(CAO) Tận dụng phần đất bãi bồi cạnh sông Châu Đốc, ông Phạm Văn Cường (64 tuổi, ngụ khóm Vĩnh Chánh 1, phường Vĩnh Nguơn, TP.Châu Đốc, An Giang) chất chà dụ cả chục tấn cá thiên nhiên về để ngắm như thú cưng.
Ngồi ngắm đàn cá tra đang ăn mồi, ông Cường kể: Vợ chồng ông có tổng cộng 4 người con. Trước kia, ông làm nghề chở cát đá mướn để san lấp công trình. Nghề này giúp ông nuôi các con khôn lớn và ăn học.
Sau khi cảm thấy sức khỏe kém đi ông lên bờ mở trại cưa để kinh doanh các loại gỗ. Nhờ thuận lợi trong việc làm ăn, tích lũy được vốn ông mua được hơn 3 héc-ta đất. Từ ngày thấy các con đều thành đạt ông dành ít tiền và công sức đi làm việc thiện.
Đống chà rộng 500 m2 được ông Cường làm nơi ở cho đàn cá tra.
Năm 2004, sau khi xây căn nhà ông Cường tận dụng phần đất bãi bồi rộng khoảng 500 m2 mặt nước cạnh sông để chất chà dụ cá. Trên bề mặt đống chà ông cất lên căn nhà lá để trưa chiều ra đây hóng gió. Hàng ngày, ông rải thức ăn xuống đống chà để nhử cá thiên nhiên vào để ngắm. Tuy nhiên 2 năm đầu, thường xuyên bị dân xuyệt điện đến rà bắt nên cá vào chẳng được bao nhiêu.
Thấy mục đích nhử cá vào ngắm của mình không đạt, ông Cường quyết định bỏ ra số tiền hơn 100 triệu đồng để xây hàng rào quanh đống chà, nhằm bảo vệ đàn cá. Thế là ông mua nào tre, chà, trụ bằng cây sao để rào chắn. Thế là những năm sau đó, cá kéo đến đống chà của ông tăng lên đáng kể.
Nói về các loài và số lượng cá dụ được, ông Cường bộc bạch: “Trong đống chà có các loài cá như: cá tra, chài, thác lác cườm, chép, chim trắng, mè vinh; trong đó phần lớn là cá tra với số lượng hơn 10 tấn. Mỗi khi tôi cho ăn, cá tra nổi dày mặt nước, mỗi con đều đạt trọng lượng từ 5-7kg”.
Ông Cường vuốt cá lúc đang ăn thức ăn.
Nói xong ông Cường liền lấy thức ăn trong bao rải cho đàn cá thiên nhiên. Lúc này, bầy cá nhảy lên giành thức ăn trắng xóa mặt nước và trông rất thú vị. Sau đó, ông Cường đứng dưới nước đàn cá vây lấy ông như người bạn. Ông Cường vuốt đầu, sờ mình cá rất dễ dàng như những con thú cưng.
Đầu năm 2018, gia đình ông Cường đã mở rộng nhà mát cất trên nền mặt đống chà và chừa khoảng không gian ở giữa để bạn bè, du khách đến chơi vừa nói chuyện vừa ngắm cá. Ông Cường chia sẻ: “Tính ra tôi nuôi đàn cá này đã 14 năm nhưng chưa bao giờ bắt con cá nào lên làm thịt. Từ khi đi làm từ thiện là tôi đã xác định nghỉ làm ăn, về nhà vui thú tuổi già bằng cách ngắm cá. Tôi cưng cá nên chúng nó đến đây ở ngày một nhiều”.
Do đàn cá dụ được vào đống chà hiện nay quá nhiều nên ông Cường chỉ cho chúng ăn cầm chừng. Hiện mỗi ngày ông chỉ cho cá ăn 1 bao thức ăn (loại 25kg) với chi phí 280 ngàn đồng, thay vì thông thường phải từ 5-7 bao. Đàn cá tăng lên đột biến chỉ mới 3 năm nay.
Đến nay đàn cá ông Cường dụ được lên đến hơn chục tấn.
Ông Cường lý giải: “Sở dĩ tôi biết được cá vào thêm bởi cá đến ở trước đã lớn và đuôi ngắn, còn mới vào ốm, nhỏ, đuôi dài hơn. Chung quanh đống chà của tôi có nhiều người đặt dớn nhưng chưa thấy con cá nào bị bắt. Chúng rất khôn và như biết được đống chà của tôi là nơi trú ẩn an toàn”.
Mấy ngày gần đây, thấy nhiều người hiếu kỳ đến xem đàn cá nên có người mở lời rủ khai thác du lịch nhưng ông Cường từ chối.
Theo ông Cường, thời gian qua nhiều người mua cá phóng sinh nhưng không thể bảo vệ, còn cách làm của ông sẽ giúp đàn cá được an toàn. Tính đến nay có hơn 1.000 người đến nhà xem đàn cá của ông.
Anh Phan Thanh Bùi (ngụ khóm Vĩnh Chánh 2, phường Vĩnh Nguơn) bộc bạch: “Ông Cường bỏ mồi dụ toàn cá thiên nhiên vào, chứ không hề thả con cá nào vào đống chà của mình. Mục đích chính của ông Cường nhằm kêu gọi ý thức bảo vệ nguồn cá thiên nhiên. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đi cứu trợ, cất nhà, xây cầu… hết sức ý nghĩa”.