(CATP) Ở quê tôi, ngoài những vườn dừa bạt ngàn nối tiếp nhau chỉ bằng một bờ ranh, con xẻo, con kênh để phân biệt các chủ vườn thì còn một loại cây trái rất thân thiết. Đó là chuối. Phổ biến nhất là chuối xiêm đen. Chuối có thể trồng ở bất cứ đâu, ngõ trước, ven rào, vườn sau, bên hè. Chuối trồng trên mương vườn dừa hoặc trồng riêng thành một vườn rộng mênh mông. Cây chuối cũng giống như cây dừa, ít công chăm sóc nhưng lại cho huê lợi nhiều, quanh năm. Có thể ăn từ cây con đến bắp chuối, trái chuối. Lá chuối dùng để gói bánh, dây chuối khô dùng để cột hoặc trói cua, bẹ chuối dùng làm trò chơi trẻ con như kéo mo cau. Người đi xa nhớ quê, nhớ cả tiếng xào xạc của tàu lá chuối bị gió quật trong đêm vắng.
Cây chuối đã đi vào ca dao rồi thành câu hát ru em của người cô phụ trông chồng, trách chồng:
"Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ...".
Ngày nhỏ ở quê, hết lớp 3 trường làng thì tôi phải đi học xa, trường này là trường Lộc Thuận, cách làng Phú Vang quê tôi khoảng hai cây số. Đứa học trò nhỏ, đi học lớp nhì trường xa phải cuốc bộ trên con đường đất băng qua xóm rẫy để tới trường. Con đường đất mùa nắng thì còn dễ chịu, nhưng mùa mưa rất lầy lội, trơn trượt, đi không quen dễ bị trượt chân té lăn cù, gọi là "chụp ếch". Tôi đã đi con đường này suốt gần ba năm, từ lớp nhì, lớp nhất, tới nửa năm lớp tiếp liên mới vào Sài Gòn học đệ thất (lớp 6 bây giờ). Trong gần ba năm ấy, tôi thân thiết với con đường nắng mưa đất nóng rát chân hay lầy lội trơn trượt. Vì đường xa nên tôi mang theo "gàu mên" cơm để ở lại trường ăn vào buổi trưa, chiều học xong tới 5 giờ mới ra về.
Trong cái "gàu mên" cơm ấy có hai ngăn, một ngăn đựng cơm và một ngăn đựng mấy con tép rang nước cốt dừa cùng hai trái chuối xiêm chín ăn thay canh. Bữa nào dậy sớm thì tôi ăn cơm nguội rồi đi học, dậy trễ thì phải lo tới trường cho kịp giờ học nên đi học với cái bụng đói đánh lô tô liên hồi, chờ hết giờ học buổi trưa mới lục "gàu mên" cơm ra ăn tại lớp.
Tôi ăn chuối xiêm trường kỳ khi đi học. Ở nhà, má tôi cũng thường xuyên nấu canh chuối xiêm chín, gọi là "chuối xiêm nấu muối". Học trò nhà nghèo, con nhà nghèo trong những bữa cơm hầu như gắn liền với trái chuối xiêm chín ăn tươi hoặc nấu canh. Và một món mặn là nước mắm kho quẹt, sang hơn thì cá lòng tong kho tiêu, sang hơn chút nữa thì tép rang muối hoặc rang nước cốt dừa.
*
* *
Chuối xiêm chín gắn liền với thuở ấu thơ nơi quê nhà cho tới khi tôi vào Sài Gòn. Những năm tháng học trung học, ở nhà thuê rồi mua được nhà ở xóm lao động Thị Nghè, khi bạn bè văn nghệ tới chơi, tôi đều đãi bạn bằng món canh chuối xiêm nấu muối, hột vịt chiên hay cá kho khô. Ai cũng đều ngạc nhiên trước món canh chuối xiêm nấu muối, ăn vừa ngon vừa mát lòng, độc nhất vô nhị mà dân thành phố không biết.
Cho tới bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn đi chợ, tìm mua chuối xiêm chín rục để về nấu canh, ăn để nhớ tuổi thơ, nhớ lại kỷ niệm những năm tháng ở quê nhà với bữa cơm nghèo đã nuôi mình khôn lớn. Nếu tìm không có chuối xiêm chín rục thì mua chuối xiêm già còn xanh về, để vài ba bữa chuối sẽ chín, càng chín rục nấu canh mới ngon, mới ngọt và khi nấu chuối bay mùi thơm đặc trưng, không có món canh nào thay thế được. Nhưng ở các chợ thành phố bây giờ khó tìm được chuối xiêm chín tự nhiên, thường đều bị dú ép. Loại chuối dú ép này không thể nào nấu canh được vì ăn chát và không có mùi thơm đặc trưng của chuối chín tự nhiên.
Nhiều bạn trên mạng xã hội Facebook hỏi tôi về chuối xiêm nấu muối vì thấy lạ và hầu như không ai biết có món canh này. Rất đơn giản, chuối xiêm hay còn gọi chuối sứ là thứ chuối có sẵn trong vườn nhà. Đây là thứ trái quê, miệt rẫy, miệt vườn, tính lành, ăn mát ruột và rất có lợi cho đường tiêu hóa. Chuối xiêm để già trên buồng, tốt nhất là để chín cây chừng vài trái, thấy mấy trái chuối ở nải cuối cùng gần cuống buồng chuối ửng vàng thì chặt buồng chuối xuống, dựng ở góc nhà, chuối sẽ tự nhiên chín hết cả quày. Nếu cẩn thận hơn thì lấy dao bén xắn ra từng nải, không cần dú, cứ để khơi khơi trên bàn ăn, những trái chuối cũng chín đều, rất ngon.
Nhưng nếu muốn làm món canh chuối xiêm nấu muối để ăn mát ruột, giải nhiệt khi trời nóng thì chọn nải chuối chín rục, cắt chừng chục trái, nếu muốn nấu nồi canh cho ba, bốn người ăn. Lột vỏ trái chuối, dùng dao nhỏ cắt bỏ phần chỏm nhọn và cuống rồi xắt theo vòng tròn từng khoanh mỏng độ một xăng-ti-mét. Số chuối đã xắt mỏng này cho vào nồi gọn chứ không nên dùng nồi lớn, đổ nước lấp xấp vừa với mặt những miếng chuối nổi lên (chuối nổi chứ không chìm trong nước). Cho vào lưng muỗng cà phê muối trắng, nửa muỗng canh đường cát trắng (nếu chuối chín rục thì không cần thêm đường vì chuối đã có độ ngọt sẵn), nấu nước sôi độ 5 phút, vớt bọt. Lúc này miếng chuối đã chín, nở đều, trông rất ngon mắt, mùi thơm đặc trưng từ nồi canh chuối nấu muối bốc lên nức mũi. Nêm lại lần nữa, gia giảm độ mặn, ngọt vừa miệng, tắt bếp, nhắc xuống.
Canh chuối xiêm nấu muối không biết khởi nguồn từ đâu trong ẩm thực Nam Bộ. Món này là của nhà nghèo, đơn sơ, chế biến dễ dàng, nhưng nên chú ý khẩu vị và phần nêm nếm độ mặn, ngọt phải hài hòa. Ngọt quá thì thành... chè chuối, còn mặn quá thì thành canh chuối mặn. Tôi biết nấu món này từ nhỏ, ăn nóng cũng ngon mà ăn nguội cũng tuyệt. Canh phải đi kèm với món mặn, món mặn hợp với chuối xiêm nấu muối phải là cá kho khô, tép rang mặn hoặc tép rang nước cốt dừa. Nếu không là cá kho khô, tép rang mặn thì khô nướng, khô chiên, thậm chí nước mắm kho quẹt cũng tuyệt cú mèo. Đặc biệt là nếu không ăn trong bữa cơm, một chén canh chuối xiêm nấu muối múc ra, bỏ ngăn mát tủ lạnh, trưa ngủ dậy mang ra ăn chơi như một món ăn vặt cũng ngon ngây ngất.
Và khi tôi viết bài này, trưa nay tôi lại có món canh chuối xiêm nấu muối.