Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mà ngày xưa gọi là sông Thị Nghè là một trong những con kênh ấy cho thấy độ rộng và dài chẳng khác một con sông uốn lượn quanh thành phố, như lá phổi xanh không thể thiếu trong cơ thể con người.
Một thời là con kênh chết
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè chảy qua các quận: 1, 3, 10, Tân Bình, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp... dài 8,7km, có rất nhiều cầu lớn, nhỏ trải rộng trên một diện tích 3.300ha. Có thể nói kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không chỉ là nơi thoát nước cho một thành phố lớn mà còn là nét mỹ quan của đô thị ven sông, một lá phổi xanh góp phần làm cho cảnh quan Sài Gòn thêm đẹp, môi trường thành phố thêm trong lành.
Dù không còn được gọi là sông như trước năm 1975, nhưng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng là một con kênh lớn với đặc điểm chảy xuyên suốt qua 7 quận nội thành. Đây là điều khó có được về mặt cảnh quan do thiên nhiên ưu đãi mà ngay đến một thành phố lớn trên thế giới nằm mơ cũng không thấy. Đây là điều may mắn và niềm hạnh phúc rất lớn cho người dân thành phố.
Đầu thập niên 1960, có giai đoạn tôi ở Thị Nghè, đường Nguyễn Văn Lạc, gần chợ. Nhà tôi ở một nửa nền đất, một nửa là sàn de ra mặt sông Thị Nghè. Lúc ấy nước sông chưa ô nhiễm vẫn còn sạch trong, xế chiều tôi vẫn đứng trên nhà sàn nhảy ùm xuống tắm và lội một mạch qua bên kia sông phía Sở thú rồi lội ngược trở về trong làn nước mát lạnh. Người ta vẫn thường câu tôm, câu cá dọc theo cầu Thị Nghè; ghe thuyền lớn, nhỏ vẫn ngược xuôi chở các mặt hàng rau quả, tạp hóa dập dìu. Dưới gầm cầu Thị Nghè luôn có những chiếc ghe lớn neo đậu để chuyển và nhận hàng từ chợ Thị Nghè rồi đi khắp nơi.
Ban đêm tôi vẫn nghe tiếng cọp gầm, vượn hú bên phía Sở thú. Tối thứ bảy, chủ nhật tôi vẫn cùng lũ bạn trong xóm kéo nhau sang khu vực Giải trí trường xem cải lương, xem đại nhạc hội, xem xiếc của Lê Văn Quý biểu diễn. Còn nhớ ở khu vực Giải trí trường qua phía bên kia Sở thú có một cây cầu sơn màu đỏ. Sau này cây cầu mới sập và giờ đây người ta đã xây lại thành một cây cầu mới hiện đại hơn, phù hợp với cảnh quan đô thị khi có đường Nguyễn Hữu Cảnh thông ra xa lộ Hà Nội, ngay dưới chân cầu Sài Gòn.
Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lung linh về đêm
Từ năm 1965 trở về sau, do tình trạng chiến tranh lan rộng, người dân thôn quê tránh bom đạn ác liệt nên bỏ ruộng vườn nhập cư vào thành phố nhiều. Đáp ứng nhu cầu về nhà trọ cho dân nhập cư, những "đại gia" nhà đất lúc đó vung tiền lấn chiếm kênh, rạch cất nhà cho thuê. Do đó, 2 bên kênh Thị Nghè lúc bấy giờ nhà trọ mọc lên san sát, kể cả nhà sàn cất ngay trên bãi lầy trồng rau muống. Tình trạng ăn ở, sinh hoạt bừa bãi, mạnh ai nấy thải rác xuống kênh Thị Nghè, cầu tũm nhan nhãn... con kênh nước trong veo ngày càng tắc nghẽn, tù đọng, hôi thối, nước đen kịt, trở thành một nơi ô nhiễm bậc nhất thành phố.
Sau năm 1975, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp mọc lên góp phần... xả chất thải không qua xử lý xuống con kênh đã quá ô nhiễm thành ô nhiễm nặng nề, hết thuốc chữa, đã biến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thành con kênh chết với hàng núi rác ngập dưới đáy. Dọc 2 bờ kênh và quanh khu vực có hàng chục ngàn hộ dân sinh sống trong cảnh chật chội, bẩn thỉu, mất vệ sinh. Ủy ban nhân dân Thành Phố đã tập trung giải tỏa hàng chục ngàn nhà ổ chuột, nhà xây cất lấn chiếm kênh rạch, di dời các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất có nguồn nước thải ô nhiễm ra khỏi địa bàn, trong đó có kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Rồi những chiến dịch thanh niên tình nguyện vớt rác, phong trào xanh sạch thành phố được triển khai... kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè được cải tạo dần, nhưng chẳng ăn thua. Con kênh hôi thối được gọi là kênh nước đen Nhiêu Lộc - Thị Nghè là một thách thức lớn cho nỗ lực làm trong sạch môi trường, mang lại mỹ quan cho bộ mặt thành phố.
Thế là dự án "Vệ sinh môi trường thành phố kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè” ra đời vào giai đoạn 1976-1979 với nguồn kinh phí ban đầu có 500 triệu đồng và những năm sau đó TP đã chi hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho dự án nhằm thực hiện mục đích này với hy vọng biến con kênh nước đen, hôi thối, ô nhiễm bậc nhất trở nên sạch, xanh hơn. Tổng số vốn đầu tư cho dự án đã lên đến 199,6 triệu đô la, trong đó vốn ODA của Ngân hàng Thế giới (WB) là 166,7 triệu đô la.
Đến hôm nay người dân thành phố đã một phần nào hưởng lợi ích từ công trình này. Đường 2 bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được mở rộng, nhiều cây cầu đã được xây mới, nhiều khoảng trống dọc suốt 2 bờ kênh đã thành công viên trồng cỏ xanh, cây cảnh. Con kênh rộng dài đã được kè đá xanh, đặc biệt là dòng nước dưới kênh đã được cải tạo, tuy chưa xanh trong thường xuyên như mong muốn, nhưng sự ô nhiễm đã giảm thấy rõ. Anh bạn tôi có nhà trên đường Hoàng Sa sát bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã sắm cần câu máy và thường khoe rằng đã câu được cá rô đầu vuông, cá chép, có cả rùa mai vàng... Như thế là con kênh ô nhiễm nặng ngày nào đã được hồi sinh.
Chèo thuyền du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Sức sống từ một dòng kênh đã được đánh thức
Sài Gòn - TP.Hồ Chí Minh là thành phố công nghiệp, trung tâm văn hóa kinh tế lớn của cả nước, tốc độ phát triển mọi mặt rất nhanh, trong đó có mặt xây dựng, nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều. Ngày nay, 2 bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè nhà ổ chuột không còn, thay vào đó là những ngôi nhà phố khang trang, buôn bán sầm uất. Nhưng sự phát triển không ngừng, bước chân hiện đại ngày càng đi tới, nhà lầu bê-tông san sát không có nghĩa là mảng xanh bị bức tử, mà trái lại càng mở rộng ra.
Bên cạnh những hàng cây xanh trên mọi nẻo đường thành phố hoặc công viên, một mảng xanh khác, một khoảng trời khác cũng rất cần được cải tạo, nâng cấp. Đó là những con sông, con rạch, con kênh bao quanh mà thành phố đã may mắn được thiên nhiên ban tặng, trong đó kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè không kém phần quan trọng nếu không muốn nói là chủ lực, bởi đây là con kênh rất đẹp nếu được cải tạo, nâng cấp như mong muốn.
Những buổi sáng sớm hoặc lúc chiều tối đã lên đèn, công viên dọc 2 bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tấp nập người đi dạo, ngoạn cảnh, hít thở khí trời mát lành, tập thể dục dưỡng sinh, người câu cá, người ngồi trên bãi cỏ kháo chuyện... tệ nạn xã hội mất dần, tích cực đã đầy lùi tiêu cực. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hay theo cách gọi ngày xưa: sông Thị Nghè đã thực sự thức dậy sau những năm dài im ngủ trong sự tù đọng, đen tối, hôi hám của mình. Nhiều người dân thành phố chắc chắn sẽ yêu quý "con sông" này nhiều hơn và với tấm lòng yêu quý một dòng sông đã từng gắn bó với mình, không ai nỡ vứt rác, xả chất thải một cách vô tội vạ và chắc chắn nó sẽ xanh trong hơn nữa.
Ngày nay, kênh Nhiêu Lộc chảy xuyên qua nhiều quận nội thành: Bình Thạnh, Quận 1, Quận 3, Tân Bình... không chỉ tạo được cảnh quan tươi đẹp cho thành phố với hai con đường song hành hai bên bờ kênh Trường Sa, Hoàng Sa; nhà phố khang trang, thông thoáng, xe cộ lưu thông liên quận được thuận lợi, tránh bớt vấn nạn kẹt xe, mà ở khu vực công viên 2 bên bờ kênh sáng sáng, chiều chiều có bao người đi dạo, ngoạn cảnh, tập thể dục dưỡng sinh, câu cá... Hơn thế nữa, người dân thành phố còn mơ ước nó thành một điểm vui chơi giải trí, du lịch trên sông lý tưởng không chỉ có thuyền, ghe tấp nập, mà có cả tàu du lịch cỡ nhỏ ngược xuôi và điều này đã trở thành sự thật.
Là một cư dân cố cựu của thành phố, đã từng chứng kiến những bước thăng trầm của con sông Thị Nghè theo cách gọi ngày xưa hay kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bây giờ, tôi cũng rất mong điều mơ ước này sẽ thành sự thật, bởi một điều rất giản đơn: Tôi là người của thành phố ven sông. Nếu thành phố Sài Gòn mà không có những dòng sông, con kênh, con rạch trong xanh, mát lành vây quanh thì ngẫm còn gì ý nghĩa gì nữa? Lúc đó, dù Sài Gòn có nhà cao tầng chất ngất, phố sá hiện đại bao nhiêu, ôtô siêu sang nườm nượp mà không có khoảng trời cao thênh thang và màu xanh lồng lộng ấy thì người dân Sài Gòn sẽ giống như sống trong một chiếc hộp, khô cứng, ngộp thở và buồn tẻ biết bao nhiêu.