là nhân viên các công ty tài chính gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa theo kiểu khủng bố để gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ xảy ra phổ biến, đặc biệt các đối tượng gọi điện, nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... của người vay để tạo áp lực, gây bức xúc trong cơ quan, doanh nghiệp và ảnh hưởng đến tình hình ANTT.

Ứng dụng (App) vay tiền trực tuyến thực chất là một App cho vay tín chấp. Người vay không cần có tài sản bảo đảm, chỉ cần cung cấp một số giấy tờ như Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, Sổ hộ khẩu, thông tin liên lạc của người thân, bạn bè, đồng nghiệp... là đã có thể vay được tiền.

Người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Việc vay tiền qua App rất thuận lợi, nhanh chóng. Hiện nay, có rất nhiều App cho vay tiền trực tuyến, nhìn chung được phân thành hai dạng: App vay tiền trực tuyến của các tổ chức tín dụng hợp pháp và App vay tiền trực tuyến không phải là các tổ chức tín dụng cho vay tiền núp bóng dưới hình thức “tín dụng đen” với lãi suất cắt cổ.

Nếu người vay quên hoặc cố tình không thanh toán tiền vay thì người thân, bạn bè, đồng nghiệp,... của người vay sẽ bị “khủng bố” bằng điện thoại, tin nhắn,... với giọng điệu từ nhỏ nhẹ đề nghị nhắc nhở người vay trả nợ đến đe dọa, khủng bố, bêu xấu trên các trang mạng xã hội…

Thậm chí, có người khi nhận được điện thoại còn không biết là mình quen người vay tiền, bởi lẽ số điện thoại của họ được thêm vào một cách ngẫu nhiên để hợp thức hóa hồ sơ vay, trong khi thực tế không có mối quan hệ nào.

Đủ mọi hình thức uy hiếp những người không liên quan để đòi nợ

Việc đòi nợ qua điện thoại này đã làm không ít người cảm thấy phiền hà, bức xúc và ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, thậm chí hoang mang sợ hãi bởi những lời lẽ uy hiếp, đe dọa, khủng bố và xúc phạm của các đối tượng đòi nợ.

Công an TP Hải Phòng vừa đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn người dân một số biện pháp xử lý khi bị các đối tượng gọi điện, nhắn tin “khủng bố” đòi nợ mặc dù không vay tiền, cụ thể như sau:

1. Trước hết cần phải bình tĩnh xử lý, giải thích ngắn gọn về việc không quen biết người vay hoặc không có trách nhiệm với khoản nợ mà các đối tượng đề cập; đồng thời, hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ và yêu cầu cung cấp các chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng).

2. Thông báo, hướng dẫn cách xử lý cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình khi bị các đối tượng đòi nợ gọi điện, nhắn tin làm phiền với nội dung như trên.

3. Sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền của các đối tượng đòi nợ. Đối với các trang Facebook cá nhân có thể khóa các bình luận của người lạ.

4. Nếu tình trạng bị làm phiền kéo dài, thậm chí đến mức bị “khủng bố” điện thoại, người dân có thể trình báo đến cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin của bản thân cho các đối tượng gọi điện đòi nợ như: thông tin về giấy tờ tuỳ thân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống…

Để vừa đảm bảo nhu cầu vay tiền, vừa bảo vệ người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, người dân khi có nhu cầu phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay với các hình thức phù hợp.

Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cần yêu cầu cán bộ, công nhân viên chức, người lao động trong đơn vị mình không vay qua app không rõ nguồn gốc, không được nhân danh đơn vị hoặc cung cấp số điện thoại của cơ quan, đồng nghiệp để vay tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang