Người dân Lái Thiêu ‘giữ vườn giữa phố’

Thứ Bảy, 20/05/2023 17:44  | Hồng Cường

|

(CATP) Trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng, tỉnh Bình Dương đang nỗ lực giữ vườn giữa phố để phát triển du lịch sinh thái miệt vườn. Vườn cây Lái Thiêu nổi danh với đặc sản trái măng cụt giờ đang được mở rộng quy mô, trở thành một thương hiệu lớn của cả nước.

Nhà vườn vươn mình

Với vị trí địa lý thuận lợi nằm ven sông Sài Gòn, hệ thống kênh rạch chằng chịt, từ lâu đời người dân ở các phường Hưng Định, An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm, Lái Thiêu (TP.Thuận An, Bình Dương) đã biết trồng cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: măng cụt, sầu riêng, bòn bon, mít tố nữ...

Trong đó, măng cụt Lái Thiêu là sản vật "tiến vua" thời xưa, vinh dự được tổ chức Kỷ lục Việt Nam vinh danh trong "Top 50 đặc sản trái cây nổi tiếng Việt Nam" vào năm 2012. Đến năm 2013, măng cụt Lái Thiêu tiếp tục được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận nhãn hiệu tập thể.

Một vườn măng cụt tươi tốt ở Lái Thiêu

Trong tiết trời oi bức giữa tháng 5/2023, chúng tôi đến vườn cây trái Lái Thiêu (P.An Thạnh). Tại đây, bóng mát của cây xanh nhanh chóng xoa dịu cái nóng. Dù ở giữa lòng một thành phố lớn, chúng tôi có cảm giác như về với vùng quê thanh bình, yên ả. Đón chúng tôi, ông Tôn Thất Tú (chủ một vườn cây măng cụt cổ thụ hơn 100 năm tuổi) rất hồ hởi. Với giọng điệu đầy tự hào, ông dẫn chúng tôi tham quan khu vườn rộng 1 héc-ta đã trải qua 4 đời người canh tác.

"Vườn trồng từ thời ông cố tôi, nay cây già nhưng trái vẫn đều. Cây càng lâu năm thì trái càng ngon. Năm nay, măng cụt được mùa nên nhà vườn ở đây thu nhập ổn. Măng cụt Lái Thiêu có thương hiệu riêng, không có đối thủ cạnh tranh nên đến mùa không đủ để cung cấp ra các tỉnh, thành khác mà chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh" - Ông Tú chia sẻ. Ông mong muốn măng cụt Lái Thiêu sẽ được nhân rộng và có mặt tại các thị trường nước ngoài. Với hơn diện tích 1 héc-ta cây măng cụt, trung bình mỗi năm vườn nhà ông Tú mang lại thu nhập hơn 500 triệu đồng.

Làm món gỏi gà măng cụt, đặc sản đang được nhiều người muốn nếm thử

Bà Nguyễn Kim Hương (chủ vườn cây Hồng Vân ở Lái Thiêu) cho biết: Vườn cây trái của bà rộng hơn 2 héc-ta, có nhiều loại cây trồng như: măng cụt, sầu riêng, mít... Ngày xưa, bà trồng cây chủ yếu để bán, nhưng hơn chục năm trở lại đây bà đã xây dựng, phát triển vườn cây thành địa điểm du lịch sinh thái. Đến vườn cây Hồng Vân, du khách sẽ được tham quan, trực tiếp hái, thưởng thức trái cây và ăn những món đặc sản được làm từ trái cây như: gỏi gà măng cụt, gỏi tôm măng cụt, gà nướng sầu riêng, cá lóc hấp sầu riêng...

Bà Hương chia sẻ: "Với hướng đi mới nhưng vẫn gìn giữ được vườn cây trái, mỗi năm vườn cây Hồng Vân tạo thu nhập cao hơn nhiều lần so với việc chỉ bán trái cây. Tôi hy vọng người dân trồng cây trái ở đây đoàn kết, biết tận dụng, xây dựng được hệ sinh thái du lịch đủ lớn để thu hút du khách".

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (chủ vườn cây 99, Chủ tịch Hội Nông dân P.Hưng Định, TP.Thuận An) cho biết: "Hiện người dân ở đây vẫn hoạt động du lịch nhà vườn theo kiểu nhỏ lẻ. Để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn, cần có sự liên kết của các nhà vườn. Điều này cần sự hỗ trợ về chi phí, phương hướng, chính sách của UBND tỉnh. Hiện hệ thống giao thông vào vườn cũng còn hạn chế và thiếu an toàn (đi đường sông - PV) nên du khách còn ngại đến".

Măng cụt - đặc sản nức tiếng gần xa của Lái Thiêu

Nâng tầm du lịch miệt vườn

Những năm gần đây, Bình Dương đã có nhiều biện pháp để cải tạo, phát triển năng suất, chất lượng vườn cây ăn trái có diện tích hơn 1.238 héc-ta, trong đó diện tích cây măng cụt là 661 héc-ta. Để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái miệt vườn Lái Thiêu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương đưa ra nhiều giải pháp: khuyến khích các cơ sở đầu tư theo hướng phục vụ từng đối tượng du khách như khách nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, hội thảo, du lịch phục vụ các đoàn, du lịch thể thao, giải trí, sông nước... Phối hợp đồng bộ giữa địa phương với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, định hướng; xác định hiệu quả của các loại hình du lịch đồng thời có sự liên kết với các doanh nghiệp lữ hành.

Măng cụt Lái Thiêu đang vào mùa vụ

Ông Nguyễn Thanh Tâm (Chủ tịch UBND TP.Thuận An) cho biết: "Từ lâu, địa phương đã hạn chế tối đa việc phân lô, tách thửa, hạn mức diện tích xây dựng trong vườn cây. Để hỗ trợ các nhà vườn, sắp tới thành phố sẽ đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ nhà vườn như: nâng cấp, nạo vét kênh rạch, các hệ thống thoát nước để chủ động việc tưới tiêu, rửa phèn, ngăn mặn... Ngoài việc đăng ký nhãn hiệu tập thể "măng cụt Lái Thiêu" cho nông dân, sắp tới nhiều chủng loại trái cây đặc sản khác cũng sẽ được đăng ký”.

Theo ông Nguyễn Đức Minh (Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương), tỉnh đang nỗ lực xúc tiến, quảng bá du lịch miệt vườn qua nhiều kênh; tổ chức những đoàn đại biểu thăm, trải nghiệm các khu du lịch miệt vườn để lan tỏa ra các địa phương, du khách, đến các công ty lữ hành. Thời gian tới, tỉnh sẽ chủ trương phát triển du lịch nông nghiệp trong phát triển đô thị nông thôn mới.

Lễ hội Lái Thiêu mùa trái chín năm 2023 theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 22 đến 28/5), với các nội dung sôi nổi: Hội thi duyên dáng miệt vườn, hội chợ trái cây và giống cây trồng, hội chợ thương mại (quy mô hơn 50 gian hàng), liên hoan ẩm thực với chủ đề "Đậm đà hương vị quê hương"... Trong suốt lễ hội sẽ có những hoạt động hấp dẫn như: không gian đờn ca tài tử, chạy việt dã "Cung đường vườn cây trái", thi vẽ tranh giải thưởng mỹ thuật thiếu nhi, trưng bày ảnh đẹp "Đất và người Thuận An", giao lưu âm nhạc đường phố...

Bình luận (0)

Lên đầu trang