(CATP) Hai ngày qua, nhiều người sử dụng ứng dụng Zalo chia sẻ thông tin dạng cảnh báo kiểu: "Hiện nay, có một đối tượng mặc trang phục bảo hộ y tế, đến nhà người dân, đọc đúng thông tin của một số thành viên trong gia đình rồi thông báo trong nhà có người nhiễm Covid-19 và yêu cầu "test" nhanh. Sau khi "test", các thành viên trong gia đình bị mê man. Kết quả bị trộm hết tài sản".
Còn có thêm dạng chia sẻ kiểu tin nhắn có nội dung chi tiết hơn: "Nhà bạn con ở CMT8 (tức đường Cách Mạng Tháng Tám - PV), tối qua có 3 người mặc bảo hộ xuống nói "test" nhanh do công ty chị của bạn con có người dương tính. Mọi thông tin đều chuẩn xác, cho nên cả nhà ngồi cho ngoáy mũi. Kết quả mê man tới giờ luôn. Camera chịu thua luôn vì họ mặc bảo hộ. Mới báo công an sáng nay. Dạ mất sạch. Một hình thức lừa để lấy trộm tài sản".
Những người nhận được cảnh báo hoặc chia sẻ tin nhắn như trên đều cảm thấy bất an, trước tình hình ANTT phức tạp, khó lường. Thực tế, qua kiểm chứng tại Công an Q3 vào ngày 21-10-2021, đơn vị này khẳng định chưa ghi nhận có nạn nhân nào đến trình báo vụ việc như trên. Trong ngày 22-10, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM cũng quyết liệt xác minh, điều tra và kết luận trên toàn địa bàn thành phố chưa ghi nhận sự việc nào như vậy xảy ra.
Còn nhớ, ngày 30-9-2021, nhiều người dùng ứng dụng Zalo cũng đồng loạt chia sẻ "thông báo" sau: "Chiều hôm qua, có nhóm đối tượng tự xưng là cảnh sát hình sự chặn người đi đường, kiểm tra giấy tờ ở Nhà Bè. Khi người dân đưa điện thoại di động ra để trình "thẻ xanh" thì bị chúng cướp máy, chạy mất".
Cạnh đó, có tin nhắn còn để giao diện điện thoại của một cảnh sát khu vực đang chia sẻ với nội dung: "Hiện các chốt trong TPHCM đã tháo gỡ, tổ tuần tra công an, bộ đội và dân quân tự vệ vẫn duy trì tuần tra phòng, chống dịch bệnh, kiểm tra giấy tờ khi ra đường và đảm bảo ANTT 24/24, đặc biệt vào thời gian 18 giờ đến 6 giờ sáng hàng ngày. Tuy nhiên, tại Nhà Bè hôm qua đã có số đối tượng không mặc quân phục, tự xưng là hình sự, công an chặn đường người dân kiểm tra bất ngờ. Khi người dân lấy điện thoại di động ra trình "thẻ xanh" thì bị cướp giật điện thoại và chạy mất. Nên người dân lưu ý cảnh giác khi ra đường, chỉ xuất trình khi có tổ công tác tuần tra đầy đủ quân phục tại nơi đông người qua lại, nâng cao cảnh giác phòng, chống cướp tài sản".
Thời điểm đó, Đội Hình sự đặc nhiệm - Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM phối hợp với Công an H.Nhà Bè khẩn trương điều tra. Qua xác minh, Công an H.Nhà Bè ghi nhận không có nạn nhân nào trình báo vụ việc như vậy tại Công an các xã, thị trấn trong huyện. Qua rà soát hệ thống camera an ninh và các nguồn tin đa chiều cũng cho kết quả không ghi nhận có vụ việc như thế xảy ra. Mở rộng địa bàn xác minh, Phòng Cảnh sát hình sự xác định toàn thành phố không xảy ra trường hợp nào giống như tin trên ứng dụng Zalo đã chia sẻ. Quần quật trong 2 ngày để xác minh vụ việc, một trinh sát hình sự đặc nhiệm nói: "Tin cảnh giác mà gây hoang mang quá!".
Để tránh rơi vào trường hợp vội vàng chia sẻ thông tin chưa kiểm chứng trên mạng xã hội, khiến dư luận hoang mang, lo sợ mà đó là "tin vịt" sai sự thật, bịa đặt, có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự, người dùng mạng xã hội và ứng dụng Zalo cần thận trọng, xác minh thông tin thật - giả trước khi chia sẻ, thông tin lại trên trang cá nhân hoặc tài khoản của mình.
Thông thường, tin giả thường không rõ địa chỉ, địa điểm cụ thể nơi xảy ra vụ việc. Người đưa tin giả chủ yếu chỉ nêu nội dung, tính chất vụ việc có thể gây sốc, tạo tò mò hoặc hoang mang, nhằm thu hút nhiều người quan tâm. Hiện nay, khi cần truy xét, chỉ mất khoảng thời gian ngắn là các đơn vị nghiệp vụ của lực lượng công an sẽ tìm ra người đăng tin giả và xử lý. Theo Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc về tình hình dịch Covid-19 hoặc cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt về tình hình dịch Covid-19, gây hoang mang trong nhân dân.
Cạnh đó, Điều 8 của Luật An ninh mạng năm 2018 nghiêm cấm hành vi đưa thông tin sai sự thật khiến dư luận hoang mang, gây thiệt hại đến hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Người có hành vi này gây hậu quả nguy hiểm cho xã hội sẽ bị xử lý hình sự theo Khoản 1, Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015 (đã sửa đổi, bổ sung) về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, với mức phạt tù lên đến 3 năm.