Thăm lại Khu căn cứ cách mạng vùng Đồng Tháp Mười

Thứ Bảy, 29/04/2023 09:00

|

(CATP) Khu căn cứ (KCC) Xứ ủy Nam kỳ và Ủy ban Hành chính Kháng chiến (UBHCKC) Nam Bộ (xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An) là địa danh lịch sử, nơi nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát động cuộc kháng chiến đem lại thắng lợi của ngày 30/4/1975 lịch sử. Dù cách xa trung tâm huyện Tân Thạnh nhưng nhiều lão thành cách mạng, người dân, học sinh, sinh viên… đến để tìm hiểu và ôn lại truyền thống vẻ vang đó. Dịp 30-4 năm nay chúng tôi lại về...

'CĂN CỨ VIỆT BẮC' CỦA VÙNG NAM BỘ

Trung tuần tháng 4, chúng tôi có dịp trở lại thăm KCC Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ nằm trong vùng Đồng Tháp Mười trong cái nắng nóng như thiêu đốt. Con đường đá đỏ năm nào nay đã nhựa hóa, hai bên nhà cửa khá khang trang cho thấy đời sống của dân địa phương đã thay da, đổi thịt rất nhiều so với 5 năm trước. "Ở vùng đất xa xôi này, gia đình cách mạng, có công với cách mạng gần như chiếm đa số, đến giờ họ vẫn là những con người tiêu biểu để xây dựng quê hương. Chính quyền luôn gắn với người dân để cùng nhau phát triển kinh tế", Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập nói trong sự phấn khởi.

Lão thành cách mạng Lê Văn Mới (ngụ ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập) năm nay đã bước sang tuổi 93. Không còn khỏe mạnh, bước đi chậm chạp so với 5 năm trước, nhưng khi chúng tôi vào thăm ông đã nhận ra ngay và nở nụ cười cảm mến: "Nay lại đi thăm KCC và ông già này à? Trưa nay ở lại không, để tao kêu tụi nhỏ làm gà nấu cháo uống vài xị".

Mở đầu câu chuyện, ông Mới bồi hồi nhớ lại những năm đầu thoát ly gia đình tham gia cách mạng: "Hồi vô cứ được giao về làm cán bộ địa phương của huyện Mộc Hóa, lực lượng bí mật trong rừng đóng quân ngay xã Nhơn Hòa Lập, nơi đây dần dần thành căn cứ Việt Bắc của miền Nam. Điểm cứ xa khu quân sự của địch nên các cơ quan lãnh đạo, cấp xứ, cấp khu, cấp tỉnh đều xây dựng ổn định vùng trũng giáp ranh hai tỉnh Long An - Tiền Giang trở nên an toàn. Nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra như: Đại hội đại biểu Xứ ủy Nam Bộ, nơi thành lập đài phát thanh Nam Bộ đầu tiên, xưởng in tiền...".

Ông Lê Văn Mới bồi hồi nhớ lại những ngày gian khổ

Cựu chiến binh xã Nhơn Hòa Lập - ông Nguyễn Kim Quy, tuổi lục tuần bồi hồi nhớ lại: "Hậu cứ ngày càng vững chắc để lực lượng kháng chiến làm bàn đạp tiến công ra bên ngoài và giành được nhiều thắng lợi vẻ vang như chiến thắng trận Giồng Dinh năm 1947, trận Mộc Hóa năm 1948. Cụ thể, đầu tháng 8/1948, Bộ Tư lệnh Khu 8 quyết định lên kế hoạch tổ chức đánh trận Mộc Hóa.

Lực lượng tham gia gồm Trung đoàn 120, Tiểu đoàn 307, trung đội du kích tập trung của huyện và du kích 3 xã xung quanh đặt dưới sự chỉ huy chung của đồng chí Nguyễn Chánh, Tham mưu trưởng Khu 8. Đêm 16/8/1948, quân và dân ta nổ súng mở đầu trận đánh Mộc Hóa. Sau 3 ngày chiến đấu đầy mưu trí và dũng cảm, quân và dân ta đã đánh thiệt hại một tiểu đoàn địch, bắt sống một số tên cầm đầu, trong đó có Trung úy đồn trưởng Louis Bertrand, thu hàng trăm súng các loại.

Cuộc kháng chiến đầy gian khổ để giành lại độc lập cho dân tộc, nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã từng sống tại căn cứ như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà, Phạm Văn Bạch... địa phương rất tự hào về truyền thống đó".

THAY ĐỔI VÙNG QUÊ NGHÈO NĂM NÀO

Vùng đất kiên cường đấu tranh trường kỳ với 2 cuộc kháng chiến đem lại thắng lợi mùa xuân 1975 giờ đây cũng đã khác xưa rất nhiều. Con đường tỉnh 837 nối 02 tỉnh Long An - Đồng Tháp có điểm đầu kết nối Quốc lộ 62 ở khu vực thị trấn Tân Thạnh (huyện Tân Thạnh, Long An), điểm cuối là xã Trường Xuân (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) dài trên 26 km trải nhựa rộng thênh thang.

Tuyến đường qua xã Nhơn Hòa Lập (huyện Tân Thạnh) nơi thành lập KCC Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ thay đổi khá bất ngờ. Người dân không chỉ giàu nhờ nông nghiệp mà họ đã biến cánh đồng lúa năm nào thành nơi nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái chất lượng cao. Nhiều nhà máy, công ty gạo, chế biến hình thành và làm ăn hiệu quả, đem về cho địa phương nhiều nguồn lợi kinh tế...

Cùng chung nhiệm vụ vượt qua khó khăn, góp sức của người dân để có một cuộc sống thanh bình, no ấm như hôm nay có sự đồng lòng, quyết tâm của chính quyền từ huyện xuống xã. Nhiều tuyến đường bê tông hóa dọc dòng kênh Dương Văn Dương đi thẳng vào từng xóm, ấp, cầu bắc qua kênh bằng bê tống cốt thép thay thế cho những cây cầu khỉ của 10 năm về trước. Cây cầu sắt lớn nhất bắc qua kênh vào KCC Xử ủy và UBHCKC Nam Bộ do nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vận động xây dựng với tổng kinh phí trên 7,5 tỷ đồng để khách chạy xe vào tham quan dễ dàng.

Khu căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chính - Kháng chiến Nam Bộ được xây dựng mới

Ông Nguyễn Tấn Thành (70 tuổi) - nguyên Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập cho biết, năm 1975 ở vùng này chỉ có đường kênh Dương Văn Dương phục vụ cho dân toàn xã đi lại, do lộ đất mùa mưa hầu như không thể chạy xe. Muốn đi đâu phải sử dụng xuồng bơi đi và về mất hết cả ngày. Giờ thì ôtô, xe máy, xe tải cũng bon bon tận nhà để trao đổi, mua bán với dân địa phương.

Ông Đinh Văn Định - Chủ tịch UBND xã Nhơn Hòa Lập chia sẻ: "Địa phương được tỉnh, huyện, nhân dân và các mạnh thường quân đóng góp xây dựng nhiều công trình giao thông với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trong đó, có 2 tuyến đường tỉnh 837, 837B đi qua được nhựa hóa và trên 100km đường liên ấp, liên xã, đường ngõ, xóm... được bê tông và nhựa hóa, bảo đảm lưu thông thuận lợi trong mùa mưa, lũ. Năm 2000, xã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân. Năm 2021 xã được công nhận xã nông thôn mới".

Một cánh đồng sen ở vùng Đồng Tháp Mười

Ông Lê Thanh Đông - Chủ tịch UBND huyện cung cấp thêm: "Xã Nhơn Hòa Lập hiện có 23 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 2 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, 63 thương binh, 11 bệnh binh, 84 liệt sĩ và hơn 320 gia đình người có công với cách mạng. Phát huy truyền thống cách mạnh, ngày nay huyện Tân Thạnh đã đầu tư xây dựng 100% đường ôtô đến xã, đường bê tông đến tận xóm, ấp, ngõ. Chủ trương của huyện đang tập trung xây dựng tuyến đường số 3 nối từ trung tâm huyện đến Quốc lộ N2 và nhựa hóa tuyến đường kênh Cà Nhíp kết nối Quộc lộ N2. Đồng thời, xây dựng quy hoạch phát triển khu công nghiệp, thương mại, dịch vụ dọc Quốc lộ N2, Quốc lộ 62".

Đi qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ, sau ngày 30/4/1975, đời sống của người dân vẫn còn biết bao khó khăn, vất vả... Bằng ý chí, nghị lực, người dân ở những vùng sâu, vùng xa như xã Nhơn Hòa Lập và nhiều xã của huyện Tân Thạnh đã vượt qua để xây dựng quê hương mới. 48 năm qua, người và đất Nhơn Hòa Lập ngày càng nở hoa, kết trái ngọt trong công cuộc đổi mới này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang