Ngày đầu tập đi bằng chân giả của bé trai 'văng khỏi bụng mẹ'

Thứ Tư, 30/09/2015 05:44  | Ngô Đồng

|

(CAO) Gần 1 năm sau tai nạn giao thông, bé trai văng khỏi bụng mẹ và mất chân được cha cho tập đứng bằng chân giả đặc biệt, vừa được lắp cách đây hơn 10 ngày.

Chiều nay 29-9, bé Huy đã lên Sài Gòn tái khám tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 trong vòng tay yêu thương của ba mình, anh Nguyễn Văn Nam, để kiểm tra các chức năng vận động, hô hấp, tiêu hóa,... và để các bác sĩ cho bé tập đứng và tập đi trên chiếc chân mới lắp
Anh Nguyễn Văn Nam, ba bé Nguyễn Quốc Huy cho biết, con trai anh vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM lắp chân giả cách đây hơn 10 ngày. Bé đang tập đứng và bước những bước đầu tiên cùng với chân vừa được lắp tại gia đình ở An Giang
 
Chân giả mà bé Huy được lắp do các bác sĩ "đặt hàng", là loại đặc biệt chưa có trên thị trường trong nước. Chiếc chân có một bộ phận trợ giúp duỗi gối để khi cử động, bước chân tới trước, bộ phận này giúp đầu gối duỗi thẳng ra, giúp bé chống lên chân giả để bước đi
Anh Nam cũng được lắp chân giả sau vụ tai nạn và đã có thể đi đứng như người bình thường
Trước sự hiếu kỳ của nhiều người, bé Huy khóc thét lên
Bé Huy được ba dỗ dành
Các bác sĩ ra đón bé
Cô ruột của bé Huy, chị Nguyễn Thị Mén cho biết, bé Huy đang dần quen với chân giả, bé đã có thể tự đứng lên được bằng chân giả. Mặc dù bị mất một chân, nhưng bé rất hiếu động, ăn ngon, ngủ khỏe, trườn lết rất giỏi
Hằng ngày, Huy phải tập các bài tập vật lý trị liệu để có thể đứng và bước đi theo ghế có tay vịn
Huy được đưa vào phòng tập chuyên biệt. Bé mếu máo vì quá nhiều người quan tâm. Ba Nam phải dỗ dành mãi mới chịu nín. Các bác sĩ đang dỗ dành để bé Huy nín khóc
Hiện bé Huy đã hơn 11 tháng tuổi, nặng gần 9kg, tăng gần 2kg so với lần tái khám trước
Cử nhân Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khi mới lắp chân cho bé, vì chưa quen nên bé không chịu và khóc. Nhưng hiện bé đã dần quen với việc đứng lên bằng chân giả
Theo đánh giá của các bác sĩ, bé Huy phát triển bình thường
Cử nhân Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, xương của bé sẽ còn phát triển đến năm 18 tuổi, tuy nhiên việc tập luyện làm quen với chiếc chân giả là giai đoạn quan trọng nhất giúp bé có thể đi lại
Cử nhân Lê Tường Giao, Trưởng khoa Vật lý trị liệu tập cho Huy đứng và đi bằng ghế. Cu cậu khá bức bối với chiếc chân mới vì chưa quen
Theo ông Giao, trong những ngày đầu, bé Huy cần tập để làm quen với việc trong chân thật có thêm một chân giả. Chưa quen với "vật thể lạ" tuy nhiên cậu bé tỏ ra mau thích nghi và có thể đứng vững khi vịn vào thành ghế của bệnh viện. Các bác sĩ cũng hướng dẫn thêm cho ba em các bài tập cơ bản để bé quen dần
Do cơ thể của bé còn phát triển nên dự kiến chiếc chân giả sẽ phải thay khoảng 6 tháng/lần

Ngày 25-10-2014, anh Nguyễn Văn Nam (ở xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) chở vợ Nguyễn Thị Kim Ngọc bằng xe máy đến bệnh viện sinh. Trên đường đi, xe của anh Nam va chạm với ô tô bồn đi cùng chiều.

Hậu quả, chị Ngọc té xuống đường tử vong, bé sơ sinh trong bụng văng ra ngoài, đứt lìa một chân. Anh Nam cũng bị xe cán nát một phần chân phải.

Sau tai nạn, bé sơ sinh được một người đi ngang hiện trường bế vào bệnh viện cấp cứu rồi chuyển lên tuyến trên. Được sự chăm sóc và điều trị của các bác sĩ Bệnh viện Nhi Đồng 1, sau gần 3 tuần nằm viện, bệnh nhi được cho là "thoát chết kỳ diệu" xuất viện. Đây cũng là ca tai nạn trẻ sơ sinh hy hữu nhất mà Bệnh viện Nhi Đồng 1 từng tiếp nhận.

Thời gian qua, Huy sống với ông bà ngoại và các dì ở gần chợ Kinh Đào, xã Phú Thuận (Thoại Sơn, An Giang).

Bình luận (1)

Thuong be va xin cam on tap the bac si da cham soc be

Tuongvy - Thứ Tư, 30/09/2015, 13:05 Trả lời | Thích
Lên đầu trang