'Bàn tay vàng' đưa những bệnh nhi từ cửa tử trở về

Thứ Hai, 26/02/2018 11:01  | Ngô Đồng

|

(CAO) Đối mặt với bất hạnh và tai họa khủng khiếp từ khi mới lọt lòng, các cháu bé xuất hiện trong những câu chuyện bi thảm làm rung động cả cộng đồng; nhưng thật may mắn, các bé đều được cứu sống một cách ngoạn mục.

Sự phục hồi kỳ diệu của các bé đều có bóng dáng của một vị bác sĩ có 'bàn tay vàng'.

Hơn 30 năm gắn bó với Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, Ths BS Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc BV Nhi Đồng 1 được xem như vị bác sĩ có 'bàn tay vàng', vì hầu như tất cả những ca khó, những ca thập tử nhất sinh đều do ông đứng chính ở bàn mổ để tạo nên những phép màu kỳ diệu, đưa bệnh nhi từ cửa tử trở về.

Những bệnh nhi trở về từ cửa tử

Tết 2018 vừa qua này, Bé Dương Minh Phát (bé bị đâm xuyên sọ khi mới chào đời được 11 ngày) được 31 tháng tuổi, biết đi, biết nói, hiếu động với những trò nghịch ngợm, bé đón cái Tết thứ 3 ấm áp trong vòng tay yêu thương của gia đình.

Còn nhớ ngày nhập viện, bé Phát với con dao cắm thẳng vào sọ, ai thấy cũng rợn người, phập phồng lo sợ bé không thoát “cửa tử”. Đó là một buổi sáng định mệnh, vào khoảng 3 giờ sáng ngày 8-8-2015, chị Võ Thị Hồng Duyên (32 tuổi, ngụ Vĩnh Long) và con trai mới 11 ngày tuổi đang nằm ngủ trong khoa Sơ sinh BV Đa khoa Vĩnh Long thì phát hiện có bóng người phụ nữ lảng vảng, chị Duyên hốt hoảng la lên vì tưởng trộm thì bất ngờ bị người phụ nữ này dùng dao đâm một nhát chí mạng vào trán của con mình.

Kết quả CT scan cho thấy, dao đâm từ hốc mắt trái xuyên qua não phải, thấu ra phía sau. Ảnh bệnh viện cung cấp

Kết quả CT scan tại BV Nhi Đồng 1 cho thấy, dao đâm từ hốc mắt trái xuyên qua não phải, thấu ra phía sau. Sau khoảng 3 giờ phẫu thuật dưới sự "cầm chịch" của Ths BS Đào Trung Hiếu, con dao được lấy ra khỏi đầu cháu bé. Loại dao đâm xuyên đầu bé là một loại dao bầu, dài 28 cm, ngang 2,7cm. Phần dao đâm ngập vào đầu khoảng 11cm.

Hay như trường hợp bé Nguyễn Quốc Huy, đứa trẻ chao đời dưới bánh xe tử thần. Nhắc đến vụ tai nạn thương tâm trên, ai cũng rưng rưng nước mắt. Ngày 25-10-2014, anh Nguyễn Văn Nam (SN 1982, ngụ An Giang) chở vợ là chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (SN 1988) bằng xe máy tới bệnh viện để sinh.

Trên đường đến bệnh viện, xe của vợ chồng anh Nam bị chiếc xe tải chạy cùng chiều tông từ phía sau. Vụ tai nạn đè nát chân phải của người cha, người mẹ tử vong ngay tại chỗ, còn bé văng ra xa khỏi bụng mẹ tới 6-7m.

Bé được các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 cứu chữa, tuy thoát chết kỳ diệu nhưng bé Huy cũng buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân phải.

Tuy thoát chết kỳ diệu nhưng bé Huy cũng buộc phải phẫu thuật cắt bỏ một phần chân phải

Hay như cậu bé 5 tuổi (TP.HCM) té từ lầu 3 xuống, bị hàng rào sắt đâm xuyên tim phổi cũng đã thoát chết một cách thần kì.

Thuật lại ca mổ thần tốc ngoài dự kiến trong đêm, BS Đào Trung Hiếu cho biết, khoảng hơn 20 giờ ngày 26-10-2016, ông đang chuẩn bị đi công việc riêng thì nhận được điện thoại từ GS Nguyễn Đức Công, Giám đốc BV Thống Nhất ở khu vực quận Tân Bình gọi thông báo có ca bệnh nguy kịch cần hỗ trợ.

"May mắn là nhà tôi gần bệnh viện và sẵn có taxi đang chờ. Ngay lập tức, tôi lên taxi và đến bệnh viện Thống Nhất khoảng 10 phút sau cuộc gọi. Đến nơi tôi thấy thằng bé đã xanh như tàu lá. Vết thương trên ngực đã được đồng nghiệp ở BV Thống Nhất khâu tạm nhưng trông sắc diện bệnh nhi, tôi biết chắc bên trong đang chảy máu nghiêm trọng nên đề nghị mổ ngay mà không cần phải chẩn đoán thêm", BS Hiếu kể.

Với kinh nghiệm về nhi, trước tình trạng của bệnh nhân, BS Hiếu xác định khả năng bé bị thủng tim. Các bác sĩ đã thảo luận chỉ trong vòng chưa đầy 1 phút ngay trên bàn mổ và thống nhất ý kiến. Tổng cộng, có khoảng 20 người, trong đó có 3 bác sĩ chuyên phẫu thuật tim, phổi có mặt tại phòng mổ để tiến hành ca cấp cứu.

BS  Hiếu cho biết: “Vừa mổ ra thì thấy máu trong lồng ngực ào ra. Nhận thấy ở màng tim có một vết rách khoảng chừng 3cm. Máu thoát ra từ vết rách đó. Tôi nhận định đây là một trường hợp đâm trúng tim rồi. Lúc đó, máu vọt ra rất là nhiều. Chúng tôi đưa một ngón tay vô chặn nó lại. May mắn là ngón tay tôi đưa vô trúng chỗ lỗ thủng của tim nên giảm được một lượng máu chảy ra đáng kể”.

BS Đào Trung Hiếu thăm khám cho bệnh nhi bị té lầu sau phẫu thuật. Ảnh: Ngô Đồng

"Việc khâu bít lập tức được tiến hành, tuy nhiên khâu xong vết thương ở tim và kiểm tra đến phổi thì chúng tôi tiếp tục phát hiện 2 vết thủng nữa. Phải mất hơn một giờ căng thẳng, các vết thương mới được khâu kín thành công", BS Hiếu thuật lại.

Sau đó, các bác sĩ tiếp tục thám sát phần phổi. “Phổi bệnh nhân có hai vết rách nữa ở vùng thùy dưới phổi bên phải, mỗi vết rách khoảng chừng 3cm”, BS Hiếu nói.

Do bệnh nhi bị mất máu quá nhiều, bệnh nhi còn bị 2, 3 vết thương ở thành ngực, đội ngũ y tế phải khâu các vết thương hở, hồi sức tích cực, liên tục tiếp tổng cộng 5 đơn vị máu cho bé. Có thời điểm, tim bệnh nhi đã ngưng đập nhưng nhờ bóp bóng kịp thời nên hoạt động trở lại.

Ca mổ kết thúc hơn nữa đêm đã đưa đứa trẻ thoát khỏi cửa tử.

Bé trai té lầu hồi phục ngoạn mục, siêu đáng yêu ngày xuất viện. Ảnh: Ngô Đồng

Mang lại nụ cười tưởng đã tắt trên môi trẻ

Sau 10 năm, lần đầu tiên cô bé “mai rùa” Trần Thị Ngọc Thắm (ngụ Sóc Trăng) được gỡ bỏ khối bướu đã mang trên lưng từ khi vừa mới sinh. Trước đó, em phải mang khối bướu màu đen, bề mặt sần sùi, có lông và rất nhiều nốt ruồi “vệ tinh” vây xung quanh trên lưng, đi học luôn bị bạn bè trêu chọc.

Cô bé phải mang khối bướu như mai rùa trên lưng 10 năm. Ảnh: Ngô Đồng

BS Đào Trung Hiếu cùng ê kíp phẫu thuật của mình đã tiến hành ca mổ cắt khối bướu hắc tố bẩm sinh khổng lồ trên lưng cho bé. Khối bướu được cắt bỏ nặng hơn 1kg. Sau khi trút bỏ được 'mai rùa' trên lưng, bé Thắm đã rất vui mừng vì em có thể trở lại đi học để thực hiện ước mơ sau này là trở thành cô giáo... 

Bé Thắm đã rất vui mừng vì em có thể trở lại đi học để thực hiện ước mơ sau này là trở thành cô giáo. Ảnh: Ngô Đồng

Hơn 30 năm gấn bó với nghề, hồi sinh cho không biết bao nhiêu ca khó, mang lại niềm vui và nụ cười cho không biết bao nhiêu trẻ và gia đình các trẻ; nhưng với BS Hiếu, đó là nhiệm vụ, công việc của mình phải làm, còn nước còn tát. "Bệnh nhân dù chỉ còn có 1% cơ hội sống là tôi cũng làm”, BS Hiếu chia sẻ.

Cũng chính vì thế mà nhiều ca bệnh ông cứu sống rất hi hữu, trong đường tơ kẽ tóc, bệnh nhân cuối cùng đã được cứu, phục hồi và sống tốt.

BS Đào Trung Hiếu đang thực hiện phẫu thuật
UBND TP.HCM đã khen thưởng tập thể ê kip các bác sĩ BV Nhi Đồng 1, do Ths BS Đào Trung Hiếu 'cầm chịch' đã cứu chữa thành công cho bé gái 900gr và bé mắc bệnh tim hiếm gặp vào hồi tháng 4-2017. Ảnh: Ngô Đồng

Ths BS Đào Trung Hiếu gắn bó với BV Nhi Đồng 1 từ năm 1987. Mỗi ngày, BS Hiếu mổ đến 4-5 ca là bình thường và cứ 2–3 hôm lại phải mổ cả đêm cho tới hết ngày hôm sau. Vất vả là vậy, nhưng theo ông, làm bác sĩ có cái thú vị riêng, mình cũng hạnh phúc khi việc mình làm tốt, được người ta nhớ hoài...

Bác sĩ kể giây phút nghẹt thở cứu bé trai bị cọc sắt đâm xuyên ngực, thủng tim
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang