Cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo dịp lễ và nghỉ hè sắp tới

Thứ Tư, 26/04/2023 15:54

|

(CATP) Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo thực hiện qua điện thoại, bằng công nghệ cao, giả giọng nói, hình ảnh, giả cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật… Chuyên đề Công an TPHCM đã liên tục phản ánh về những thủ đoạn lừa đảo nhằm giúp nhân dân nâng cao cảnh giác. Vào dịp lễ 30/4, 01/5 và nghỉ hè sắp tới, nhu cầu đi lại tăng cao, tội phạm lừa đảo cũng lợi dụng để tung nhiều "chiêu lừa" mới.

Hàng chục "chiêu lừa" tinh vi

Có thể điểm qua các thủ đoạn lừa đảo đã có lâu nay như lừa đảo qua mạng xã hội, điện thoại, công nghệ cao; giả danh cán bộ của cơ quan thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án...) rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp, với lý do để phục vụ điều tra, nhưng thực chất là chiếm đoạt. Một cách khác là giả danh nhân viên ngân hàng, hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân. Lừa đảo kiểu vờ thông báo nhà mạng nâng cấp sim 4G, nạn nhân sơ ý, làm theo hướng dẫn thì sẽ bị mất số điện thoại cùng tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó. Hoặc kẻ gian giả nhân viên siêu thị, doanh nghiệp, nhà mạng..., gọi điện, gửi email, tin nhắn thông báo khách hàng trúng thưởng xe máy xịn, điện thoại đời mới..., yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt.

"Bẫy tình" trên mạng xã hội cũng gây ra nhiều cảnh "dở khóc dở cười" cho các nạn nhân. Đối tượng giả làm người nước ngoài, làm quen, kết bạn với nạn nhân qua mạng xã hội rồi hứa hẹn gửi ngoại tệ, vàng, tài sản khác sang Việt Nam để tặng cho, nhờ giữ giùm. Sau đó, đồng phạm của đối tượng giả làm nhân viên hải quan, công ty vận chuyển hàng, gọi điện cho nạn nhân để yêu cầu đóng phí, thuế thì mới được nhận quà. Hay tình trạng tuyển nhân viên, cộng tác viên làm việc bán hàng online, đặt mua đơn hàng trên mạng, cho nhận chiết khấu được một vài lần rồi chiếm đoạt tiền nạn nhân đặt mua hoặc đặt cọc trị giá lớn.

Việc đi lại dịp lễ và nghỉ hè tăng cao, người dân cần cảnh giác nhằm tránh sập bẫy kẻ gian

Chưa kể thủ đoạn giả mạo cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH), thông báo nạn nhân đang nợ tiền BHXH, yêu cầu đóng phí rồi bỏ túi, tiêu xài cá nhân. Không ít đối tượng lợi dụng việc làm từ thiện, kêu gọi người dân ủng hộ rồi chiếm đoạt. Độc địa hơn, có đối tượng còn giả làm Mạnh Thường quân, hứa hẹn hỗ trợ tiền, quà cho các cơ sở khó khăn, rồi hướng dẫn nạn nhân bấm vào link của website giả mạo ngân hàng, sau đó chiếm đoạt thông tin tài khoản của nạn nhân và chuyển hết tiền trong tài khoản đến tài khoản của mình. Một thủ đoạn nữa là giả cung cấp số lô đề để trúng thưởng lớn, chiêu dụ nạn nhân chơi đề và chiếm đoạt tiền nạn nhân chi trả "hoa hồng".

Bộ Công an cho biết, đối với các trang mạng xã hội (fanpage) hoạt động mua bán, quảng bá các gói du lịch, nhất là gói du lịch giá rẻ, vé máy bay giá rẻ, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký), có uy tín mà mình biết rõ thông tin về người bán. Khách hàng cần xác nhận lại thông tin đặt phòng, đặt vé máy bay với nơi cung cấp dịch vụ để kịp thời phát hiện dấu hiệu lừa đảo, trình báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, giải quyết.

Ngay cả tình trạng chiếm đoạt tài khoản cá nhân trên mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo..., giả gọi điện cho người quen của nạn nhân để nhờ chuyển khoản. Các đối tượng còn giả làm nhân viên y tế, gọi điện thông báo với nạn nhân là người thân của họ đang cấp cứu, yêu cầu chuyển tiền. Hay việc giả nhân viên ngân hàng, gửi tin nhắn kích hoạt dịch vụ nhằm chiếm đoạt tiền trong tài khoản; giả sàn giao dịch, mua hàng trực tuyến; vờ chuyển tiền nhầm đến tài khoản ngân hàng của nạn nhân rồi ép vay lãi nặng; giả cán bộ CSGT, cán bộ viễn thông, điện lực... Theo Công an TPHCM, khi tiếp xúc hoặc bị đối tượng gọi điện lừa đảo theo các thủ đoạn trên, điều đầu tiên người dân cần làm là báo ngay đến cơ quan công an nơi gần nhất và tuyệt đối không chuyển tiền theo hướng dẫn qua điện thoại, email, tin nhắn cho các đối tượng.

Vẫn còn nạn dọa khóa sim

Theo Công an TPHCM, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06), thời gian qua, các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai nhiều biện pháp kết nối dữ liệu thông tin thuê bao của doanh nghiệp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phát hiện còn nhiều trường hợp thuê bao có thông tin chưa trùng khớp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM khám xét trụ sở của một nhóm lừa đảo

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là giải quyết tình trạng sử dụng sim thuê bao di động không đúng quy định, các nhà mạng gửi tin nhắn cho những thuê bao chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần, để đề nghị khách hàng cập nhật dữ liệu. Thuê bao sẽ bị dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều nếu không thực hiện cập nhật dữ liệu sau 15 ngày, dừng hai chiều nếu không thực hiện sau 15 ngày tiếp theo. Sau đó, khách hàng vẫn không cập nhật dữ liệu thì 30 ngày sau nhà mạng sẽ chấm dứt hợp đồng thuê bao. Lợi dụng hoạt động trên, một số đối tượng giả làm nhân viên của nhà mạng, gọi điện đe dọa ngừng dịch vụ, dụ dỗ nạn nhân chuyển tiền đến số tài khoản của các đối tượng cung cấp rồi chiếm đoạt.

Trước tình hình trên, Công an TPHCM đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác, không cung cấp, tiết lộ thông tin cá nhân theo các phương thức trên. Khi người dân có nhu cầu chuẩn hóa thông tin thuê bao điện thoại, cần liên hệ nhà mạng để thực hiện đúng quy định.

Lừa bán vé máy bay, tàu, xe

Lợi dụng nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, nhất là dịp lễ 30/4, 01/5 và nghỉ hè sắp tới, tâm lý muốn đi du lịch giá rẻ của một bộ phận người dân, các đối tượng tội phạm đang gia tăng hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới nhiều hình thức. Chuyên đề Công an TPHCM điểm qua một số phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường xuyên sử dụng.

Nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

Một thủ đoạn cần đề phòng là kẻ gian đăng bài viết quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn giá rẻ trên mạng Internet và mạng xã hội, với nhiều tiện ích kèm theo, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc từ 30 - 50% để đặt cọc rồi chiếm đoạt. Một số đối tượng khác đăng bài quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỉ lệ thành công cao và hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí thì được các đối tượng hướng dẫn điền thông tin vào tờ khai xin visa, hoàn thiện hồ sơ... Sau đó, các đối tượng viện cớ nạn nhân khai thiếu thông tin nên không xin visa được và không trả lại tiền.

Đã có đối tượng làm giả website hoặc fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả hình chụp biên lai, hóa đơn thanh toán rồi đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển tiền, đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết. Đối tượng còn làm giả hoặc chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè của họ rồi cho biết đang mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài, cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ "Deepfake" thực hiện cuộc gọi "video call" để nạn nhân tưởng đang nói chuyện với người thân rồi chuyển tiền.

Một thủ đoạn khác là các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, sau đó quảng cáo các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung để thu hút khách hàng. Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và chặn liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết được việc này khi đến sân bay nhưng... không được lên chuyến bay đó. Đối với vé tàu hỏa, xe khách, khi đặt vé cũng cần liên lạc trực tiếp với nhà ga hoặc nơi doanh nghiệp vận tải hành khách đặt trụ sở, đại lý chính thức.

Bộ Công an khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, phòng vé máy bay của những công ty uy tín hoặc qua các "app" du lịch (ứng dụng du lịch) hợp pháp. Người dân cần cảnh giác khi nhận lời mời chào mua gói du lịch với mức giá quá rẻ (rẻ hơn từ 30 - 50% so với giá chung của thị trường). Đặc biệt, thận trọng khi đơn vị du lịch yêu cầu chuyển tiền cọc để giữ chỗ. Chú ý các dấu hiệu nhận biết website giả mạo thông qua tên website và tên miền. Thông thường, tên các website giả gần giống với tên các website thật, nhưng sẽ có thêm hoặc thiếu một số ký tự. Ví dụ: tên miền giả thường sử dụng những "đuôi" lạ như: ".cc", ".xyz", ".tk"...

Bình luận (0)

Lên đầu trang