(CAO) Sáng 15-10, trụ sở Sở Lao động - Thương binh & Xã hội TPHCM khác lạ với ngày thường bởi sự có mặt của những em nhỏ. Đó là 35 em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha mẹ trên địa bàn, được nhận bảo trợ đến 18 tuổi.
Nhiều em còn quàng khăn quàng đỏ, áo trắng tinh khôi đi cùng người thân tới dự. Nghe bài ca về tình cha mẹ trong khán phòng, một số em nhỏ một, hai tuổi chưa hiểu chuyện vẫn còn hớn hở, khiến những người lớn tham dự ai cũng bùi ngùi và xót xa.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP cho biết, đại dịch Covid-19 lần thứ tư diễn ra trên địa bàn TP từ 27/4/2021 đến nay đã hơn 05 tháng, đây là đại dịch lây nhiễm bệnh chưa từng có tiền lệ, trên 400 ngàn người nhiễm và trên 15 ngàn người tử vong. 1.500 trẻ em phải mồ côi cha, mẹ, có em là học sinh tiểu học, có em đã bước vào cấp ba; thương tâm hơn, có em chỉ vài tuổi thậm chí còn rất nhỏ để có thể hình dung được hình ảnh cha, mẹ mình sau này.
Thiệt hại tình cảm nặng nề nhất khi riêng Q.8 là 1.320 cháu mồ côi, tiếp theo là Q.Bình Tân và các quận, huyện ven đô. Các cháu hiện bị sang chấn tâm lí rất lớn sau sự ra đi đột ngột của người thân...
Sở Lao động-Thương binh & Xã hội TP đã kêu gọi mọi sự chung tay đỡ đầu cho gần hai nghìn cháu bị mồ côi; quan tâm, phụng dưỡng 381 người già cô đơn, bị đại dịch cướp đi người thân.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở LĐTBXH trao biểu trưng cho các em nhận bảo trợ
Mặc bộ đồ học trò, cháu N.H.T.P, học sinh lớp 7, trường Trần Quốc Tuấn (Q.7) đến buổi nhận hỗ trợ với người cô ruột là chị Huỳnh Thị Liễu. Sau khi cả cha mẹ qua đời, lúc trước cháu ở với nội, sau đó cháu về ở với cô Liễu. Ngồi bên cạnh cô ruột, cháu P buồn lắm, phía sau đôi mắt trong veo ánh lên những nỗi niềm khó tả. Hoàn cảnh của cô Liễu cũng không dư dả gì, nhưng tình cảm với cháu thì không bao giờ thiếu hụt.
Cháu P. cùng cô ruột tại buổi lễ
Đáng thương nhất là hoàn cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ của bốn chị em P. Y. N (SN 2001, ngụ P. Tân Thới Nhất, Q.12). N hiện đã nghỉ học, em đến dự cùng em ruột là P. N. Y. H (SN 2011), học sinh lớp 5. Người chị cả 20 tuổi nhớ như in ngày cha mẹ mất là 30-9, nhưng các em của N thì không thể mường tường được nỗi đau này.
Sau khi cha mẹ mất, bốn chị em nương tựa vào nhau, chính quyền và bà con lối xóm thương tình, luôn hỗ trợ, quan tâm và chăm sóc các em. Cũng may, ông bà ngoại sống cùng người cậu ở gần đó, cũng hay qua chăm sóc các cháu. Bây giờ trách nhiệm của N vừa là chị, vừa là cha, mẹ của đàn em nheo nhóc.
Cháu P.N.Y.H (bìa phải)
Với trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, luôn mong muốn mang lại những điều tốt đẹp cho xã hội và nhất là đối với những hoàn cảnh vô cùng thương tâm của các em nhỏ mồ côi do đại dịch, Điện lực TPHCM đã nhận bảo trợ cho 35 em có cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ hoặc người nuôi dưỡng trực tiếp mất do nhiễm Covid-19 có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TPHCM.
Chương trình bảo trợ được bắt đầu từ tháng 10-2021. Mỗi em sẽ nhận học bổng trị giá 24 triệu đồng/năm (2 triệu đồng/1 tháng), dự kiến tổng kinh phí cho chương trình bảo trợ này là 7 tỷ đồng.
Tại buổi lễ ký kết bảo trợ, ông Nguyễn Văn Thanh – Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết, để các em và gia đình vững tin trong tương lai, không phải lo lắng về chi phí học tập, EVNHCMC cam kết thực hiện chương trình dài hạn đến năm các em đủ 18 tuổi, giúp các em có đủ điều kiện học tập, động viên các em có niềm tin trong cuộc sống tươi đẹp này.
Ngay lúc này đây, các em là những đứa trẻ gánh chịu những tổn thất về tinh thần, sức khỏe nặng nề nhất khi mất cha, mẹ. Không gì có thể bù đắp cho sự mất mát quá lớn này. Rồi đây, tương lai ở phía trước các em phải tự mình lo liệu, sắp xếp khi không còn cha, mẹ như những trẻ em khác.
Sẽ còn nhiều hoàn cảnh khó khăn khác của các em nhỏ mồ côi. Chính lúc này, chúng tôi mong mỏi có thật nhiều tấm lòng vàng cùng đồng hành để các em tiếp tục đến trường, vững bước trong tương lai.