Tết xưa & Tết nay

Thứ Ba, 20/02/2018 18:20

|

(CAO) Mấy ngày đầu năm, những làn mưa xuân réo rắt gọi về, tự nhiên làm lòng tôi thêm ấm lại. Chợt nhớ, bồi hồi và xao xuyến về không khí Tết của những ngày thơ bé, Tết của ngày xưa…

Ngày ấy, cứ đến cuối tháng Chạp là cảm giác giao mùa đổ về gần hơn bao giờ hết! Khắp các nẻo đường, con hẻm làng quê bỗng dưng rộn ràng hơn gấp bội. Nhịp nhàng và háo hức, tất cả cùng nhau hòa mình để chuẩn bị thật kỹ càng cho một cái Tết chờ mong.

Ngày ấy, cứ mỗi lần thấy tụi bạn chung xóm được ba mẹ dẫn đi mua đồ mới, là biết Tết đã chạm ngõ mọi nhà. Tết hồi đó với mình nó lâng lâng và hồi hộp lắm! Cỡ 27 tháng Chạp, là tụi con nít tụi tôi đêm nào cũng đắp mền mơ về Tết.

Tết năm nay, những làn mưa xuân réo rắt gọi về, tự nhiên làm lòng tôi thêm ấm lại. Chợt nhớ, bồi hồi và xao xuyến về không khí Tết của ngày xưa. Ảnh: Huỳnh Văn

Mà Tết khi đó có gì cao sang đâu. Phải cận Giao thừa má mới dẫn tôi ra chợ huyện mua cho một chiếc áo sơ mi trắng dài tay, một cái quần Tây (màu xanh) may dư 3 lai để phòng hờ lớn lên mặc cho vừa, kèm theo một đôi dép cá sấu nhựa màu trắng tinh. Tất cả, đều là đồ rẻ tiền, “mặc ba ngày xuân xong rồi mặc đi học” khiến tôi ghét cay ghét đắng vì trông qua lũ bạn trong xóm, đứa nào cũng được mua quần Jean và đôi giày bóng loáng. Nhìn mà bắt thèm!

Nhận thức ngây thơ của tuổi con nít đã giúp tôi không bận tâm đến những áp lực về cơm - áo - gạo - tiền mà ba má bị đè nặng cứ mỗi lần Tết đến.

Phút giao thời, thắp cây nhang lên bàn thờ gia tiên để cảm nhận hết sự thiêng liêng của ngày Tết truyền thống dân tộc. Ảnh: Huỳnh Văn

Rồi không khí Tết bắt đầu tươi vui hơn, ấm áp hơn với mọi người. Đầu làng, nhà nhà đổ xô đi rang “cốm nếp”, đâu đó lại nghe thấy tiếng nổ vang trời một góc xóm bình yên, cho ra đời những mẫu bánh in ngọt đượm trên đôi môi mấy thằng con nít. Cứ thế, cái Tết là kỷ niệm quanh những nồi rim mức, rim gừng không ngừng toả mùi thơm ngào ngạt quanh sân nhà của các gì, các thím.

Rồi những buổi chiều cả họ làm heo lấy thịt, nghe tiếng kêu “eng éc” inh ỏi sau nhà, tôi tự nhủ sẽ thức cùng mấy chú mấy cô đến hết đêm Giao thừa. Và khi ánh chiều tà buông ngoài đầu ngõ, chợt nhận ra bóng dáng của một người đàn ông mang ba lô nặng trĩu đi về, thì cũng đến lúc tôi biết rằng ngày cuối cùng trong năm đã đến.

Một ngôi nhà vẫn còn giữ nét Tết xưa giữa lòng cuộc sống hiện đại. Ảnh: Huỳnh Văn

Ngày ấy, Tết còn có xe Lam, xe gì mà tiếng động cơ chạy cứ nghe “bành bạch” inh tai nhức óc, nhưng đứa nào cũng thích đến lạ thường. Theo đoàn người trẩy hội, tôi qua cầu Đà Rằng đến thị xã ngắm phố phường cho thỏa nỗi ngóng trông. Chơi chán lại chạy về đầu xóm, vô miểu coi hát “Bài Chòi”. Tối đến lại nghe mùi “nhang Sào” toả hương ngào ngạt quanh bàn thờ gia tiên. Thế cũng tự thấy được, cái Tết vẫn còn vẹn nguyên mãi mãi, ấm áp làm sao…

Ngày ấy, Tết còn có canh khổ qua, loại canh được mẹ tôi gọi nôm na cho qua cái khổ của biết bao tháng ngày cơ cực trong năm. Lúc nhỏ ghét cái món “đăng đắng” ấy lắm, lớn lên rồi mới thấy cuộc đời còn nhiều thứ đắng hơn vạn lần, mà ai cũng phải chật vật để vượt qua.

Tết bây giờ không như thế, đã khác rất nhiều so với Tết của ngày xưa. “Có còn không những hồ hởi, rạo rực trước một thời khắc giao mùa?”, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi như thế.

Năm nay, gia đình ông Năm (70 tuổi - ở Tuy Hoà, Phú Yên) tề tụ đủ các con từ phương xa về. Trong căn nhà xưa, ông Năm vẫn giữ một cái Tết đậm chất truyền thống, ấm cúng, đoàn viên. Ảnh: Huỳnh Văn

Xã hội hiện đại thì cái Tết chắc chắn cũng phải hoà theo guồng quay của nó. Tết thời nay có chăng là quần áo thời trang với giá cả đắt đỏ mà các bạn trẻ ưa chuộng; là bánh kẹo được sản xuất đại trà ở các khu chế biến công nghiệp; là các buổi biểu diễn ca nhạc rình rang của các ca nghệ sĩ ồn ào danh tiếng; hay những chuyến du lịch và thăm viếng bằng xe cộ chật kín đường sá. Và, cả Tết của… rượu bia, tai nạn, đánh nhau!

Đúng là Tết ngày nay đã đổi mới hơn, văn minh hơn nhưng cũng phải thừa nhận, không ít người đã và đang dần đánh mất nét truyền thống cùng hương vị ngọt ngào của Tết Việt. Chỉ mong rằng, sẽ còn thật nhiều những tâm hồn còn nhớ, còn trông ngóng cái cảm giác hồi hộp, lâng lâng của Tết xưa để phút giao thời năm nào của người Việt cũng là trọn vẹn và thiêng liêng.

Ngày Tết về ăn bánh tổ của người Hoa ở Chợ Lớn
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang