Từ vụ Nguyễn Phương Hằng, cảnh báo về ứng xử trên không gian mạng

Thứ Ba, 11/04/2023 10:03

|

(CATP) Kết luận điều tra vụ án cho thấy, bị can Nguyễn Phương Hằng phát ngôn có những lời lẽ gây "sốc", sử dụng nhiều từ ngữ dung tục để nhục mạ người khác, bất chấp các quy định của pháp luật, văn hóa ứng xử lẫn thuần phong mỹ tục. Qua vụ án này, cần chấn chỉnh, mạnh tay để làm "sạch" môi trường văn hóa, ứng xử trên không gian mạng. Không thể để bất cứ người nào lầm tưởng vào "quyền lực ảo" trên mạng để vô tư phán xét người khác một cách vô tội vạ.

Liên tục xâm phạm quyền, lợi ích của người khác

Như Chuyên đề Công an TPHCM đã thông tin, đây là vụ án "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", do bị can Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, ngụ P.Bến Nghé, Q1, TPHCM) cùng đồng phạm thực hiện, hành vi phạm tội xảy ra tại TPHCM và tỉnh Bình Dương. Bị can Nguyễn Phương Hằng là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, được nhiều người biết đến và nhiều người theo dõi trên mạng xã hội.

Lợi dụng sức ảnh hưởng của cá nhân, bị can Nguyễn Phương Hằng đã liên tục tổ chức các buổi "livestream" (truyền trực tiếp lên mạng xã hội) để nói về nhiều chủ đề, nội dung chưa được kiểm chứng. Trong đó, có phát ngôn về chuyện bí mật đời tư, cuộc sống riêng của nhiều cá nhân, ảnh hưởng đến uy tín, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các cá nhân đó, ảnh hưởng tiêu cực đến dư luận xã hội.

Với hàng loạt phát ngôn tại các buổi livestream và đăng trên mạng xã hội về các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh (nghệ sĩ Hoài Linh), Nguyễn Thị Mỹ Oanh (ca sĩ Vy Oanh), Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên), Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu, Trương Thị Việt Hà, bị can Nguyễn Phương Hằng khai do đọc thông tin trên mạng Internet, đọc báo và nằm mơ, chứ chưa kiểm chứng và không có căn cứ chứng minh đó là sự thật.

Tiến sĩ luật Đặng Anh Quân và Nguyễn Phương Hằng trong một buổi livestream

Bị can Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 tài khoản các mạng xã hội Youtube, Facebook, TikTok để thực hiện các buổi livestream. Từ khoảng tháng 3-2021, thông qua các tài khoản mạng xã hội này, Nguyễn Phương Hằng tổ chức nhiều buổi livestream để nói về nhiều chủ đề, nội dung khác nhau, được rất đông cư dân mạng theo dõi, chia sẻ, bình luận. Tại các buổi livestream, bị can Nguyễn Phương Hằng đã phát ngôn những nội dung về chuyện bí mật đời tư cá nhân và những nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều cá nhân.

Sau đó, các cá nhân này đã gửi đơn tố cáo Nguyễn Phương Hằng, gồm các ông, bà: Võ Nguyễn Hoài Linh, Nguyễn Thị Mỹ Oanh, Đặng Thị Hàn Ni, Nguyễn Đức Hiển, Trần Thị Thủy Tiên, Lê Công Vinh, Huỳnh Minh Hưng, Đinh Thị Lan, Lê Thị Giàu và Trương Thị Việt Hà. Nơi bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện livestream là nhà riêng, tại công ty của Nguyễn Phương Hằng hoặc trên ôtô cá nhân khi di chuyển từ TPHCM và tỉnh Bình Dương.

Theo kết luận điều tra, các bị can Nguyễn Phương Hằng, Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân và Đặng Anh Quân có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý. Các bị can phạm tội có tổ chức và phạm tội 2 lần trở lên. Hành vi của các bị can là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thừa nhận sử dụng ngôn ngữ xúc phạm nặng nề

Kết quả điều tra xác định, đối với ông Võ Nguyễn Hoài Linh, trong các buổi livestream ngày 28-4, 05-5, 09-5, 14-5, 19-5, 22-12, 24-12 (cùng năm 2021) và 08-4-2022, bị can Nguyễn Phương Hằng đã có các phát ngôn về ông Hoài Linh như sau: "...đi kết hợp với một người làm cho người ta đau khổ là sống điên đảo tán gia bại sản, lên bờ xuống ruộng... Là bởi vì họ có những tư duy giống nhau,... tư duy âm binh". Rất nhiều câu, từ mà bị can Nguyễn Phương Hằng sử dụng mang tính chất xúc phạm nặng nề, như: "Mày là thằng lừa đảo..., tao khẳng định mày là trộm cắp...", "... không có liêm sỉ, không biết nhục là gì, ha".

Đối với ca sĩ Vy Oanh, trong các buổi livestream ngày 16-5, 25-5, 30-6, 05-7, 03-10, 09-10, 03-11, 07-11, 08-11 (cùng năm 2021), bị can Nguyễn Phương Hằng còn sử dụng nhiều từ thóa mạ, sỉ nhục ca sĩ này hơn. Khi bị can Nguyễn Phương Hằng nói về ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng vậy.

Bị can Nguyễn Phương Hằng

Quá trình điều tra, bị can Nguyễn Phương Hằng thừa nhận đã phát ngôn với lời lẽ xúc phạm đối với các ông, bà: Hoài Linh, Vy Oanh, Hàn Ni, Đức Hiển, Thủy Tiên, Công Vinh, Đàm Vĩnh Hưng, Đinh Thị Lan. Bị can Nguyễn Phương Hằng cũng thừa nhận đã chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Nhi, Lê Thị Thu Hà, Huỳnh Công Tân soạn thảo, đăng tải bài viết xúc phạm các bà Lê Thị Giàu và Trương Thị Việt Hà. Đối với nghệ sĩ Hoài Linh, bị can Nguyễn Phương Hằng cho rằng ông Hoài Linh có mối quan hệ với ông Võ Hoàng Yên, nhưng khi bị can này yêu cầu ông Hoài Linh cùng lên tiếng về hành vi lừa đảo của ông Yên thì ông Hoài Linh im lặng.

Đối với ca sĩ Vy Oanh, bị can Nguyễn Phương Hằng khai rằng bà Oanh đã đăng một bài viết trên trang Facebook "Vy Oanh", ở phần bình luận bà Oanh trả lời một Facebooker có nội dung mà bị can Nguyễn Phương Hằng cho rằng mang ý xỉa xói liên quan đến việc mình ủng hộ phần đất để làm từ thiện trong thời gian cả nước phòng, chống dịch Covid-19. Đây là nguyên nhân để bị can Nguyễn Phương Hằng thực hiện livestream có một số nội dung xúc phạm bà Oanh.

Tương tự, bị can Nguyễn Phương Hằng cũng cho rằng bà Hàn Ni đã nhiều lần phát ngôn trên mạng xã hội xúc phạm, "chống phá” Công ty Đại Nam, "chống phá” Quỹ từ thiện Hằng Hữu. Đối với vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh, bị can Nguyễn Phương Hằng cho rằng ca sĩ Thủy Tiên hoạt động từ thiện không minh bạch, "ăn chặn" tiền từ thiện của nhân dân. Hay đối với ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, bị can Nguyễn Phương Hằng cho rằng do ca sĩ này có những phát ngôn liên quan đến nghệ sĩ Hoài Linh, cả hai chơi thân với nhau nên ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã lên mạng phát ngôn xúc phạm Nguyễn Phương Hằng trước...

Bị can Đặng Anh Quân lúc bị bắt

Thật không thể chấp nhận được hành vi vi phạm pháp luật từ các lý do mà bị can Nguyễn Phương Hằng nêu ra. Theo quy định của pháp luật, nếu cho rằng bản thân bị người khác xúc phạm về danh dự, nhân phẩm, công dân cần gửi đơn đến cơ quan chức năng, yêu cầu điều tra, xem xét xử lý (nếu có), đằng này Nguyễn Phương Hằng lại "đáp trả” bằng cách ứng xử vi phạm pháp luật trên không gian mạng. Chưa kể bị can Nguyễn Phương Hằng còn "kéo theo" một số người làm công ăn lương vi phạm pháp luật, đó là nhóm 3 bị can "trợ lý” cũng vướng vào lao lý.

Ngay cả tiến sĩ luật, đang là giảng viên của Trường Đại học Luật TPHCM - Tiến sĩ Đặng Anh Quân, được Nguyễn Phương Hằng mời tham gia các buổi livestream rồi "giúp sức", tung hứng, hỗ trợ cho Nguyễn Phương Hằng vi phạm pháp luật. Sau đó, có các kiểu "ăn theo" nhằm tăng lượng truy cập mà hàng loạt kênh cá nhân trên mạng Youtube đăng tải lại, tuy chưa đến mức bị xử lý hình sự trong vụ án này, nhưng cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

Hoạt động văn hóa, ứng xử, phát ngôn, bình luận, nhận xét... trên không gian mạng đều có quy tắc, quy định rõ ràng. Để làm trong sạch môi trường này (đặc biệt là qua vụ án Nguyễn Phương Hằng), các cơ quan chức năng cần mạnh tay hơn nữa, xử phạt kèm theo những mức phạt, hình thức phạt bổ sung nghiêm khắc. Hiện nay, việc sử dụng tivi, mạng Internet, điện thoại thông minh là phổ biến, khi mở lên, nhiều chủ kênh cá nhân trên mạng Youtube, Facebook... bất chấp pháp luật, giật tít, cắt ghép hình ảnh..., khiến người xem không khỏi "thót tim". Đó không phải là thông tin đúng sự thật, gây tác hại vô cùng xấu đến môi trường không gian mạng, ảnh hưởng tâm lý người xem, nhất là đối với trẻ em.

Bình luận (0)

Lên đầu trang