Cận cảnh núi kinh hoàng ở Rào Trăng khiến hàng chục người gặp nạn, mất tích

Thứ Tư, 14/10/2020 23:06

|

(CAO) PV Báo Công an TPHCM đang có mặt ở khu vực hiện trường vụ sạt núi ở thủy điện Rào Trăng 3 và Trạm bảo vệ rừng 67 khiến nhiều người của thủy điện và đoàn cứu hộ bị vùi lấp; ghi nhận công tác cứu hộ...

Như Báo Công an TPHCM đã thông tin, chiều 14-10, lực lượng chức năng do Công an tỉnh Thiên – Huế và Công an TX.Hương Trà làm chủ lực đã cứu được 19 người là cán bộ, nhân viên của Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 và Nhà máy thủy điện Rào Trăng 4. Cụ thể có 2 chuyên gia người Ấn Độ và 17 người Việt Nam (trong đó có một phụ nữ).

Trên đống đổ nát, một vài chiếc máy xúc bị lật do sạt lở

Từ sáng 14-10, ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế và Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn – Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cùng hàng trăm cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an đã vượt đường rừng, di chuyển bằng ca nô, xuồng máy tiếp cận khu vực các nhà máy thủy điện để thực hiện cứu hộ cứu nạn.

Sau khi được chính quyền, lực lượng Công an đưa toàn bộ 19 người ra ngoài an toàn, mọi người vỡ òa sung sướng như vừa thoát khỏi tử thần. Nhiều ngày qua, mọi người bị cô lập, sống khó khăn, túng thiếu do bị ách tắc giao thông, cô lập giữa rừng, không có sóng điện thoại... Tất cả an toàn, không ai bị thương nhưng lương thực thực phẩm, nước uống cũng vừa cạn kiệt…

Khi đã lên bờ an toàn, 2 chuyên gia người Ấn Độ cũng nói được tiếng Việt, rối rít cảm ơn lãnh đạo UBND tỉnh, lực lượng Công an và các đơn vị khác. Mọi người được Công an về trụ sở Công ty CP Thủy điện Rào Trăng tại Khu đô thị An Cựu City (TP.Huế) để chăm sóc, nghỉ ngơi.

2 chuyên gia người Ấn Độ cung cấp danh tính sau khi được lực lượng Công an giải cứu thành công.

Các lực lượng chức năng (hướng tiếp cận theo Tỉnh lộ 11B từ xã Phong Xuân do lực lượng Quân khu 4 làm chủ lực) đã tiếp cận được hiện trường vụ sạt lở núi là Trạm bảo vệ rừng 67 (cách Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 hơn 2km), nơi đoàn cứu hộ 13 người mất tích (trong đó có Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4; các lãnh đạo Cục, Phòng, Tham mưu, Đại đội trưởng… của Quân khu 4; lãnh đạo, cán bộ Tỉnh đội Thừa Thiên – Huế; ông Nguyễn Văn Bình – Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, mới được bổ nhiệm chức vụ 45 ngày; một phóng viên Cổng thông tin điện tử tỉnh Thừa Thiên – Huế...).

Khung cảnh thật kinh hoàng. Khắp nơi tan hoang, đổ nát, bùn và đá lẫn lộn. Khu nhà điều hành không còn dấu tích gì vì bị hàng nghìn khối đất đá vùi lấp. Để tiếp cận hiện trường, Bộ chỉ huy tìm kiếm cứu nạn huy động hàng trăm xe cơ giới, xe đặc chủng để mở đường, lội bùn đất ngập ngang đầu gối.

Trên đống đổ nát, một vài chiếc máy xúc nằm trơ sắt. Một số máy xúc vẫn đang hoạt động được và đang nỗ lực đào bới đất để tìm kiếm người mất tích. Nhiều phương án khác để tìm kiếm các nạn nhân đã được thực hiện như bay flycam, lội bộ tìm kiếm… nhưng vẫn chưa phát hiện thêm thi thể nào. Theo nhận định, có khả năng còn các thi thể ở bên dưới hàng nghìn khối đất đá hoặc đã trôi dạt ra các lòng hồ thủy điện. Khoảng 17 giờ, lực lượng cứu hộ phải tạm dừng do các nhà máy thủy điện xả nước qua đập, trời tối, địa hình phức tạp, hiểm trở.

Đống đổ nát vụ lở núi.
Hàng nghìn khối đất đá.
Sạt lở kinh hoàng.
Lực lượng cứu hộ sử dụng flycam tìm kiếm nạn nhân.
Người nhỏ bé trên đống đất đá sạt lở.
Lực lượng Công an tiếp cận hiện trường.
Lực lượng Công an tiếp cận hiện trường.
Lực lượng cứu hộ nâng phao cứu sinh.
Lực lượng Công an trèo lên đống sạt lở tiếp cận hiện trường.
Một số máy múc trong nhà máy thủy điện vẫn hoạt động được và được sử dụng để tìm kiếm người mất tích.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế trao đổi với lãnh đạo Nhà máy Thủy điện và các lực lượng cứu hộ.
Các máy móc bị sạt lở làm hư hỏng, tan hoang.
Thiết bị cứu hộ do lực lượng Công an sử dụng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang