Người Sài Gòn nườm nượp đi chùa hứng hoa, thả cá, đọc kinh đầu năm

Thứ Tư, 21/02/2018 18:01  | Ngô Đồng

|

(CAO) Ngay ngày trở lại làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết, rất đông người dân đã đổ về những ngôi chùa lớn ở Sài Gòn để dâng hương lễ Phật, cầu mong bình an và may mắn dịp năm mới.

Đi chùa lễ Phật cầu an cho bản thân và gia đình là nhu cầu tâm linh của số đông. Ngày 21-2 (mùng 6 Tết), người dân TP.HCM - trung tâm kinh tế, văn hoá hàng đầu cả nước đã trở lại nhịp sống hối hả thường ngày, sau thời gian nghỉ Tết. Ai cũng bận rộn, nhưng dường như ai cũng tranh thủ thời gian đầu năm đi chùa lễ Phật, cầu nguyện sự an lành cho năm mới.

Người cầu bình an, người cầu duyên, người cầu con... Người dân chọn các ngôi chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Ngọc Hoàng, chùa Phổ Quang, Diệu Pháp,... để đến lễ Phật.

Ai cũng bận rộn, nhưng nhiều người tranh thủ thời gian đầu năm đi chùa lễ Phật, cầu nguyện sự an lành cho năm mới.
Tọa lạc ngay trung tâm quận 1, chùa Ngọc Hoàng (còn gọi là chùa Phước Hải), nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm vào năm 2016, là địa chỉ cầu tình duyên, đặc biệt là cầu con có tiếng ở Sài Gòn.
Ngày 21-2 (mùng 6 Tết), hàng ngàn người dân, phật tử đến chùa Phước Hải để cầu bình an, hạnh phúc cho gia đình.
Tương truyền, sau khi thành tâm khấn vái, dâng lễ, người dân thường sờ vào tượng ông Tơ, bà Nguyệt, Thánh mẫu sẽ sớm tìm được ý trung nhân hoặc ban con cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Vì thế, cứ mỗi dịp đầu năm mới, chùa đón hàng chục ngàn người từ khắp nơi về lễ, hương khói nghi ngút.
'Điện Thần Tài' ở chùa Phước Hải đông nghẹt người dân đến cầu may mắn.
Người dân chen chúc xếp hàng cầu an.
Điện Quan Âm đông nghẹt người.
Điện Ngọc Hoàng cũng "nghẹt thở".
Đèn dầu và nến thơm được người dân dâng cúng Phật.
Trong khi đó, tại chùa Phổ Quang (Q.Tân Bình), trong khuôn viên chùa có một cây sala cổ thụ vốn nguồn gốc từ Ấn Độ đưa về, hoa xum xuê. Tương truyền nhặt được hoa rụng là lộc trời nên hàng trăm người lễ chùa xong ra đứng chờ hoa rơi để xin lộc.
Đông người dân đứng dưới gốc cây sala chờ hoa rơi xin lộc.
Theo các phật tử lễ chùa, cây này rất linh thiêng, chỉ cần nhặt được hoa của nó rụng xuống thì sẽ "cầu gì được nấy".
Nhiều người sau khi lễ Phật xong thì đứng cầu nguyện ở gốc cây hàng giờ đồng hồ để chờ hoa rụng.
Mặc dù hoa sala xum xuê phủ đến tận gốc nhưng không ai đưa tay hái, bởi mọi người đều ý thức rằng "hoa là lộc, rơi xuống mới linh".

Còn tại chùa Diệu Pháp (Q.Bình Thạnh), do chùa nằm gần sông nên rất đông người dân đổ về đây thả cá phóng sinh để cầu xuân an lành.

Người dân làm lễ đọc kinh trước khi thả cá phóng sinh.

Tại chùa Việt Nam Quốc Tự (Q.10), đông đảo người dân, phật tử còn tham dự tụng kinh để cầu an.

Trong khi đó, tại chùa Bà Ấn (đền thờ Bà Mariamman, Q.1), lượng người đến đây cũng đông hơn ngày thường. Điều đặc biệt khi cầu nguyện trong ngôi đền này là sau khi dâng lễ tại chính điện, người dân thường đến bức tường đá phía sau để "trò chuyện với tường đá". Theo đó, bất cứ ai có những nỗi niềm gì, đặc biệt là về bệnh tật, con cái hay điều lo lắng đều có thể gục đầu vào tâm sự với tường đá và nhận được những âm thanh của sự an lạc, thanh thản cho bản thân mình.

Thành tâm khấn vái cầu an, may mắn cho gia đình.
Truyền thống dâng hương lễ Phật ngày đầu năm là một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền dân tộc từ ngàn đời. Là một dấu hiệu tốt khi mà người dân ngày càng quan tâm đến giá trị tinh thần, nhớ đến nguồn cội và ông bà tổ tiên trong những ngày đầu năm mới.

Nhiều bạn trẻ cũng háo hức cầu nguyện cho bản thân được bình an, việc học hành tốt đẹp, đồng thời hướng tấm lòng về đấng sinh thành nơi quê nhà, cầu cho cha mẹ luôn mạnh khỏe. 

Hàng ngàn người Sài Gòn thả hoa đăng cầu an trong đêm Tết Nguyên Tiêu
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang