Báo động thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ Năm, 20/04/2023 10:11

|

(CATP) Thời gian qua, Chuyên đề Công an TPHCM đã đăng nhiều bài cảnh báo về những thủ đoạn lừa đảo tinh vi phổ biến hiện nay. Nhiều đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị triệt phá, nhưng hàng ngày vẫn còn nhiều nạn nhân sập bẫy lừa.

1001 kiểu lừa đảo...

Ngày 19-4-2023, anh Trần Thanh Hòa (ngụ Q3, TPHCM) bức xúc: "Ngày nào tôi cũng nhận nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn rác từ mạng xã hội. Trong khi các cơ quan chức năng ra sức loại trừ những sim rác, nhưng hình như tội phạm lừa đảo vẫn có cách để đối phó với cơ quan chức năng và nhắm vào nạn nhân nhẹ dạ, cả tin".

Anh Hòa trưng ra hàng loạt tin nhắn, như được gửi từ mạng xã hội "wdcqeidg... chào bạn, tôi là quản lý nhân sự, cần tuyển nhân viên làm việc online trên điện thoại, làm mọi lúc mọi nơi... mỗi ngày bạn được trả đến 1,8 triệu đồng. Chưa hết, các nội dung tin nhắn từ mạng xã hội theo kiểu na ná nhau, nhưng nhiều nhất vẫn là "việc nhẹ, lương cao".

Anh Hòa cho biết, lúc đầu tò mò, chưa cảnh giác, lỡ liên hệ Zalo với bọn lừa đảo này sẽ bị "đóng phí”. Vì các mối quan hệ làm ăn, thấy số lạ, hay tin nhắn anh Hòa đều phải quan tâm, nhưng cứ phải "tiếp" các đối tượng lừa đảo.

Người dân cần thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo thủ đoạn của tội phạm qua các trang thông tin chính thống, từ công an, chính quyền; luôn cảnh giác cao độ vì tội phạm lừa đảo qua mạng, điện thoại luôn biến tướng rất tinh vi, khó ngờ - Ảnh minh họa

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã khởi tố Bùi Minh Nguyệt (SN 2003, ngụ Khu dân cư Vũ La, P.Nam Đồng, TP.Hải Dương) và Khổng Thị Nga (SN 1996, ngụ Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Trong tháng 3-2023, 2 đối tượng này đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn H.Nam Sách, tỉnh Hải Dương.

Theo đó, Nguyệt và Nga chuyên làm giả hóa đơn chuyển khoản ngân hàng để lừa đảo. Thủ đoạn được Nguyệt sử dụng là đến các cửa hàng dược phẩm, quần áo thời trang, tạp hóa... trên địa bàn để mua hàng và đề nghị thanh toán chuyển khoản qua Internet Banking.

Sau khi các chủ cửa hàng cung cấp số tài khoản ngân hàng, Nguyệt gửi thông tin (số tài khoản ngân hàng của chủ cửa hàng) cho Nga qua ứng dụng Zalo. Sau đó, Nga làm giả các hóa đơn chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng rồi gửi lại cho Nguyệt để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bằng chiêu mua hàng hóa rồi cắt ghép số tiền, số tài khoản của chủ cửa hàng do Nga thực hiện, Nguyệt đưa màn hình điện thoại là "đã chuyển trả tiền hàng", nhưng thực chất là lừa đảo rồi Nguyệt cùng kiện hàng biến mất, khiến chủ cửa hàng cứ ngỡ tiền đã gửi, nhưng tài khoản thanh toán hàng chẳng thấy đâu. Tổng cộng, Nguyệt đã lừa đảo 5 bị hại với số tiền 8 triệu đồng. Ngoài ra, bị can Nguyệt còn khai bằng thủ đoạn tương tự đã thực hiện trót lọt 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại TP.Hải Dương, Chí Linh, thị xã Kim Môn, H.Thanh Hà, Kim Thành và Gia Lộc.

Trước đó, Công an TP.Tam Điệp đã bắt giữ Bùi Thị Bích (SN 2001, ngụ tại xã Yên Trị, H.Ý Yên, tỉnh Nam Định) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bích dùng mạng xã hội mua hàng của chị N.T.N tại TP.Tam Điệp và chụp hình ảnh chuyển khoản tiền thanh toán thành công 47 triệu đồng (trong tháng 02-2023). Khi kiểm tra tài khoản, chị N.T.N phát hiện không có tiền.

Công an TP.Tam Điệp đã nhanh chóng bắt giữ Bích về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tại cơ quan Công an, Bích khai lấy nhiều tài khoản mạng xã hội để mua hàng của chị N.T.N, sau đó dùng phần mềm tạo hóa đơn chuyển tiền giả. Trên thực tế, chị N. không nhận được tiền thanh toán hàng mà Bích đã mua.

Biến tướng tinh vi

Lợi dụng công nghệ nhân tạo, những thủ đoạn lừa đảo sử dụng công nghệ cao biến tướng khá tinh vi thời gian gần đây đang được các ngân hàng thông báo để người dân phòng tránh. Kẻ gian thu thập thông tin của cá nhân mà đối tượng muốn thực hiện hành vi giả mạo, sau đó lập tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... có ảnh đại diện, tên tài khoản, hình nền giống với người bị mạo danh. Sau đó nhờ một người có tên tương tự để mở tài khoản ngân hàng trùng với người bị giả mạo.

Tang vật một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Sau khi kết bạn với người trong danh bạ (được cho là dữ liệu mua từ bên thứ 3), đối tượng giả mạo sẽ nhắn tin, sử dụng công nghệ AI để làm giả cuộc gọi video-call hỏi vay tiền với lý do cần việc gấp, cần tiền chữa bệnh... rồi gửi số tài khoản có tên chủ tài khoản chính xác là người bị mạo danh, khiến nhiều người tin tưởng và chuyển tiền đến tài khoản đó.

Đối tượng lừa đảo còn với chiêu sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để gọi điện thông báo khách hàng đang bị điều tra do liên quan tới hành vi phạm pháp luật. Lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, kết hợp với tâm lý e ngại, đối tượng lừa đảo dùng lời lẽ đe dọa yêu cầu người dân cung cấp thông tin thẻ, tài khoản, mã OTP... Đồng thời, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản đã được chỉ định với vỏ bọc xác minh, điều tra nhằm chiếm đoạt tài sản.

Hiện việc sử dụng wifi công cộng cũng có nguy cơ để lộ thông tin. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới, cho thấy người dân cần lưu ý, như giả mạo đường dây nóng của ngân hàng trên công cụ tìm kiếm để khi khách hàng gọi đến số điện thoại giả, các đối tượng sẽ mạo danh nhân viên ngân hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin đăng nhập ngân hàng trực tuyến, mật khẩu, OTP để chiếm đoạt tài sản. Hoặc chuyển hướng cuộc gọi bằng cách giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, gọi hỗ trợ giải quyết sự cố về bảo mật.

Các đối tượng lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng có dấu hiệu xuất hiện trở lại, nên người dân cần cảnh giác khi nhận được tin nhắn ở chính thư mục tin từ ngân hàng gửi đến. Điểm nhận diện những tin nhắn giả mạo nằm trong chính hộp thư của ngân hàng này đó là luôn kèm theo một đường link (giả mạo) để yêu cầu người dân đăng nhập vào, từ đó chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng.

Công an TPHCM triệt phá đường dây lừa đảo giả mạo nhân viên ngân hàng

Ngoài ra, một số thủ đoạn khác cũng đang được tội phạm lừa đảo triển khai gần đây, như mời rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc chuyển đổi giao dịch trả góp với lãi suất thấp. Từ đó yêu cầu khách hàng cung cấp hình ảnh 2 mặt thẻ hoặc số thẻ, CVV, OTP và số tiền cần rút. Kẻ gian hứa hẹn sẽ chuyển khoản lại tiền nhưng thực tế khách hàng không nhận được hoặc nhận được số tiền ít hơn nhiều so với số tiền đã bị ghi nợ trên thẻ trước đó.

Hoặc đối tượng mạo danh là nhân viên ngân hàng, gọi điện yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin thẻ tín dụng (số thẻ, ngày hết hạn thẻ, mã CVV, mã OTP...) để được hỗ trợ đóng phí bảo hiểm thẻ (khoảng 2 - 3 triệu đồng), hoặc được hưởng ưu đãi hoàn phí bảo hiểm liên kết thẻ tín dụng mà khách hàng đang tham gia.

Sau khi có được thông tin, đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tiền trong thẻ tín dụng của khách hàng, hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng lừa đảo mở thẻ tín dụng giả, thu phí khách hàng, lừa đảo nâng hạn mức thẻ tín dụng với điều kiện đóng phí nâng hạn mức rồi sau đó chặn toàn bộ liên lạc với khách hàng.

Người sử dụng các thiết bị di động khi dùng wifi công cộng cũng cần lưu ý mức độ an toàn bảo mật. Trong 5 năm trở lại đây, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra cảnh báo nguy cơ mất an toàn thông tin trên các thiết bị sử dụng mạng không dây (wifi). Một số ngân hàng, chuyên gia cảnh báo người dân hạn chế tối đa việc sử dụng wifi công cộng, nhất là những Wifi không có mật khẩu để giao dịch ngân hàng, chuyển tiền, thanh toán...

Tin tặc, tội phạm lừa đảo có thể thiết lập mạng wifi giả mạo với tên giống hoặc tương tự các mạng wifi công cộng. Khi người dùng kết nối vào mạng giả mạo này, bọn xấu có thể kiểm soát hoạt động trên mạng và đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng. Khi phát hiện dấu hiệu tội phạm lừa đảo cần báo ngay Công an gần nhất, đặc biệt tuyệt đối không thực hiện theo chỉ dẫn và nhấp vào các đường dẫn (link) lạ.

Bình luận (0)

Lên đầu trang