Thắt lòng trước cảnh biển 'nuốt' bờ ở phố Hội

Thứ Ba, 29/09/2015 11:49  | Xuân Hoài

|

(CAO) Những năm gần đây, tình trạng sạt lở tại bờ biển ở Hội An được ví như vũ bão. Tuy đã nỗ lực chống sạt lở, nhưng vẫn không ngăn được những đợt sóng dữ tợn tiếp tục “nuốt” đất bãi biển, đặc biệt tại biển Cửa Đại - Hội An thì khủng khiếp hơn bao giờ hết...

Điệp khúc biển “nuốt” bờ

Những ngày này, chúng tôi trở lại Hội An, tận thấy tình trạng sạt lở nơi đây càng nghiêm trọng hơn sau cơn bão số 3.

Bờ biển cửa Đại - Hội An lại toang hoác, bị nước biển ngoạm sâu vào, cây cối chổng chơ, công trình ven biển nứt đổ nghiêng ngã.

Dễ nhận thấy nhất là đoạn từ đường Cửa Đại chạy ra biển, hướng đi về xã Điện Dương, sau cơn bão số 3, bị sạt thêm vào bờ khoảng 2 đến 5m kéo dài khoảng 200 m phía khu khu nhà hàng. Đặc biệt nghiêm trọng giữa đoạn vừa kè và đoạn mới chưa kè, thì sóng “ngoạm” vào rất sâu.

Cửa Đại - Hội An ngày ngày đối mặt với sạt lở

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết, tình trạng sạt lở tại bờ biển Cửa Đại- Hội An vốn đã nghiêm trọng, sau cơn bão số 3 lại càng trầm trọng hơn.

Theo ông Dũng, tuyến bờ biển Cửa Đại-Hội An dài hơn 7km. Trong những năm gần đây, vùng bờ biển Hội An bị biến động sạt lở nghiêm trọng, bình quân mỗi năm biển lấn sâu vào đất liền tại khu vực phường Cửa Đại từ 30m- 50m.

Đặc biệt, năm 2014 đoạn bờ biển từ bãi tắm công cộng đến cầu cảng Cửa Đại bị sạt lở rất lớn gây ảnh hưởng đến nhiều công trình ven biển, các tuyến đường giao thông và gây ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân…

Cần có giải pháp bền vững chứ làm kè tạm thế này vẫn không ngăn biển nuốt bờ

Thời gian qua, một số đoạn, được đầu tư kè bê tông cốt thép ở phía trước trụ sở UBND phường Cửa Đại, một số khu du lịch có làm kè tuy nhiên vẫn không ngăn được sạt lở.

Phía khu vực bãi tắm công cộng ngay đường Cửa Đại chạy ra biển, năm 2014 đã đầu tư làm 300m kè mềm công nghệ của Hà Lan, năm 2015 kè thêm 100m nữa với kinh phí hai năm khoảng 20 tỷ đồng nhưng chỉ tạm ổn chứ chưa hết nỗi lo.

“Lo sắp tới mùa mưa lũ sắp đến, sóng to gió lớn không biết bờ biển cửa Đại- Hội An sẽ bị sạt lở như thế nào. Trước hết, địa phương báo cáo tỉnh, đang làm dự toán để khắc phục tạm thời. Còn về lâu dài thì ngoài tầm của địa phương mà cấp trên sớm xem xét, làm kè chứ để càng lâu thì sóng biển càng nuốt đất”, ông Dũng chia sẻ.

Nước biển tấn công sâu vào làm đổ nhà, doanh nghiệp “bỏ của chạy lấy người”

Còn tại các khu vực mà doanh nghiệp đang sở hữu, tình trạng sạt lở cũng nghiêm trọng không kém. Những năm qua, có một số doanh nghiệp đầu tư làm kè chống sạt lở nhưng mỗi người làm mỗi phách chứ chưa có giải pháp chung. Điều này do sở NN&PTNT và sở GTVT thẩm định. Hiện khu du lịch của Vin Group đang lập phương án làm kè. Một số đơn vị khác đang tìm hướng xử lý.

“Đối với các doanh nghiệp thì họ tự bỏ vốn chứ về phía địa phương chỉ hỗ trợ về mặt chủ trương, thủ tục chứ kinh phí thì chịu”, ông Dũng thẳn thắn.

Chống sạt lở: Bất khả thi?

Theo ông Dũng, mới đây, hội thảo tìm giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại, hiện cơ quan chức năng đang cân nhắc, chứ chưa chọn giải pháp nào, điều này Bộ NN&PTNT và cấp trên chọn phương án, cấp kinh phí.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, giải pháp kè không nên làm bê tông cốt thép nhưng tính kè như thế nào để giữ được bãi cát mới làm được du lịch chứ Cửa Đại mà không còn bãi cát thì khó phát triển du lịch.

Nếu không có giải pháp kịp thời, Hội An khó níu giữ khách du lịch

GS TSHitoshi Tanaka thuộc Trường Đại học Tohoku cho biết, hiện nay ở khu vực bờ Bắc của Cửa Đại đang xảy ra xói lở nghiêm trọng, nhưng khu vực bờ Nam chưa diễn ra và đang có nhiều doanh nghiệp đầu tư các dự án ven biển ở đây. Do đó nếu không sớm có một nghiên cứu tổng thể thấu đáo thì hiện tượng sạt lở cũng có thể xảy ra ở bờ Nam trong tương lai gần và gây ảnh hưởng tới quy hoạch phát triển bền vững của thành phố Hội An.

Còn PGS TS Trần Thanh Tùng, Đại học Thủy Lợi cho biết: "Giải pháp “nuôi bãi” đã được thế giới thực hiện từ năm 1930, nhiều ở Châu Âu, đặc biệt ở Hà Lan. Ở Việt Nam chưa áp dụng phương pháp này để chống xói lở".

"Về mặt kỹ thuật, Việt Nam có thể đáp ứng được nhưng đòi hỏi kinh phí rất cao, lại là không phải công trình cứng, vì người ta mang bùn cát đổ trực tiếp lên biển. Sau một thời gian, bùn cát này lại mất đi vì vậy việc “nuôi bãi” phải được thực hiện lại. Chính vì vậy, có vẻ giống như mang tiền... đổ ra biển! Tuy vậy, tại bờ biển du lịch bãi biển du lịch Hội An, nếu muốn tái tạo bãi biển nhanh thì bắt buộc chúng ta phải “nuôi bãi”, đồng thời kết hợp với các biện pháp công trình khác", TS Tùng nhận định.

Nhiều khu du lịch bị sạt lở gây hư hỏng, giờ bỏ hoang

Tại hội thảo vừa qua, số liệu cho thấy, kè chống sạt lở kè chắn sóng thì kinh phí cho 1km là hơn 50 tỷ đồng. Trong khi đó, Hội An có 6km đang trong tình trạng sạt lở nghĩa là hơn 300 tỷ đồng cho công tác chống sạt lở. Còn nếu sử dụng phương án kè tổng hợp (kè kết hợp với việc nuôi bãi) thì con số sẽ vượt quá 50 tỷ đồng/km rất nhiều. Với kinh phí “khủng” như thế thì thật khó khả thi…

Bình luận (0)

Lên đầu trang