Nguy cơ "gánh" nợ từ chiêu lừa đảo mạo danh ví điện tử

Thứ Tư, 27/10/2021 10:40  | Quang Hà

|

(CATP) Thời gian gần đây, các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng, ví điện tử liên tục phát đi các thông tin cảnh báo người dùng về các thủ đoạn của tội phạm công nghệ cao, trong đó chủ yếu là các hành vi gian lận trong định danh điện tử của người dùng.

Lợi dụng sự cả tin của người dùng, cùng những nhu cầu và khó khăn về tài chính trong mùa dịch, nhiều đối tượng đã giả mạo MoMo để thực hiện các hành vi lừa đảo. Mục tiêu của các đối tượng lừa đảo là lấy thông tin gồm mật khẩu và mã xác thực (OTP) để chiếm đoạt tiền trong ví điện tử. Ngoài ra, với các thông tin cá nhân có được, chúng có thể dùng để vay tiền tại các tổ chức và các ứng dụng khác. Khi đó người dùng bị lấy cắp thông tin cá nhân sẽ phải "gánh" khoản nợ của các đối tượng lừa đảo.

Nhiều người dùng Ví MoMo đã nhận được email về "Gói cứu trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch" nhưng DN này khẳng định, không có chương trình "Gói hỗ trợ gói hỗ trợ Covid - Chung tay vượt qua đại dịch". Do đó, để bảo vệ tài khoản cá nhân, MoMo khuyến nghị người dùng nâng cao cảnh giác và lưu ý người dùng ví điện tử này tuyệt đối không cung cấp Mật khẩu, Mã xác thực (OTP) cho bất kỳ ai (kể cả bạn bè, người thân). Đồng thời, tuyệt đối không click vào link lạ và luôn luôn ghi nhờ các nhân viên MoMo không bao giờ đề nghị người dùng cung cấp Mật khẩu, OTP dưới bất kỳ hình thức nào, mọi đề nghị cung cấp thông tin này đều là lừa đảo.

Công ty tài chính FE CREDIT cũng cho biết gần đây liên tục xảy ra các vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt thông tin về tài khoản thẻ tín dụng của khách hàng và gây tổn hại tới uy tín của FE CREDIT. Bọn lừa đảo sử dụng nhiều chiêu thức tinh vi khác nhau như trao đổi buôn bán, lấy cắp thông tin để rút tiền từ thẻ tín dụng, mạo danh công ty để hỗ trợ thực hiện giãn nợ, cơ cấu nợ, thanh toán nợ, hoàn lãi suất... Các trường hợp lừa đảo, chiếm dụng tiền thành công phần lớn đều đánh vào điểm yếu của khách hàng có nhu cầu cần hỗ trợ giãn nợ, đăng ký khoản vay, thẻ tín dụng.

Do đó, để bảo vệ tài khoản của mình, khách hàng cần nâng cao cảnh giác và chủ động bảo vệ thẻ tín dụng của mình bằng cách không cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập ứng dụng, bất kỳ mã xác thực (OTP), thông tin mặt trược và mặt sau của thẻ tín dụng cho bên thứ 3 dưới bất cứ hình thức nào. Không để lại số điện thoại, CMND, hình ảnh, thông tin tài khoản, thông tin thẻ trên các trang mạng xã hội và không cho mượn hoặc cho người khác sử dụng thẻ tín dụng của mình, thường xuyên kiểm tra sao kê, tin nhắn báo giao dịch để kịp thời phát hiện các giao dịch phát sinh bất thường.

Email giả mạo ví điện tử Momo gửi đến người dùng

Ngoài ra, tuyệt đối không mở các tập tin đính kèm, cung cấp thông tin cho các email lạ, truy cập vào các đường link không xác thực... Mirae Asset Finance Việt Nam ( MAFC) - một thành viên của Tập đoàn Mirae Asset đến từ Hàn Quốc hoạt động từ năm 2006 trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, đầu tư, quản lý tài sản cũng cho biết thời gian vừa qua, nhiều khách hàng của họ cũng phản ánh bị mất tiền do các đối tượng mạo danh công ty tài chính để lừa đảo chiếm đoạt tiền phi pháp. Trong đó, nhóm đối tượng này có giả mạo ứng dụng của MAFC.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là sẽ tự nhận là nhân viên tư vấn để trao đổi về thông tin vay qua Zalo, Messenger... Sau đó chúng sẽ gửi một đường link để lừa đảo người dùng tải về ứng dụng tài chính với thiết kế logo ứng dụng và tên gọi nhái theo ứng dụng My Finance của MAFC đến 90% nên nhiều người không nhận ra sẽ tải về theo hướng dẫn. Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sẽ gửi giấy tờ giả để làm cơ sở thuyết phục nạn nhân chuyển khoản vào số tài khoản ngân hàng cá nhân. Ngay sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng này sẽ nhanh chóng khóa tài khoản và chặn cuộc gọi.

Theo chia sẻ của ông Trịnh Xuân Tuân - Giám đốc Khoa học dữ liệu Ví MoMo, các hình thức lừa đảo, gian lận được thực hiện qua các phương tiện thanh toán điện tử xuất hiện ngày càng nhiều, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay. Do đó, cần những giải pháp công nghệ thông minh, hiện đại để phát hiện và loại trừ các hành vi gian lận, lừa đảo ngày càng tinh vi. Định danh điện tử (eKYC) và Nhận diện gương mặt (Face Matching) là các giải pháp căn cơ để giảm thiểu gian lận trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Vừa qua, MoMo đã đưa ứng dụng deep learning trong phát hiện hành vi gian lận.

Các hành vi gian lận khi định danh điện tử và xác nhận gương mặt như sử dụng hình ảnh của người khác (bằng ảnh in ra giấy hoặc hiển thị hình ảnh, video trên các thiết bị như điện thoại, máy tính, máy tính bảng hoặc sử dụng các giấy tờ quá hạn, không còn hiệu lực pháp lý, sử dụng mặt nạ 3D... cũng được MoMo phát hiện nhanh chóng và loại bỏ dễ dàng bằng công nghệ máy học (deep learning). Công nghệ deep learning cũng cho phép MoMo có một hệ thống dữ liệu chuẩn chỉnh bằng cách loại bỏ những "hình ảnh lỗi" như người dùng đeo kính, nhắm mắt, hé miệng...

Bình luận (0)

Lên đầu trang