Ngày Tết về ăn bánh tổ của người Hoa ở Chợ Lớn

Thứ Hai, 19/02/2018 16:02

|

(CATP) Ngày Tết, nếu như người Việt có những món ăn đặc trưng như thịt kho hột vịt, khổ qua hầm, giò chả, bánh mứt... cúng dâng tổ tiên, ông bà thì đối với các gia đình người Hoa sinh sống lâu đời ở đất Sài thành, không thể thiếu món bánh tổ trong nhà.

Khi đường phố xuất hiện những cơn gió se lạnh ngày cuối năm, cũng là lúc thấy bánh tổ đầy trên các sạp khắp khu Chợ Lớn.

Ký ức tuổi thơ ngày Tết

Bánh tổ đọc theo âm tiếng Hoa là “nián gao”, là từ đồng âm khác nghĩa, có nghĩa là năm mới cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn năm cũ. Vì vậy, bánh tổ là món không thể thiếu trên bàn thờ của người Hoa trong dịp xuân đến.

Cùng tên gọi, cũng nếp, cũng đường nhưng bánh tổ của người Hoa khác hẳn bánh tổ của người dân xứ Quảng. Bánh tổ của người Hoa có hai loại: màu trắng và màu vàng. Loại màu trắng sử dụng đường cát trắng, có nơi sử dụng đường phèn. Loại màu vàng sử dụng đường tán.

Hàng năm, cứ khoảng 22 tháng chạp, má tui lại lo mua nếp, đường để ba tui phụ làm bánh tổ. Ba tui chê bột nếp làm bánh không ngon, nên từ đêm hôm trước má tui đã ngâm nếp rồi sáng hôm sau đem ra tiệm cô Tám ở phía sau chợ Cây Gòn để xay thành bột. Má xách theo một cái thùng nhựa đựng nếp và một cái túi vải trắng. Tui lúc đó chừng 12 - 13 tuổi, đi theo má để phụ khiêng thùng bột.

Sau khi đổ nếp vào máy xay, cô Tám lấy túi vải đặt trong cái thùng để hứng luôn nước bột chảy ra. Cô Tám kéo cái cầu dao điện khởi động máy, vừa xay vừa đổ nước vô cối. Sau khi xay xong, cô Tám quấn miệng túi vải lại, tui phụ má xách một bên quai thùng, hai má con ì ạch xách thùng bột về nhà. Sau đó, má để cái túi bột vô cái rổ bự, dằn cái thớt cây cũng thiệt bự lên để nước chảy bớt ra, công đoạn này gọi là bồng bột. Khi bột đã bồng xong, tới phiên ba tui làm bánh.

Bánh tổ món ăn truyền thống không thể thiếu của cộng đồng người Hoa ở Chợ Lớn​

Ba nấu nước đường rồi cho bột nếp vô trộn kỹ cho đến khi bột thật mịn, lấy cái vá múc bột đưa lên cao, rồi nghiêng cái vá cho bột nhiễu xuống từng sợi như những sợi mì vàng mịn. Ba làm kỹ lắm, chan nước đường vào bột từng chút một, quậy từ từ. Khó nhất là bột bị ốc trâu, phải lấy muỗng cà từng chút cho đến khi bột thật mịn. Khuôn bánh tổ là cái ống nhôm rỗng hai đầu, phải lấy bịch nylon bọc một đầu lại làm đáy khuôn, rồi cột thun cho thiệt chặt. Đám nhỏ tụi tui rất thích công việc này.

Nhà cửa lúc này thiệt là bừa bộn, đồ đạc lỉnh kỉnh. Tuy dọn dẹp hơi mệt nhưng tui rất thích không khí cả nhà cùng nhau làm bánh tổ, giống như ở dưới quê ngoại và các dì cậu của tui gói bánh tét. Một cảm giác nhộn nhịp, nao nao đợi Tết đến. Làm bánh tổ coi đơn giản như vậy chứ cực mà cũng có nhiều điều kiêng kỵ lắm. Trong khi làm bánh, ba bắt đóng cửa lại để hàng xóm không vô coi. Còn tụi tui chỉ đứng mé ngoài bếp nhìn vô chứ cũng không được bén mảng tới gần. Trong bếp lúc này chỉ có ba và má, người quạt lửa, người múc bột đổ vô khuôn.

Lúc đó, tui cứ tưởng ba giấu nghề nên không cho ai vô bếp coi. Nhưng má nói, khi làm bánh có người lỡ miệng nói quở như bánh chưa chín, bánh bị này bị kia là y như rằng, bánh sẽ bị y như thế. Hấp chừng 3 - 4 tiếng thì bánh chín, ba đã múc sẵn bột cho vô khuôn nên chỉ cần thay mẻ khác lên hấp tiếp.

Nhớ lần đầu tiên ba tui làm bánh tổ, mấy cái bánh lần đó bề mặt bị rỗ, xiêu vẹo. Năm sau, ba nghiên cứu, rút kinh nghiệm, bánh mịn, đẹp như ngoài chợ bán. Năm nào cũng vậy, khi mẻ bánh đầu tiên ra lò còn nóng hôi hổi, ba lấy một cái cắt ra ăn thử. Năm cặp mắt hau háu dõi theo từng cử động của ba, khi ba gật đầu: “Thành công rồi!” thì năm đứa con chỉ chờ có vậy, mỗi đứa bốc liền một miếng ăn ngấu nghiến.  

Bánh tổ thành phẩm 

Bánh còn nóng nên miếng bánh dẻo quẹo, tui vừa thổi vừa ăn, cũng có lúc xém bị phỏng miệng. Mẻ đầu tiên lúc nào cũng vậy, còn sau đó mấy chị em tui không đứa nào ngó tới bánh tổ. Khi thì má chiên sẵn năn nỉ ăn, khi thì đem gửi về quê cho.

Cứ thế, mỗi năm cả nhà tui đều xúm nhau làm bánh tổ. Phần để dành ở nhà cúng, phần để ba tặng bạn bè thân và khách hàng. Bánh để cúng trên bàn thờ tới chục ngày sau thì má tui gom hết xuống đem đi phơi để không bị mốc. Sau khi phơi, bánh cứng như đá. Má tui lấy con dao to nhất trong nhà, chặt bánh cạch cạch y như chẻ củi. Bánh cứng, nhưng khi chiên lên thì bên trong dẻo, bên ngoài giòn, thơm và béo, ngon hơn lúc mới hấp nữa.

Nét độc đáo của ngày xuân

Trước sân nhà tui có cây mai chiếu thủy, tính tới nay cũng đã được 60 tuổi, hình dáng như cây nấm, xum xuê cành lá. Lúc chú Mấn (Mấn: tiếng Tiều, có nghĩa là Minh) - em họ của ba cho cây mai này, ba tự tay trồng trước sân. Tới nay, nó xum xuê cành lá, ba mua cái ghế đá để ở dưới gốc mai. Chiều chiều, trời mát mát, ba bày cái bàn ra chỗ cái ghế đá, đem bộ ấm trà bằng đất sét đỏ ra pha. Mấy chú, bác hàng xóm cứ thế mà tụ tập lại uống trà.

Từ lúc ba tui khởi xướng vụ làm bánh tổ được chừng chục năm, thì cảm giác háo hức giành nhau làm phụ của mấy chị em tui không còn nữa. Tui không thích ăn bánh tổ, lại thấy ba, má làm cực quá nên có ý kiến là sang năm không làm bánh nữa, ra chợ mua vài cái đủ cúng thôi. Thế là, tui bị ba chửi cho một trận!

Mùng 8 Tết năm tui học lớp 10, cô út tui lần đầu tiên về thăm quê hương sau 20 năm định cư ở Mỹ. Lúc đó, ông bà nội tui đều đã qua đời. Ba tui là con trai út nên ở nhà tổ tiên để lo chuyện thờ cúng. Vừa vô tới nhà, cô út đã hỏi má: “Nhà còn miếng bánh tổ nào không chị? Ở bển em thèm lắm mà không có. Nhiều lúc thèm tới mức không ngủ được”. Tui ngồi gần đó mà thắc mắc thầm trong bụng: “Bánh có gì ngon đâu mà cô út thèm dữ vậy?”.

Má tui bèn lật đật gom bánh trên bàn thờ xuống, chặt cạch cạch, đem chiên cho cô út ăn liền. Cô vừa ăn, vừa rưng rưng nước mắt nói với má tui: “Bánh ngon quá! Em ăn bánh mà nhớ ba má, nhớ không khí Tết của gia đình mình hồi xưa quá chị ơi!”. Má tui mỉm cười, rồi chị dâu, em chồng ngồi hàn huyên đủ thứ chuyện hồi xưa. Bây giờ, khuôn bánh tổ không còn thủng hai đầu như trước mà người ta đã làm luôn cái đáy, giống như cái lon nhôm bình thường. Bánh tổ không chỉ hình tròn mà còn có hình con cá, thỏi vàng... Bánh tổ nhúng vô trứng rồi chiên sẽ béo hơn, ngon hơn bánh tổ má tui chiên đơn sơ.

Một dạng bánh tổ dẹt nhâm nhi với nước trà 

Ba mất, bánh tổ cũng không ai làm. Má tui đem khuôn cho ía Lán (ía Lán: tiếng Tiều, có nghĩa là dì Lan) là má hai của tui làm. Năm nào làm bánh xong, ía Lán cũng gửi mẻ bánh tổ đầu tiên cho tui đem về cúng ba. Thỉnh thoảng, tui cũng ăn bánh tổ, chợt hiểu và thấm thía cảm giác của cô út hồi đó. Trong ký ức của tui, hình ảnh ba nhễ nhại mồ hôi, lui cui sau bếp, vừa quậy bột vừa hấp bánh. Tui nhớ miếng bánh tổ đầu tiên của ba làm, hình ảnh cả nhà vừa ăn vừa cười thích thú. Sao mà miếng bánh ngon vô cùng tận.

Mỗi lần nhớ ba, tui lại ăn bánh tổ. Với tui, bánh tổ không phải là “nián gao” gì hết, mà đó chính là cái bánh tổ tiên. Ở trong đó, ẩn hiện bóng hình của ba tui, của ông bà tổ tiên từ thuở xa xăm nào đó và trên hết khi thấy bánh tổ được bày bán ngoài đường, tui biết rằng ngày Tết đã gần kề.

Bình luận (0)

Lên đầu trang