Thủ đoạn lừa đảo bằng công nghệ cao diễn biến phức tạp
Ngày 17-4-2023, Công an TPHCM phát thông báo cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo xác nhận khuôn mặt nhằm mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử đứng tên nạn nhân. Theo đó, với sự tiến bộ của khoa học công nghệ, hiện nay người dân có thể thực hiện thủ tục mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử bằng hình thức online. Khi thực hiện đăng ký tài khoản ngân hàng, ví điện tử online sẽ có một bước gọi là KYC (định danh cá nhân) để kích hoạt tài khoản. Phần mềm thực hiện định danh cá nhân bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, yêu cầu người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống.
Lợi dụng cách thức để định danh cá nhân nêu trên, các đối tượng giả dạng cán bộ cơ quan chức năng (công an, cơ quan thuế...) hoặc người thân, quen của nạn nhân (đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để giả dạng hình ảnh và giọng nói) thực hiện cuộc gọi "video call" với nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng. Trong lúc gọi "video call", bằng nhiều thủ đoạn, đối tượng sẽ yêu cầu nạn nhân nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải... rồi quay video và dùng những hình ảnh này để mở tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử đứng tên nạn nhân. Các tài khoản ngân hàng, ví điện tử đó có thể được các đối tượng sử dụng vào mục đích lừa đảo hoặc những hành vi vi phạm pháp luật khác. Nạn nhân rất khó để chứng minh sự vô can của mình, do đã thực hiện bước định danh cá nhân.
Mọi người cảnh giác không được bấm nhận cuộc gọi hiện tên "FlashAI"
Công an TPHCM khuyến cáo: Người dân cần tăng cường cảnh giác khi nhận cuộc gọi "video call" mà yêu cầu mình thực hiện các hành động lạ như nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống... Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số CMND, căn cước công dân, địa chỉ nhà, số tài khoản ngân hàng, mã OTP... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra thì sẽ làm việc trực tiếp hoặc có văn bản, thông báo gửi đến chính quyền, cá nhân, tổ chức đó; tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội. Khi phát hiện các hành vi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo đến cơ quan công an gần nhất để xử lý theo đúng pháp luật.
Công nghệ Deepfake là gì?
Công an TPHCM cho biết, thời gian qua, trên địa bàn cả nước nói chung và TPHCM nói riêng xuất hiện nhiều vụ lừa đảo qua mạng Internet, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cắt ghép hình ảnh, video, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân, khiến dư luận hoang mang, lo lắng, gây ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT, trật tự an toàn xã hội. Trước đây, tội phạm mạng chủ yếu sử dụng thủ đoạn giả danh cán bộ của các cơ quan tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án...) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần đây, các đối tượng chuyển sang hình thức rao tuyển tìm người làm việc tại nhà, tham gia chứng khoán, mua bán tiền ảo, dọa rằng nạn nhân đang nợ tiền điện thoại, con bị tai nạn, chuyển đổi sim... Diễn biến của loại tội phạm lừa đảo bằng công nghệ cao khá phức tạp, gây khó khăn trong công tác điều tra, truy vết của lực lượng chức năng, vì nhiều đối tượng gây án lại ở nước khác chứ không có mặt tại Việt Nam.
Hiện nay, các đối tượng đã sử dụng công nghệ Deepfake - công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Deepfake là cụm từ được kết hợp từ "deep learning" và "fake", là phương thức sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh (giọng nói), hình ảnh (khuôn mặt), thậm chí tạo ra video với mục đích giả giọng nói, khuôn mặt người quen của nạn nhân trên mạng xã hội rồi tương tác, hỏi vay tiền, nhờ chuyển tiền giúp con đi học hoặc đóng viện phí cấp cứu... để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn lừa đảo mới bằng công nghệ Deepfake
Công an TPHCM xác định thủ đoạn của loại tội phạm này là các đối tượng tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh, video có giọng nói được đăng tải công khai trên các nền tảng mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake để tạo ra giọng nói, khuôn mặt, video nên rất khó phát hiện thật hay giả. Đặc điểm chung của các cuộc gọi "video call" lừa đảo là thường có âm thanh, hình ảnh không rõ nét, tín hiệu chập chờn, giống như ở trong khu vực sóng di động hoặc wifi yếu, nhằm để nạn nhân khó phân biệt thật hay giả. Khi người nhận cuộc gọi gọi lại để kiểm tra, các đối tượng sẽ không nhận cuộc gọi hoặc sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh, giọng nói để đánh lừa.
Vì sao người dân dễ sập bẫy lừa?
Qua điều tra, công an xác định, nguyên nhân dễ sập bẫy lừa do các nạn nhân không thường xuyên cập nhật tin tức tuyên truyền của cơ quan chức năng, không nhận diện đúng, đầy đủ phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng công nghệ Deepfake để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một bộ phận người dân còn có tâm lý chủ quan, không cẩn thận xác minh bằng cách gọi số điện thoại của người thân theo cách thông thường, sau khi nhận tin nhắn hỏi vay mượn tiền, chuyển khoản qua các nền tảng mạng xã hội; kể cả khi thấy số tài khoản nhận chuyển khoản không đúng tên người thân của mình.
Phần lớn các nạn nhân là người lớn tuổi, có ít kiến thức về công nghệ và khó phân biệt được giữa video thật và video giả. Những người có ít kiến thức về công nghệ, không cập nhật tin tức về phương thức, thủ đoạn của các loại tội phạm sử dụng mạng xã hội để lừa đảo, không quan tâm đến các vấn đề bảo mật... cũng dễ bị đánh cắp thông tin và bị lừa đảo bởi công nghệ Deepfake. Những người đang trong tâm trạng tâm lý yếu (stress, lo lắng...) cũng dễ sập bẫy lừa bằng các thông tin giả mạo. Đặc biệt, người có tài sản lớn, vị trí xã hội cao, kinh doanh, văn hóa... cũng bị các đối tượng chú ý và có khả năng sập bẫy lừa đảo cao.
Trước khi chuyển khoản tiền qua mạng, mọi người cần kiểm tra kỹ thông tin về người nhận
Công an TPHCM khuyến cáo: Người dân cần tăng cường cảnh giác khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi "video call" nào có nội dung hỏi vay mượn tiền qua các ứng dụng, mạng xã hội (Viber, Zalo, Facebook, Telegram...). Cần xác minh, kiểm tra lại thông tin bằng cách gọi số điện thoại di động của người thân theo cách thông thường để kiểm tra, đối chiếu thông tin. Hạn chế đăng về thông tin cá nhân, hình ảnh, video... của bản thân, người nhà lên ứng dụng, mạng xã hội để tránh lộ, lọt thông tin cá nhân và người thân. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân, bạn bè, đồng nghiệp của mình trên mạng xã hội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cần báo ngay cho Công an phường, xã, thị trấn nơi gần nhất để được hỗ trợ, hướng dẫn xử lý kịp thời.
TPHCM là thành phố năng động, việc ứng dụng, triển khai công nghệ số, số hóa... phục vụ người dân ngày càng tốt hơn là nhiệm vụ cũng như thách thức của cả TPHCM nói chung trong công tác bảo vệ dữ liệu và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày nay, với sự bùng nổ của mạng Internet, mỗi người dân đều dễ dàng thực hiện các giao dịch tài chính, đầu tư... trên điện thoại thông minh. Đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao sử dụng để lừa đảo nhắm tới. Vì vậy, người dân trên địa bàn TPHCM cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến khác, tăng cường cập nhật tin tức tuyên truyền của Công an các cấp về công tác phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lợi dụng mạng Internet để lừa đảo.
Không nhận cuộc gọi từ số điện thoại "FlashAI"
Công an TP.Đà Nẵng vừa thông tin, gần đây, có nhiều người nhận cuộc gọi từ số điện thoại hiện tên là "FlashAI" hay nhiều cuộc gọi khác với hình thức tương tự. Có một điều mà mọi người lầm tưởng rằng khi bắt máy thì những cuộc gọi này sẽ bị trừ tiền và mất thông tin. Điều này là không chính xác.
Thông thường, người dân chỉ bị mất tiền qua cuộc gọi điện thoại nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Thực hiện thao tác theo hướng dẫn của cuộc gọi (ví dụ bấm phím 1, phím 2 thì có thể sẽ bị mất tiền cước viễn thông, vì các con số ấn định các dịch vụ viễn thông đi kèm); bị người gọi điện dẫn dụ truy cập vào đường link lừa đảo hoặc tải file có chứa mã độc đánh cắp thông tin; bị dẫn dụ đầu tư tài chính hoặc thực hiện lệnh chuyển tiền theo hướng dẫn của cuộc gọi; bị mời gọi, cung cấp thông tin cá nhân trước, sau đó tội phạm mới lợi dụng thông tin đó để thực hiện tiếp các cuộc gọi đe dọa khác.
Lưu ý khi nhận những cuộc gọi hiện tên là "FlashAI", người dân không nên bắt máy, tránh bị dẫn dụ bởi những đòn tâm lý của đối tượng lừa đảo; không bấm vào bất kỳ đường link qua tin nhắn hay qua cuộc gọi nào, không cung cấp mật khẩu và mã OTP, luôn kiểm chứng và xác thực mọi thông tin. Khi nhận cuộc gọi hiện tên là "FlashAI", người dân cần chờ đến khi đối tượng tắt cuộc gọi, hãy thực hiện thao tác chặn số điện thoại này trên máy điện thoại của mình.