Bước chuyển mình của một quận vùng ven TPHCM

Thứ Bảy, 29/04/2023 08:05

|

(CATP) Trải qua 48 năm từ ngày chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, quận Gò Vấp nay đã "thay da đổi thịt" từ một vùng ven nghèo nàn, lạc hậu, đầy rẫy tội phạm, tệ nạn xã hội do chế độ cũ để lại, Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân quận Gò Vấp đã quyết tâm xây dựng quê hương trở thành địa phương phát triển mạnh mẽ, năng động hàng đầu của TPHCM.

VÙNG ĐẤT CỦA TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG

Từng là vành đai hậu cần căn cứ quân sự khổng lồ của quân xâm lược và tay sai, kinh tế nghèo nàn, văn hóa lạc hậu, xã hội nhiều tệ nạn... Nhưng sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp từng bước dựng xây cuộc sống mới, biến những nơi hoang vu, ảm đạm, xơ xác của bom đạn chiến tranh thành những nhà máy, công trình dân sinh, những khu dân cư văn hóa, giàu sức sống và nay là một quận nội thành có tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, hiện đại.

Bí thư Quận uỷ Gò Vấp Sử Ngọc Anh trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Đảng năm 2022

Tổng diện tích quận Gò Vấp là 1.975,85 ha, cơ cấu hành chính gồm 16 phường, dân số năm 1976 là 144.000 người, nay đã gần 700.000 người, đông thứ tư trong 22 quận - huyện và thành phố trực thuộc TPHCM. Quận Gò Vấp cũng là một đơn vị đầu tiên của Thành phố từ sau giải phóng được Đảng và Nhà nước tặng Huân chương Lao động Hạng Ba (ngày 18/9/1979) vì thành tích đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cán bộ, chiến sĩ Công an quận Gò Vấp cũng là đơn vị đầu tiên của Công an Thành phố được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân...

Với truyền thống cách mạng bền bỉ trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, đồng bào và chiến sĩ quận Gò Vấp dũng cảm, bất khuất đã để lại những di tích lịch sử hào hùng, bất tử như: Đài Liệt sĩ Quận, Camp Hạnh Thông Tây (K.35), Chợ Gò Vấp, Nhà truyền thống Quận, Trường Gò Vấp 2, Cầu Hang Dưới, Ga Xóm Thơm, Cầu Bến Phân, Ấp Doi, Bến đò An Nhơn (đường giao liên bí mật với Chiến khu An Phú Đông), Mặt trận Gò Môn, Ban cán sự Mặt trận K.41... Những "địa chỉ đỏ" ấy không chỉ là những câu chuyện hy sinh bi tráng, oanh liệt của người dân quận Gò Vấp, mà còn là những chứng tích lịch sử đấu tranh cách mạng đặc biệt quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Thành phố.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp động viên tân binh lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, tại lễ ra quân năm 2023

KHỞI SẮC CỦA MỘT VÙNG VEN

Sau ngày 30/4/1975, từ một quận vùng ven với vô số khó khăn về kinh tế, xã hội, cùng với đó là các loại tội phạm, tệ nạn xã hội do tàn dư của chế độ cũ để lại, Đảng bộ và nhân dân quận Gò Vấp qua các thời kỳ đã chung sức, đồng lòng từng bước dựng xây cuộc sống mới. Trong những năm qua, quận Gò Vấp kiên trì triển khai thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận các nhiệm kỳ và gần đây nhất là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025), tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng tỷ trọng các ngành dịch vụ.

Lãnh đạo quận Gò Vấp tham quan một gian hàng giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp trên địa bàn quận, tại một sự kiện trưng bày, triển lãm

Đặc biệt ưu tiên phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh các loại hình dịch vụ có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, du lịch, y tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, công nghệ thông tin, các ngành sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đảm bảo tăng trưởng ổn định. Đa dạng hóa các loại hình thương mại, đầu tư vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của địa phương.

Lãnh đạo quận Gò Vấp giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp trong một buổi đối thoại

Bên cạnh đó, không ngừng nâng cao nhận thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Xây dựng đô thị phát triển bền vững gắn với xây dựng đô thị thông minh. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, lịch sử; phát triển thể dục thể thao và du lịch. Thực hiện có hiệu quả phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đó cũng chính là những định hướng quan trọng cho cả mai sau như một quy luật phát triển tất yếu của địa phương. Hiện tại, Gò Vấp cũng là nơi đặt cơ sở sản xuất kinh doanh của các thương hiệu nổi tiếng như: Mercedes Benz; Isuzu; sân Golf Long Biên...

Quận Gò Vấp triển khai thực hiện Đề án 06, dùng CCCD gắn chíp trong khám chữa bệnh, tạo thuận lợi cho nhân dân

XÂY DỰNG  ĐÔ THỊ "VĂN MINH - HIÊN ĐẠI - NGHĨA TÌNH"

Điểm nhấn xuyên suốt 48 năm qua đó là chất lượng cuộc sống người dân được nâng cao, hệ thống dịch vụ giải trí, lưu trú, ẩm thực và mua sắm ngày càng mở rộng quy mô, hiện đại: Với 5 trung tâm thương mại lớn (Vincom, Vincom Plaza, Emart, Big C, Lotte), 19 siêu thị vừa và nhỏ, 5 chợ truyền thống (chợ Gò Vấp - cổ nhất thành phố, chợ An Nhơn, chợ Xóm Mới, chợ Hạnh Thông Tây, chợ Tân Sơn Nhất) đều đạt chuẩn mua sắm phục vụ du lịch.

Ngoài ra, hiện có hơn 200 nhà nghỉ, khách sạn phục vụ lưu trú, trong đó có 109 cơ sở lưu trú đạt chuẩn từ 1 sao đến 4 sao. Doanh nghiệp kinh doanh lữ hành có 55 cơ sở hoạt động cả nước và quốc tế... Bên cạnh các dịch vụ đó, còn có chợ đêm Hạnh Thông Tây với khoảng 370 hộ kinh doanh ổn định, mặt hàng đa dạng, phong phú, giá cả phù hợp, bình dân thu hút đông khách tham quan, mua sắm... Các dãy phố chung cư Cityland cao cấp dọc đường Phan Văn Trị, cùng Cafe Country House mở rộng Country Merket - Chợ đêm theo phong cách Châu Âu kề bên khiến không gian giải trí cao cấp thêm lung linh và tiện ích, thu hút rất đông du khách...

Gò Vấp là quận có đông đồng bào có đạo với nhiều cơ sở thờ tự tín ngưỡng tôn giáo. Trong đó phải nói đến Đình Thông Tây Hội hơn 300 năm, được Vua triều Nguyễn ban Sắc phong, cổ nhất Nam bộ còn tồn tại đến nay. Chùa Trường Thọ cũng hơn 300 năm, được 2 lần Vua triều Nguyễn ban Sắc phong.

Bệnh viện 175 - cơ sở khám chữa bệnh hàng đầu của cả nước tại địa bàn quận Gò Vấp

Với chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đầu năm 2023 Thành phố đã khởi công dự án Xây dựng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương qua sông Sài Gòn với kinh phí gần 17.000 tỷ đồng qua quận Gò Vấp. Bên cạnh đó là dự án nâng cấp và mở rộng đường Dương Quảng Hàm với kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng, công trình rạch Xuyên Tâm... sẽ làm thay đổi bộ mặt của địa phương này.

Nói đến thành tựu của quận Gò Vấp, không thể không nhắc đến những đóng góp rất ấn tượng của ngành giáo dục của địa phương. Đó là sự đổi mới, mở rộng nhiều trường lớp gắn liền với xã hội hóa giáo dục, nâng cao chất lượng dạy và học, bồi dưỡng, đào tạo học sinh giỏi đạt thành tích cao thuộc tốp đầu của thành phố.

Lãnh đạo quận Gò Vấp tại buổi lễ khởi công dự án cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên

Theo kế hoạch đề ra trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ quận Gò Vấp xác định mục tiêu tổng quát: "Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với nâng cao chất lượng sống của nhân dân; bảo đảm quốc phòng và an ninh; đẩy mạnh ứng dụng thành tựu Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần cùng Thành phố xây dựng đô thị "thông minh, hiện đại".

Bên cạnh đó, quận cũng đề ra 17 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, 8 chỉ tiêu xây dựng Đảng, 2 chương trình và 6 công trình trọng điểm để từng bước xây dựng địa phương đáp ứng các tiêu chí "Văn Minh - Hiện Đại - Nghĩa Tình".

Bình luận (0)

Lên đầu trang