Đau lòng vụ sạt lở núi Sọ lấp vùi Nghĩa trang Hòa Sơn - TP.Đà Nẵng:

Người chết… chưa yên!

Thứ Tư, 19/10/2022 10:23

|

(CATP) Trưa 18-10-2022, PV Chuyên đề Công an TPHCM đến các điểm sạt lở núi Sọ đổ xuống Nghĩa trang Hòa Sơn, thuộc H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng, vùi lấy, cuốn trôi hàng trăm ngôi mộ. Cảnh tang hoang, những vạt núi loang lổ trơ màu vàng của đất, cuốn xuống bên dưới ngổn ngang, chỏng trơ những cái quách, bia mộ chới với ló lên đất đá như cầu cứu. Hàng trăm người dân vội vã đào bới tìm mộ. Cái nắng hanh trưa miền Trung túa ra nặng giọt mồ hôi trộn lẫn nước mắt của người thân đang bới tìm… trong lam lũ, trĩu lòng. Đâu phải người sống mới trong cảnh màn trời chiếu đất...

Chuyện đắng lòng

Tôi gặp chị Trần Thu Hà (ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) đang tất tả dựng chiếc xe gắn máy bên vệ đường, vội mang một ít đồ ăn đến với nhóm người nhà đang trên kia. Chị Hà chỉ tay về hướng núi Sọ: "Người nhà tôi đã đào bới mấy ngày nay, tìm lại mộ chồng và anh chồng. Vụ sạt lở cuốn trôi và vùi lấp toàn bộ những ngôi mộ của người thân trong gia đình. Từ hôm 15-10 tới hôm nay, đào sâu cả mấy mét mới phát lộ được mộ. Cũng may, đã xác định được mộ, hài cốt không bị cuốn trôi mất, vui buồn lẫn lộn... Vui là tìm thấy được mộ người thân, buồn là còn biết bao ngôi mộ khác bị cuốn trôi cả hài cốt, hay thân nhân chưa tìm được mộ muốn tìm". Theo chân chị Hà, đến với một nhóm người đang tất tả giữa một miền trơ trọi ngổn ngang, đào đào, bới bới. Sau những ngày mưa gió, bão bùng lấp vùi mộ phần, thì giờ nắng cũng hùa đổ lửa thiêu đốt người trần. Gió hanh hao từng cơn trườn qua mép đá, kéo cong cành lau sót lại sau cơn sạt lở kinh hoàng. Tội tình chi, mà khắc nghiệt miền Trung ơi...

"Người chết... chưa yên!"

Nắng xế tà, đằng kia, anh Nguyễn Hữu Trần Vũ (ngụ P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) vẫn vội vã khuân từng viên đá đưa lên trên để lộ dần hai ngôi mộ được xây dựng khá chắc chắn. Anh Vũ cho biết, đây là mộ của ba anh và người chú. Sau khi bị lũ cuốn vào đêm 14 đến rạng sáng 15-10, gia đình vội vã chạy lên Nghĩa trang Hòa Sơn, chứng kiến cảnh tượng hãi hùng. Bạt ngàn là đất đá, dòng chảy từ phía núi Sọ cuốn xuống tạo như "dòng sỏi đá” lổn ngổn vệt dài hàng trăm mét. Hình ảnh những dãy mộ đều tăm tắp trước đây chỉ còn là ký ức trong anh và mọi người. Những tiếng nấc nghẹn, nước mắt cứ tuôn ra không dừng. "Người chết cũng chưa yên nữa!", anh Vũ trầm ngâm.

Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng đề nghị, đây là vấn đề thiêng liêng nên nhất thiết phải tìm được người thân để phối hợp với gia đình trong quá trình khắc phục thiệt hại."Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhưng cầnsự phối hợp của người dân của những gia đình có mộ phần ở đây là quan trọng nhất. Trong quá trình làm chúng ta có thể đề xuất thêm một số phương án. Ví dụ không tìm thấy thì sẽ giải quyết như thế nào, câu chuyện làm các lễ cầu siêu... cũng cần có đề xuất giải quyết một cách tốt nhất, tư tưởng tâm lý cho gia đình, thể hiện một cách đầy đủ nhất của chính quyền trong việc khắc phục hậu quả”, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng nêu.

Gia đình anh Vũ huy động nhân lực, đã ba ngày qua, kể từ hôm 15-10, nằm sâu dưới lớp đất đá to và lớn, với mỗi ngày 15 nhân công không ngơi nghỉ đào bới và đến trưa 18-10 thì phát lộ dần hai ngôi mộ người thân. Ước chừng bị đất đá vùi sâu hơn 3 mét. Nỗ lực không ngừng nghỉ, mọi người đã tìm thấy mộ, dù xiêu vẹo phần nào. Nhưng đó, trên khối đất đá cuốn trôi, sạt lở từ núi xuống kéo dài hàng trăm mét, dưới chân mọi người đang đứng là những hài cốt, những ngôi mộ đã bị xóa lấp hoàn toàn. Nằm trơ vơ, ngổn ngang những cái quách lạnh lẽo. Một người đàn ông bịt kín khẩu trang, nhưng không giấu được dòng nước mắt đang đứng như chực gục xuống trước mặt tôi. Ông bảo: "Anh thấy đó, mộ người thân của gia đình giờ không còn gì, xác định vị trí là nằm ngay cái dòng chảy của lũ, khoét sâu. Biết tìm, mà tìm thế nào đây?".

Gia đình anh Vũ sau ba ngày đào bới cật lực đã tìm được mộ người thân...

Ông chợt hỏi tôi như bâng quơ tan biến vào hư không: "Anh có máy dò xương không? Mà làm sao anh có hỉ, chỉ mong chờ vào cơ quan chức năng có máy dò xương, phải xác nghiệm AND mới biết, chứ giờ biết làm sao hả anh?". Nói rồi khóc như một đứa trẻ. Ở cái tuổi ngoài 40 như ông, tôi ái ngại nhìn ra xa với tia hy vọng như ông nói: "Giờ chỉ trông chờ tìm được hài cốt trong đống đất đá ngổn ngang bằng máy dò gì đó, rồi nhờ vào cơ quan chức năng xác nghiệm AND với người sống để xác định...". Một tia hy vọng le lói trong người đàn ông quắc thước kiểu lam lũ đặc trưng nông dân Miền Trung. Tưởng, gió mưa giông bão gì, cũng không quật ngã được ông, nhưng trước ngổn ngang mộ phần vùi lấp không tìm được người thân, ông ngã quỵ. Thấy như ai đem kim châm sát muối ruột gan mình.

Hãi hùng cơn lũ lịch sử

Ông Nguyễn Hữu Hào (ngụ xã Hòa Ninh, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) tần ngần nhìn dòng sạt lở đất đá từ trên núi xuống khu mộ của gia đình, tâm sự: "Tôi sống gần 50 tuổi rồi, mà chưa chứng kiến cảnh lũ sạt lở đất như thế này tại Nghĩa trang Hòa Sơn. Những nơi khác cũng xảy ra lũ, lụt, nhưng sạt lở đất kéo dài hàng trăm mét thế này từ núi xuống thì quả là khủng khiếp. Giờ hàng chục ngôi mộ của gia đình nằm sâu dưới đống đá thế này thì không biết làm gì với hai bàn tay và công cụ thủ công. Thôi hy vọng, trông chờ vào chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng giúp đỡ. Cần máy móc đào bới loại hạng nặng, khơi thông từ từ, hy vọng tìm được những ngôi mộ nằm sâu dưới đây".

Tìm kiếm trong tuyệt vọng, vì những ngôi mộ bị đá vùi lấp quá sâu

Rồi cũng ông tự mâu thuẫn với mình: "Ủa mà đào bới bằng máy, xúc trúng xương cốt thì sao, đau hè...". Ông Hào cho biết thêm, nhiều người trong gia đình muốn lao vào đào bới, mà không được gì, quá nhiều tảng đá to, rất to với khối lượng rất lớn thế này thì dùng tay cũng chịu thua. Nhiều người cho rằng do những ngôi mộ nằm gần chân núi, điều đó cũng đúng một phần, bởi rất nhiều mộ nằm cách xa chân núi Sọ nhiều trăm mét, cũng bị dòng sạt lở từ núi kéo xuống, quét qua. Hay các ngôi mộ nằm ngay hướng dòng chảy của con nước, thì cũng không phải vậy, ông Hào chỉ tay về phía mảng sạt lở tạo thành vệt lớn còn mới tinh để lý giải điều này. Cả một mảng lớn núi Sọ trơ đất đá, dấu tích vừa xảy ra trận sạt lở núi vừa qua, nhưng nó không phải nằm theo dòng chảy của con suối, hay khe nước thường ngày. Khổ mà cũng đành chứ biết sao. Trời mưa đất chịu. Ông Hào chắp tay ngửa mặt nhìn trời rồi lạy tứ phương.

Nước mắt người sống tiễn đưa người ra đi, nhưng sau trận sạt lở núi xuống Nghĩa trang Hòa Sơn lại thêm một lần tuôn rơi, đẫm lệ. Quả là trận sạt lở kinh hoàng đã xảy ra nơi đây, ông T.T.H (ngụ TP.Đà Nẵng) vừa khóc vừa khuân tảng đá to đùng quá sức với cái tuổi 65 của ông. Theo tay ông H. chỉ về ngôi mộ còn rất mới, chôn chưa đầy một năm qua, là đất đá vùi lấp nham nhở. Đã hai ngày qua, ông và nhiều người trong gia đình cố lật từng tảng đá, dỡ từng gốc cây dần phát lộ ngôi mộ của cha mình. Gần như kiệt sức, ông bảo: "Cũng may mộ bị hư hỏng phần trên, nhưng hài cốt bên dưới không sao, cố gắng vài hôm nữa là sửa sang lại. Nhưng việc đầu tiên là phải bốc dỡ đống đất đá vùi lập bên trên. Tôi thấy tội nghiệp quá, giờ nằm bên dưới bãi đá sạt lở núi kéo lấp hết cả mấy chục ngôi mộ nằm sâu cả mấy mét thế này làm sao mà đào bới bằng tay.

Công an, bộ đội phối hợp chính quyền để giúp bà con

Ngày 18-10-2022, kiểm tra chỉ đạo công tác khắc phục thiệt hại mưa lũ tại Nghĩa trang Hòa Sơn, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng - Nguyễn Văn Quảng đã yêu cầu Ban Quản lý Nghĩa trang và các ngành chức năng phối hợp với thân nhân gia đình chủ mộ trong quá trình khắc phục thiệt hại. Đợt mưa rất lớn trong ngày và đêm 14 đến rạng sáng 15-10 đã gây sạt lở vệt dài từ chân núi Sọ xuống các khu mộ ở phía dưới trong Nghĩa trang Hòa Sơn.

Qua kiểm đếm, hơn 600 ngôi mộ bị sạt lở, đất đá vùi lấp và bị cuốn trôi. TP.Đà Nẵng huy động lực lượng Công an, Bộ đội, Dân quân tự vệ cùng với các đoàn thể, nhân dân địa phương thực hiện việc tận dụng đá để xếp thành rọ đá và bố trí theo bậc cấp tại những vị trí dòng chảy chính để xử lý tiêu năng cho những trận mưa sắp tới nhằm hạn chế tối đa khả năng sạt lở có thể xảy ra. Sau đó, dùng phương tiện xúc và vận chuyển đất đá sạt lở trong khu vực có mộ ra ngoài đường giao thông. Lực lượng phối hợp dùng máy đào và xe ôtô tự đổ xúc và vận chuyển đất đá sạt lở trên đường giao thông trong phạm vi rộng 6m để thông tuyến cho phương tiện và người dân đi lại khắc phục hư hỏng mộ.

Theo ông Lê Quang Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, giải pháp khắc phục giao Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng tính toán phương án cơ giới, dùng rọ đá 2 mét và chiều cao 0,5, thứ nhất chống tiêu năng, thứ 2 chống sạt lở. Tất cả đá đưa vào rọ theo kỹ thuật để làm, tảng đá to sẽ chẻ ra. Về cơ bản mặt đường phải giải phóng bằng cơ giới cho nhanh kịp, thứ 2 mộ khoảng 6.000m2 và diện tích 1 hécta thống nhất với Quân đội khắc phục. Ông Nguyễn Văn Quảng - Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng thống nhất với việc thành lập "Tổ công tác" gồm các ngành liên quan để xử lý, khắc phục thật nhanh. UBND H.Hòa Vang làm chủ đầu tư dự án khắc phục sạt lở. Việc khắc phục sạt lở thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối tháng 10-2022. Ban Cán sự Đảng UBND TP.Đà Nẵng giao UBND TP.Đà Nẵng thực hiện dự án khắc phục trong tình trạng khẩn cấp.

Văn Toàn

Bình luận (0)

Lên đầu trang