(CAO) Chỉ tính riêng xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, Trà Vinh đang cần 74 giếng nước sạch.
Ngày 20-9, dẫn chúng tôi đi thực tế ở địa phương, anh Tăng Tha, Phó chủ tịch UBND xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú tâm sự: “Từ lâu, người dân ở đây quen với việc sử dụng nguồn nước sông, kênh rạch làm nước sinh hoạt. Thời gian gần đây, thực trạng xâm mặn hết sức nặng nề, thêm việc hạn hán kéo dài nên người dân khát ước sạch”.
Men theo những ấp thuộc địa bàn xã, chúng tôi bắt gặp nhiều người dân tranh thủ cơn mưa đầu mùa múc nước kênh rạch bỏ vào lu để sử dụng. Chị Nguyễn Thị Út, ngụ ấp Xoài Xiêm, xã Ngãi Xuyên vừa múc nước bỏ đầy lu rồi đem thau ra múc nước để giành.
Chị Kim Thị Chàng (ảnh phải) cho biết, nguồn nước bị ô nhiễm nhưng đành sử dụng vì không có giếng khoan
Chị Út nói: “Mấy năm gần đây, thời tiết thất thường, hạn hán kéo dài. Dân ở đây khát nước dữ lắm. Kênh rạch khô cạn, phải mua nước với giá đắt đỏ”. Cặp nhà chị Út, bà Tăng Thị Nhơn khệ nệ mang từng thùng nước bỏ vào lu.
Bà Út cho biết, nhờ cơn mưa xuyên suốt 3 ngày qua mà con kênh trước nhà ngập nước. “Tôi phải múc đổ vào lu để lóng phèn. Chứ nước ở kênh vẫn chua. Mấy tháng trước, để có nước nấu cơm, uống, gia đình tôi phải cuốc bộ mấy cây số…”, bà Nhơn than thở.
Dọc quanh địa bàn thuộc xã Ngãi Xuyên, chúng tôi bắt gặp cảnh, người dân múc từng thùng nước ở con kênh, con rạch để làm nước sinh hoạt. Dù nước ở kênh không đảm bảo, vừa đen lại bị phèn nặng nề rất ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đến nhà chị Trà Thị Khiêng, chúng tôi gặp chị đang múc nước sau khi lóng trong ao. Chị Khiêng cho biết, dù được lóng phèn cẩn thận nhưng nước vẫn còn cặn và có mùi.
Để có nước sạch sử dụng cho cả gia đình, anh Kim Tài (ảnh trái) phải ra vườn lấy nước trong ao
Anh Tha cho biết thêm, tháng 8-2013, chính quyền địa phương mừng rỡ khi nghe thông báo của cấp trên lập danh sách hỗ trợ những hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ ngày 20-5-2013.
“Tuy nhiên đến nay, chúng tôi vẫn chưa được hỗ trợ nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn về nước sinh hoạt. Chúng tôi mong nhà hảo tâm hỗ trợ cho người dân giếng nước sạch. Mỗi giếng từ 4-4,5 triệu đồng. Chỉ riêng địa bàn xã Ngãi Xuyên cần 74 giếng nước sạch” - anh Tha cho biết.
Theo chị Thái Thị Huyền Trang, cán bộ Hội phụ nữ huyện Trà Cú cho biết, không chỉ xã Ngãi Xuyên mà nhiều địa phương thuộc địa bàn huyện khát nước sạch.
Chị Trang tâm sự: “Những lần đi công tác chứng kiến cảnh bà con múc từ thau nước đen dưới kênh hoặc nước đỏ ngầu do nhiễm phèn mình cũg thất xót xa.
Hội cùng nhiều cơ quan đoàn thể vận động nhưng muốn giúp đỡ cho bà con cần phải có sự đồng lòng của toàn xã hội. Chúng tôi mong nhà hảo tâm quan tâm đến đời sống bà con ở huyện Trà Cú. Một xóm có giếng khoan là niềm ao ước của dân nghèo”.
Tìm đến xã Hàm Giang thuộc huyện Trà Cú, chúng tôi bắt gặp nhiều cảnh đau lòng. Một số em chưa đến 10 tuổi nhưng phải cuốc bộ hàng cây số, trên vai khệ nệ mang những thùng nước về gia đình sử dụng.
Bà Tăng Thi Nhơn mang từng thùng nước dưới kênh về sử dụng (ảnh trái). Trẻ nhỏ cũng phải phụ giúp gia đình mang nước về sử dụng sinh hoạt
Theo phản ánh của người dân, nước sinh hoạt còn khan hiếm nên nước sản xuất càng khó khăn hơn. Trong thời gian qua, có mùa vụ, người dân ấp Cà Tốc, xã Hàm Giang đành nhìn nhiều luống khoai môn chết khô do không có nước tưới.
Một số nơi, người dân đành bỏ ruộng vườn do nhiễm phèn mặn đi nơi khác làm thuê kiếm sống. Một lãnh đạo UBND huyện Trà Cú cho biết thêm, trước thách thức của biến đổi khí hậu, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
“Địa bàn huyện hơn 70% bà con dân tộc Khơmer nên khó khăn kinh tế. Chúng tôi mong nhà hảo tâm giúp đỡ bà con giếng nước sạch để họ đỡ vất vả mỗi khi mùa khô đến” - vị cán bộ này đề nghị.