Chính sách đặc xá thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) có 8.055 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù và 01 người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện, được Chủ tịch nước đặc xá.
Theo Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an, trong số 8.056 người được đặc xá lần này có 741 phạm nhân phạm các tội về xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; 25 phạm nhân là người nước ngoài thuộc 09 quốc tịch khác nhau.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Văn Tuyến, tổng số phạm nhân hiện nay trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giam giữ của Bộ Công an có khoảng 190.000 phạm nhân và con số này thay đổi thường xuyên. 8.056 người đang cải tạo được đặc xá lần này chiếm khoảng trên 4% tổng số phạm nhân đang bị giam giữ.
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2018 và các văn bản pháp luật liên quan.
Xuất phát từ truyền thống nhân đạo của dân tộc, Đảng và Nhà nước, tính từ năm 2009 đến nay, Chủ tịch nước đã quyết định thực hiện 10 đợt đặc xá tha tù trước thời hạn cho gần 100.000 phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng, xã hội.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM trao quyết định đặc xá cho phạm nhân
Chính sách đặc xá thể hiện sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội, khuyến khích họ hối cải, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội. Đồng thời, đặc xá cũng là sự ghi nhận kết quả cải tạo, chấp hành tốt các nội quy, quy định của phạm nhân; là kết quả của quá trình giáo dục, cải tạo phạm nhân, thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa trại giam, gia đình, các cơ quan liên quan và toàn xã hội trong việc thực hiện chính sách hình sự của Đảng, Nhà nước.
Tổ chức chu đáo công tác đặc xá
Đợt này, CA.TPHCM đã tổ chức đặc xá cho 146 phạm nhân có đủ điều kiện được hưởng đặc xá (Trại tạm giam Chí Hòa có 123 phạm nhân và Trại tạm giam Bố Lá có 23 phạm nhân). Đây là những phạm nhân có nhiều cố gắng, tiến bộ, thực sự ăn năn, hối cải, tích cực học tập, lao động, trong quá trình cải tạo; đảm bảo đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn.
CA.TPHCM đã tổ chức rất chu đáo đợt đặc xá lần này. Từng phạm nhân được trao tận tay Quyết định đặc xá, thẻ căn cước công dân, quần áo mới, cùng tiền tàu xe và các hành trang cần thiết để trở về gia đình, quê nhà. Trước đó, các phạm nhân được đặc xá dịp này đều được lãnh đạo trại giam hỗ trợ liên lạc với gia đình để thông báo tin vui. Đối với những ai không có người thân đến đón, trại giam sẽ hỗ trợ đưa họ ra bến xe về lại địa phương.

Công an TP.Hà Nội cấp kinh phí và trang phục mới cho người được đặc xá
Tại trại giam Bố Lá (thuộc CA.TPHCM), phạm nhân Phan Tấn Tài (SN 1999, ngụ H.Củ Chi, TPHCM cho biết, đã thao thức nhiều đêm, đợi chờ ngày đoàn tụ với gia đình. Với tội danh gây rối trật tự công cộng, chịu án phạt 02 năm 06 tháng, Phan Tấn Tài đã ở trại giam 1 năm 3 tháng 2 ngày, được giảm án gần nửa thời gian. Đây là khoảng thời gian khá dài đủ để Tài nghiền ngẫm lại bản thân. "Cảm ơn Đảng và Nhà nước, Ban giám thị đã tạo điều kiện cho tôi bắt đầu lại cuộc đời mới. Tôi hứa sẽ không phụ sự tin tưởng này, cố gắng hòa nhập và trở thành công dân tốt" - anh Tài tâm sự.
Sáng 01/5, trại giam Xuân Lộc (Bộ Công an) tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá của Chủ tịch nước cho 206 phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, gồm 157 nam và 49 nữ.
Đại tá Nguyễn Anh Dũng, giám thị trại giam Xuân Lộc chúc mừng các phạm nhân được đặc xá đợt này. Theo ông Dũng, các phạm nhân đã trải qua một thời gian khó khăn, vất vả để trả giá cho lỗi lầm, sai trái từng gây ra.
"Tuy nhiên đó cũng là những năm tháng khắc cốt ghi tâm, không cho phép mình sa ngã trước cám dỗ, lấy ý chí đã được rèn dũa, tôi luyện trong gian lao mà vượt qua khó khăn, vững vàng hơn trước mọi sóng gió cuộc đời", đại tá Dũng nhắn nhủ với các phạm nhân được đặc xá.
"Nếu quá khứ là một chuỗi sai lầm - hãy biến nó thành kinh nghiệm, hãy vươn lên sau vấp ngã bằng sự tự tin và lòng tự trọng" - đây là dòng chữ được in lớn trên bảng trong hội trường phòng giáo dục phạm nhân tại Trại giam số 6 của Bộ Công an (trụ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An).
Mỗi phạm nhân vào thụ án ở đây, cũng như nhiều trại giam giữ khác, là một câu chuyện, một hoàn cảnh. Mỗi người trong họ, nếu cải tạo tốt, vượt qua thử thách sau vấp ngã, khát vọng trở thành người lương thiện, sống hữu ích cho mình, cho gia đình, cho xã hội đều được xem xét giảm án. Nhiều trường hợp chấp hành án chỉ mới được 1/3 vẫn có thể được tha tù trước thời hạn, nếu cải tạo tốt.
Đặc xá thúc đẩy và bảo vệ quyền con người
Kết quả của các đợt đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước những năm qua đã được nhân dân trong nước đồng tình và dư luận quốc tế đánh giá cao, khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù. Đặc xá đối với các phạm nhân có đủ điều kiện theo quy định có tác dụng khuyến khích những người bị kết án phạt tù đang chấp hành bản án tích cực học tập, lao động, chấp hành tốt các quy định, nội quy trại giam, lập công chuộc tội để mong được hưởng khoan hồng, sớm trở về đoàn tụ với gia đình và cộng đồng.
Đặc xá tha tù trước thời hạn góp phần giảm chi ngân sách Nhà nước, giảm áp lực cho các trại giam, tạo điều kiện cho các trại giam nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục cải tạo phạm nhân, chuẩn bị các cơ sở cần thiết cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng khi mãn hạn tù.
Về chính trị, việc công khai, dân chủ trong thực hiện các trình tự thủ tục xét đặc xá, việc thông tin đầy đủ cho các cơ quan thông tấn báo chí trong nước, quốc tế và tổ chức các đoàn cơ quan đại diện nước ngoài, phóng viên trong và ngoài nước tới các cơ sở giam giữ đã thể hiện rõ tính minh bạch trong thông tin, đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ và thừa nhận chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, góp phần quan trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, bôi nhọ, vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền. Việc đặc xá cho những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta.
Không chỉ tổ chức các đợt đặc xá tốt, việc đưa người được đặc xá trở lại cộng đồng có cơ hội phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội và không tái phạm, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội đã làm tốt công tác giúp họ hòa nhập cộng đồng.
Ngày 7/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 76/CĐ-TTg yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội ở địa phương tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thi án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng. Tiếp tục theo dõi, quản lí, giáo dục, giúp đỡ, dạy nghề và tạo việc làm cho người được đặc xá trở về cộng đồng xóa bỏ mặc cảm, làm ăn lương thiện, hạn chế tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Quan tâm giúp đỡ họ vay vốn làm ăn, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Đây là công điện rất nhân văn của Chính phủ, yêu cầu các cấp giúp các phạm nhân được đặc xá nhanh chóng tái hòa nhập với cộng đồng. Trước đó, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTD ngày 17/8/2023 về việc cho vay tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù nhằm tạo điều kiện giúp những người lầm lỗi có nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Tính đến hết năm 2024, đã có hơn 6.000 người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá nhận được vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền trên 500 tỉ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống. Tỉ lệ người được đặc xá tái phạm tội rất thấp, lần đặc xá gần đây nhất năm 2022, tính đến nay mới có 2 người trong tổng số 2.438 người được đặc xá tái phạm tội, chiếm tỉ lệ 0,08%.
Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2025 một lần nữa khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người một cách công bằng, bình đẳng đối với mỗi công dân, kể cả những người đang chấp hành án phạt tù.