(CAO) Theo các nghệ nhân chuyên trồng mai vàng thì việc chăm sóc mai sau Tết đòi hỏi phải công phu, người trồng phải có sự nghiên cứu bởi nó sẽ quyết định cho việc ra hoa cho cả mùa Tết năm sau.
Chưng cây mai vàng ngày Tết với ý nghĩa mang may mắn vào nhà, tuy nhiên, sau Tết không phải ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc cây mai nhà mình và theo các nghệ nhân chuyên trồng mai thì việc chăm sóc cây mai ngay sau những ngày Tết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của cây và quyết định cho việc ra hoa cho cả mùa Tết năm sau. Do đó, thời điểm này, nhiều nhà vườn trồng mai ở Nam bộ cũng đang tất bật chăm sóc những cây mai trong vườn nhà mình.
Với gần 30 năm gắn bó với cây mai vàng, anh Nguyễn Văn Điền (ở khóm Tân Hiệp, P.Tân Quy Đông, TP.Sa Đéc, Đồng Tháp) đã sưu tầm và sở hữu trên 100 gốc mai lớn nhỏ, trong đó có nhiều cây có tuổi đời cả trăm năm tuổi. Dịp Tết Mậu Tuất vừa qua, đa số các gốc mai trong vườn nhà anh đều cho hoa nở đều cây và đúng Tết. Bí quyết giúp anh có được những gốc mai ra đẹp như thế là do anh biết cách chăm sóc theo từng thời điểm phát triển của cây mai.
Anh Điền chia sẻ: “Đầu mùng 7 Tết là mình cắt dài tới 15, 20 âm lịch, ráng cắt hết những nụ đã nở, chưa nở và còn nhỏ, cắt bỏ hết đừng tiếc để năm sau cho bộ hoa đẹp hơn và có hoa nhiều hơn”.
Hiện nay, một số người dân sau khi mua mai về chưng Tết thường tiếc không cắt hoa, để cho hoa tàn hết rồi tự rụng, nhưng theo kinh nghiệm của nhiều người trồng mai lâu năm thì đây chính là nguyên nhân khiến cây mai bị mất sức, ảnh hưởng quá trình sinh trưởng cho cả năm sau.
Anh Nguyễn Văn Điền khuyến cáo: “Nếu qua Tết mà mình bỏ không cắt nụ thì sẽ làm cho cây mai dễ bị si, vì cây phải nuôi cái hạt của đài hoa, nuôi càng nhiều thì cây mai dốc sức càng nhiều, khi đó mình không có phân bón, không có rút cành thì làm cho ánh nắng không chiếu được vô thân, vô nhánh cây sẽ dễ bị nấm bệnh, làm cho si cây thì có khả năng mùa Tết năm sau bông ít hơn hoặc là không có bông luôn hoặc là nở sớm, nở trễ hoặc nở bất chừng”.
Cũng theo các nghệ nhân chuyên trồng mai vàng thì việc chăm sóc mai sau Tết đòi hỏi phải công phu, người trồng phải có sự nghiên cứu bởi cây mai đang trồng ngoài trời và cây mai chưng trong nhà đều có cách chăm sóc khác nhau. Trong đó, cây mai chưng trong nhà đòi hỏi phải đầu tư chăm sóc nhiều hơn.
“Cây trong nhà mình nên đưa ra ngoài từ từ ra cho cây quen ánh nắng chứ đừng đem ra đột ngột quá, vì trong thời gian chưng trong nhà, cây không có ánh nắng quang hợp thì bộ lá mỏng, nhạt chứ không dầy, không khỏe. Nếu đem ra đột ngột quá cây sẽ bị sốc thành ra dễ bị cháy lá. Tốt nhất là di chuyển ra chỗ có bóng râm khoảng 1 tuần cho lá cây hơi dầy chút xíu rồi hãy đem ra ngoài nắng luôn”, anh Điền chia sẻ thêm.
Theo các nghệ nhân chuyên trồng mai vàng thì việc chăm sóc mai sau Tết đòi hỏi phải công phu, người trồng phải có sự nghiên cứu bởi nó sẽ quyết định cho việc ra hoa cho mùa Tết năm sau.
Ngoài việc cắt nụ hoa sau Tết thì khâu tỉa cành cho cây cũng là yếu tố quan trọng, bởi khi tỉa cành sẽ tạo ra thêm nhiều nhánh mới, giúp cây có thêm nhiều chồi và nụ cho đợt Tết năm sau. Bên cạnh đó, khâu bón phân cũng là yếu tố quan trong mà các nghệ nhân khuyến cáo là nên thực hiện từ đầu đến giữa tháng 2, khi lá đã ra đầy đủ và chỉ bón với một lượng vừa đủ, không nên bón nhiều bởi rễ câu chưa hoạt động mạnh, nếu bón quá nhiều nhiều phân có thể làm cây bị chết.
Ngoài các khâu trên thì việc thay chậu cho cây chỉ nên thực hiện vào khoảng thời gian từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4 âm lịch, khi đó bộ rễ cây đã cứng cáp, cây sẽ không bị chết.
Như vậy, để có được một cây mai vàng nở nhiều hoa vào đúng dịp Tết thì đòi hỏi người trồng mai phải có sự đầu tư và kỳ công trong khâu chăm sóc bởi bỏ sót bất kỳ một khâu nào thì cũng ảnh hưởng đến cây trong đó khâu chăm sóc mai sau Tết cũng đòi hỏi những người yêu mai cần lưu tâm.
(CAO) Đến hẹn lại lên, những người yêu cây kiểng lại một lần nữa được tận mắt chứng kiến các loài cây độc, lạ,... được nghệ nhân từ các miền đất nước chăm chút suốt năm, rồi mang đến bán ở Hội hoa xuân quận 7.